Thể hiện quyền làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng Hiến pháp

14/03/2013

Ngày 12-3, HÐND tỉnh và Ðoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình tổ chức đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tham dự, có các đồng chí: Ðại tướng Trần Ðại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an; Bùi Văn Nam, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình.

Các ý kiến cho rằng, việc sửa đổi Hiến pháp lần này đã bảo đảm việc thực thi các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của người dân... đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến đổi sâu sắc. Nhiều đại biểu bày tỏ sự đồng tình và khẳng định, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 phù hợp với tình hình đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Nội dung sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã giải quyết được những vấn đề hạn chế, bất cập đặt ra trong quá trình tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992. Về bố cục Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 so với Hiến pháp hiện hành ngắn gọn và súc tích hơn. Ðóng góp cho Chương II, Quyền con người, tại Khoản 2, Ðiều 29, nhiều ý kiến đề nghị thay cụm từ "tạo điều kiện" bằng cụm từ "bảo đảm"; tại Ðiều 50, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ "theo quy định của pháp luật" và sửa lại là "mọi người có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật".

* Cùng ngày, Ðoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương do đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Ðồng Nai và Bình Dương để kiểm tra công tác tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Sau khi nghe Ban chỉ đạo tỉnh Ðồng Nai, Bình Dương báo cáo về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân của hai tỉnh là đa dạng, phong phú, khoa học, phù hợp đặc điểm dân cư tại địa phương. Ðồng chí cho rằng, hai tỉnh cần chú trọng tổ chức lấy ý kiến của các vị chức sắc tôn giáo, công nhân lao động. Phó Thủ tướng biểu dương tỉnh Ðồng Nai bằng nhiều hình thức tuyên truyền sáng tạo, tổ chức lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân đồng bộ, có chiều sâu, thể hiện đầy đủ ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân; biểu dương tỉnh Bình Dương thực hiện công tác góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 khẩn trương, đúng tiến độ.

Tuy nhiên, để công tác tổ chức lấy ý kiến của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đạt hiệu quả, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Ðồng Nai cần tiếp tục chú trọng việc lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, các đối tượng hiểu biết về pháp luật; tiếp tục đẩy mạnh lấy ý kiến của công nhân lao động và các doanh nghiệp trên địa bàn cũng như mọi tầng lớp nhân dân. Phó Thủ tướng lưu ý, trong quá trình lấy ý kiến nhân dân cần tập hợp đầy đủ, chính xác, nghiêm túc, trung thực, báo cáo phải rõ ràng. Ðối với tỉnh Bình Dương, Phó Thủ tướng lưu ý, đây là tỉnh có đông người lao động trong cả nước đến làm ăn, sinh sống. Vì vậy, tỉnh nên mở rộng việc lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đến các đối tượng này.

* Tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo Cách thức tổ chức, tập hợp, tổng hợp và giải trình ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Các đại biểu cho rằng, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, cần được thực hiện với các hình thức thích hợp, tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia góp ý. Các cơ quan thông tấn, báo chí cần nâng cao trách nhiệm trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đóng góp ý kiến và phản ánh trung thực, kịp thời ý kiến của nhân dân, không để các đối tượng xấu, thế lực thù địch lợi dụng, chống phá, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Ðảng, pháp luật của Nhà nước. Bảo đảm sự lãnh đạo của Ðảng, sự chỉ đạo chặt chẽ của các cấp chính quyền, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

* Tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị thảo luận, góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ðồng chí Nguyễn Bắc Son, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông chủ trì hội nghị.

Các đại biểu thống nhất cho rằng, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cơ bản đã hoàn thiện một bước các thể chế cơ bản về đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, bảo đảm xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và bảo vệ đất nước, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế.

* Tại Hà Nội, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với sự tham gia của đại diện các cục, vụ, văn phòng, đơn vị sự nghiệp, ban quản lý dự án, doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng, Công đoàn Xây dựng Việt Nam; các sở xây dựng khu vực phía bắc; các Hội, Hiệp hội chuyên ngành xây dựng và một số chuyên gia.

