Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7: Ðẩy nhanh tái cơ cấu DNNN, phát triển sản xuất kinh doanh

01/08/2013

Ngày 30-7, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cho biết: Tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) lũy kế đến ngày 15-7 ước đạt 381,72 nghìn tỷ đồng, đạt 46,8% dự toán năm (cùng kỳ năm 2012 đạt 49%).

Bảy tháng qua: tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 72,74 tỷ USD, tăng 14,3% so cùng kỳ năm trước; tổng kim ngạch nhập khẩu ước 73,47 tỷ USD, tăng 15% so cùng kỳ năm trước; nhập siêu khoảng 733 triệu USD, bằng 1% tổng kim ngạch xuất khẩu; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện ước đạt 6,65 tỷ USD, tăng 6,4% so cùng kỳ năm 2012; vốn FDI đăng ký ước đạt 11,91 tỷ USD, tăng 19,6%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,2% so cùng kỳ năm 2012 (cùng kỳ năm 2012 tăng 6,4%). Chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục xu hướng giảm dần kể từ đầu năm. Tại thời điểm ngày 1-7 ước tăng 8,8% so cùng thời điểm năm trước, giảm mạnh so mức tăng 21,5% tại thời điểm ngày 1-1. Số doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới bảy tháng tăng 8,4% so cùng kỳ. Số DN ngừng hoạt động, tuy vẫn tăng so cùng kỳ nhưng tốc độ tăng có xu hướng giảm dần, bảy tháng tăng 11,1%. Số DN tạm ngừng hoạt động đã quay trở lại hoạt động cũng tăng dần, đạt khoảng 10 nghìn DN.

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã thảo luận nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, tập trung vào: tạo điều kiện cho các DN được tiếp cận vốn; thúc đẩy đầu tư công; tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng (GPMB) để đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, đặc biệt là các công trình giao thông... Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá quá trình tái cơ cấu DNNN, sắp xếp, CPH còn chậm. Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các DN còn vướng mắc. Ðối với vấn đề sản xuất nông nghiệp, các địa phương đang chuyển dịch cơ cấu sản xuất nhưng vẫn mang tính rời rạc. Ðiều đó đặt ra các bộ, ngành và địa phương phải quy hoạch tổng thể trên cả nước, gắn sản xuất nông nghiệp với thị trường. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị, Bộ Công thương cần tăng cường kiểm soát các mặt hàng nhập khẩu, nhất là tình trạng bán phá giá. Do đó, tổ điều hành thị trường cần phải nhanh, nhạy bén, phải có giải pháp ngay mỗi khi tình hình thay đổi, bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước. Bộ Công thương cũng cần tập trung xử lý vấn đề hàng giả, buôn lậu, nhất là phân bón giả. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương tích cực hơn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Nhận định chung, kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, đúng hướng, toàn diện, tạo điều kiện phấn đấu đạt mục tiêu đề ra của năm nay. Tuy nhiên, việc chuyển biến còn chậm, kinh tế vĩ mô chưa vững chắc, có mặt còn khó khăn. Khả năng đạt mức tăng trưởng GDP 5,5% năm 2013 là không dễ dàng, đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải hết sức nỗ lực.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng khẳng định, tiếp tục kiên định mục tiêu, giải pháp đề ra từ đầu năm, không được chủ quan, không để mất ổn định. Phải bảo đảm tăng trưởng gắn chất lượng, an sinh xã hội, tái cơ cấu nền kinh tế. Trong đó, các bộ, ngành hết sức coi trọng việc thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách trên cơ sở bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết của Ðảng, Quốc hội và nhất là các Nghị quyết 01 và 02/NQ-CP của Chính phủ. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, điện, than, Chính phủ kiên quyết điều hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước (hỗ trợ giá điện hợp lý cho các hộ nghèo), minh bạch, không bao cấp. Việc điều chỉnh giá các mặt hàng này phải cân nhắc, tính toán, không tăng dồn cùng một lúc, tránh gây "sốc" cho nền kinh tế, người dân.

Thủ tướng lưu ý kiểm soát lạm phát tương tự như mức năm 2012. Trong đó, sắp dịp khai giảng, chuẩn bị nhập học, nhu cầu đồ dùng giáo dục tăng mạnh, do đó các bộ, ngành liên quan phải chỉ đạo để bảo đảm cung cầu, giá không tăng đột biến.  Thủ tướng yêu cầu tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa, lãi suất, tỷ giá chặt chẽ, linh hoạt và phù hợp tình hình. Ngành tài chính trong tình hình khó khăn hiện nay nỗ lực không để hụt thu NSNN, giữ nguyên tỷ lệ bội chi ngân sách năm 2013 mà Quốc hội đã thông qua, đi liền đó là tăng cường tiết kiệm chi tiêu, kiên quyết cắt giảm các khoản chi không thật sự cần thiết.

Thủ tướng chỉ đạo tăng tổng cầu để kích thích sản xuất, kinh doanh; tăng tín dụng cho nền kinh tế bảo đảm mức tăng trưởng tín dụng năm 2013 đạt 12% trên cơ sở không tăng nợ xấu; ưu tiên vốn vào lĩnh vực sản xuất, các lĩnh vực ưu tiên có khả năng cạnh tranh, có thị trường; tập trung giải ngân cho các dự án sử dụng vốn NSNN, vốn Trái phiếu Chính phủ. Công trình nào quan trọng có thể hoàn thành ngay trong năm 2013 thì ưu tiên ứng vốn năm 2014 để sớm đi vào vận hành, phát huy hiệu quả. Khuyến khích đầu tư tư nhân, hợp tác công tư (PPP), tăng cường thu hút đầu tư FDI... vào các dự án hạ tầng. Ưu tiên bố trí vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA. Làm tốt công tác GPMB, nhất là các dự án giao thông, đường cao tốc. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phối hợp ngành ngân hàng triển khai gói hỗ trợ nhà ở xã hội 30 nghìn tỷ đồng; tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế.

Lãnh đạo các bộ, ngành tăng cường chỉ đạo tái cơ cấu, nhất là tái cơ cấu các DNNN, trong đó đẩy mạnh việc CPH, thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Kiên quyết thực hiện tái cơ cấu các ngân hàng thương mại, không để tình trạng ngân hàng yếu kém gây khó khăn nền kinh tế. Tăng cường quản lý chặt đầu tư công theo hướng tiết kiệm. Ðẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, đổi mới quan hệ sản xuất phù hợp, chú trọng hình thức hợp tác liên kết giữa DN với nông dân, gắn sản xuất với tiêu thụ, bảo đảm hiệu quả; nghiên cứu chuyển đổi một phần diện tích đất trồng lúa sang trồng một số loại nông sản khác cho năng suất, hiệu quả cao, thay thế sản phẩm nhập khẩu; tiếp tục nghiên cứu hỗ trợ nông dân về giá bán và tiêu thụ nông sản, trong đó xem xét việc kéo dài thời hạn thu mua tạm trữ lúa gạo.

Ðối với các vấn đề bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng lưu ý các cấp, các ngành cần làm tốt chính sách với đồng bào dân tộc thiểu số; Bộ Y tế nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân, rà soát việc tiêm chủng vắc-xin, khẩn trương điều tra, công bố nguyên nhân trẻ sơ sinh bị tử vong sau tiêm chủng.

* Chiều 30 và ngày 31-7, phiên họp Chính phủ tiếp tục diễn ra với việc các thành viên Chính phủ nghe và thảo luận một số dự án luật như: Ðề án "Ðổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH, HÐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN";

Ðề án phát hành Trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế; tờ trình Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; tờ trình Bộ luật Dân sự (sửa đổi)...

* Chiều 30-7, Văn phòng Chính phủ tổ chức Họp báo thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Ðức Ðam. Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành. Sau khi thông báo vắn tắt những nội dung chính của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Ðức Ðam và đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành trả lời câu hỏi của các nhà báo liên quan vấn đề: đầu tư công; thu mua tạm trữ lúa gạo; việc thẩm định các văn bản luật; tái cơ cấu kinh tế; điều chỉnh giá điện; thu NSNN...

Về vấn đề mua tạm trữ lúa gạo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Ðức Ðam cho rằng, đã đến lúc cần nhìn nhận sâu sắc toàn diện ngành nông nghiệp để có những đổi mới cần thiết. Bây giờ không phải thời điểm thế giới thiếu gạo trầm trọng. Nông dân làm ra gạo theo mùa vụ, phải có DN đứng ra mua, chế biến gạo để xuất khẩu. Chính phủ có chính sách hỗ trợ DN đầu mối để mua tạm trữ lúa gạo khi chưa xuất khẩu. Việc mua tạm trữ này không có nghĩa DN hay Nhà nước có chính sách bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân. Hằng năm căn cứ theo sản lượng, thị trường, Chính phủ điều hành trong một khoảng thời gian nhất định, khi vào vụ mùa thu hoạch, có tài chính và cơ chế để DN mua tạm trữ cho người dân. Các bộ, ngành vừa trình Chính phủ xem xét có thể kéo dài thời hạn mua tạm trữ. Chúng ta cần tìm ra cơ chế điều hành sao cho bảo  đảm quyền lợi của dân và giữ được thị trường xuất khẩu gạo ổn định.

Về vấn đề dự án thủy điện Ðồng Nai 6 và 6A, Bộ trưởng Vũ Ðức Ðam cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xem xét, đánh giá, sẽ có báo cáo và dựa trên các báo cáo khoa học có tính thuyết phục, công khai, nếu bảo đảm làm được thì sẽ cho phép triển khai dự án, không làm được thì sẽ ngưng lại. Bộ trưởng khẳng định, việc này không có khúc mắc gì, theo đúng nguyên tắc Chính phủ đã chỉ đạo...

(http://www.nhandan.com.vn/)

Các bài viết khác