Các ý kiến góp ý cho rằng, qua 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội của Ðại hội XI của Ðảng, đã xác định mục tiêu định hướng phát triển toàn diện, bền vững đất nước trong giai đoạn cách mạng mới nhằm xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vì vậy cần thiết phải sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các ý kiến đóng góp khẳng định vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội; khẳng định tính đúng đắn của Ðiều 4 Hiến pháp như Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; khẳng định vai trò lãnh đạo của Ðảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam; khẳng định sở hữu toàn dân về đất đai, nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước theo đường lối, quan điểm của Ðảng được khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

* Tại TP Hồ Chí Minh, Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức hội thảo góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận nhiều nội dung quan trọng ghi trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp như: Vai trò lãnh đạo của Ðảng; thể chế chính trị; chế độ kinh tế; quyền con người; Quốc hội; các định chế mới của QH...

Các đại biểu nhất trí với bố cục của Dự thảo: Ðưa những quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân vào Chương II. Kiến nghị nên thiết kế các điều, khoản của chương Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo thứ tự: Quyền chính trị, quyền kinh tế, văn hóa, xã hội, tư pháp, nghĩa vụ của công dân. Về Lời nói đầu, các đại biểu đề nghị cần biên tập lại gọn hơn, súc tích, thể hiện rõ quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Phạm vi điều chỉnh của Dự thảo khá toàn diện. So với Hiến pháp 1992, Dự thảo có 99 điều sửa đổi, bổ sung; 11 điều xây dựng mới, do vậy kiến nghị đổi tên "Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992" thành "Hiến pháp 2013". Về Ðiều 4, các đại biểu khẳng định vai trò lãnh đạo của Ðảng đối với Nhà nước, xã hội; kiến nghị cần làm rõ hơn vai trò, vị trí, trách nhiệm của Ðảng trong lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

* Hội LHPN thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, với sự tham gia đông đảo của các đại biểu phụ nữ đến từ các quận, huyện trực thuộc.

Phần lớn các ý kiến đều đề nghị bổ sung thêm một điều sau Ðiều 9 về Hội LHPN Việt Nam, với lý do: vì ngoài chức năng tập hợp, đoàn kết giáo dục đoàn viên, hội viên đại diện chăm lo quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên tham gia xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền như các tổ chức chính trị xã hội khác, Hội LHPN Việt Nam còn có một chức năng quan trọng là tham mưu thực hiện các vấn đề về bình đẳng giới. Nếu đưa Hội LHPN Việt Nam vào Ðiều 9, với tư cách tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam, thì các thành viên của MTTQ Việt Nam có cả các tổ chức chỉ mang tính xã hội. Như vậy, việc "cào bằng" này sẽ làm mất vị thế của các tổ chức đoàn thể - chính trị. Các đại biểu đề nghị, đối với Hội LHPN Việt Nam nên quy định: "Hội LHPN Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội đại diện chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam, có quyền và trách nhiệm tham gia xây dựng, đề xuất phản biện, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, đoàn kết, vận động phụ nữ thực hiện quyền và trách nhiệm công dân".

* HÐND tỉnh Yên Bái, Ðác Nông vừa tổ chức góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các đại biểu cơ bản nhất trí cao với bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tập trung khẳng định tính đúng đắn của Ðiều 4 như Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; đồng thời làm rõ hơn, đầy đủ hơn bản chất, vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam. Khoản 3, Ðiều 8 nên bổ sung cụm từ "có trách nhiệm tham gia" để nâng cao trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân. Viết lại như sau: "Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật, có trách nhiệm tham gia phòng, chống các hành vi vi phạm Hiến pháp và pháp luật"... Góp ý về Chương IX (chính quyền địa phương) đa số các ý kiến cho rằng, Ðiều 116 (sửa đổi) việc quy định HÐND luôn phải căn cứ vào "văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên" (Khoản 1, Ðiều 116) sẽ gây khó khăn cho quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương; sẽ mâu thuẫn với quy định về thẩm quyền của HÐND trong việc quyết định các vấn đề quan trọng ở địa phương. Do vậy, Hiến pháp sửa đổi cần nghiên cứu, giao đầy đủ quyền lực cho HÐND thực hiện độc lập đối với các văn bản quy phạm pháp luật cùng cấp.

(http://www.nhandan.com.vn/)

Các bài viết khác