Tới dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Đức Thụ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội; đồng chí Phạm Thúy Chinh, Chủ tịch Công đoàn Văn phòng Quốc hội và đại diện các công đoàn cơ sở cùng tập thể nữ cán bộ công chức, viên chức Văn phòng Quốc hội.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội Nguyễn Đức Thụ phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Thụ thay mặt Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội, Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới tập thể nữ cán bộ công chức, viên chức nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10. Đồng thời, nhấn mạnh ý nghĩa của hội nghị chuyên đề nhằm cung cấp thêm kiến thức cho tập thể nữ cán bộ công chức, viên chức về chủ đề phòng chống bệnh về văn phòng, từ đó nâng cao sức khỏe góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Tại hội nghị, PGS.TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, trình bày về chủ đề “Chăm sóc sức khỏe người lao động”. Trong đó, tập trung vào những nội dung chủ yếu như: hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc chăm sóc sức khỏe người lao động, vai trò của việc chăm sóc sức khỏe người lao động, khuyến cáo việc khám bệnh định kỳ hàng năm,…. Chia sẻ về bệnh văn phòng, PGS-TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, cho rằng nhân viên công sở, văn phòng cũng là người lao động. Có thể công việc không bụi bặm, nguy hiểm, nặng nhọc; không đòi hỏi cường độ lao động nặng về thể lực nhưng cũng có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe, đến chất lượng sống cần được quan tâm. Trong đó, tiêu biểu nhất là các yếu tố: môi trường làm việc kín, kém thông thoáng; ngồi nhiều, ít vận động. Các yếu tố này tác động đến sức khỏe hằng ngày. Vì vậy, việc chăm sóc, khám sức khỏe định kỳ là rất cần thiết.
PGS.TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường trình bày về chủ đề “Chăm sóc sức khỏe người lao động”
Cũng tại hội nghị, thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Thu Hà, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường trình bày về các bệnh lý thường gặp ở nhân viên văn phòng và biện pháp dự phòng. Đặc điểm của nhân viên văn phòng là ngồi nhiều, ít vận động thể chất, làm việc lâu với máy tính, thiết bị điện tử, công việc nhiều với áp lực lớn, chế độ ăn nhanh, làm việc trong phòng kín,… Với đặc thù môi trường làm việc như vậy sẽ gây ra các bệnh lý thường gặp cho nhân viên văn phòng như: rối loạn cơ xương khớp (thoái hóa cột sống, hội chứng cổ tay), căng thẳng thị giác, bệnh trĩ, táo bón, hội chứng béo phì, căng thẳng, hội chứng phòng kín. Từ việc phân tích nguyên nhân của từng bệnh lý, thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Thu Hà đưa ra những biện pháp khắc phục cụ thể đối với từng bệnh lý. Đồng thời, khuyến cáo cần cải thiện điều kiện lao động bằng việc quan tâm đến những khả năng và hạn chế của người lao động để đảm bảo các công việc, phương tiện kỹ thuật, môi trường lao động phù hợp với khả năng của con người về giải phẫu, sinh lý, tâm lý nhằm bảo đảm cho lao động có hiệu quả nhất, đồng thời bảo vệ sức khỏe, an toàn và tiện nghi cho người lao động.
Bác sỹ Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường đo độ loãng xương cho nữ cán bộ công chức, viên chức Văn phòng Quốc hội
Sau khi được các bác sỹ của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bệnh viện Trung ương 108 cung cấp thông tin về phòng chống bệnh văn phòng, tập thể nữ cán bộ công chức, viên chức Văn phòng Quốc hội tham gia kiểm tra tư vấn sức khỏe và đo độ loãng xương, đo thính lực. Đây là hai trong số nhiều chứng bệnh thường gặp của những người làm việc văn phòng.
Chủ tịch Công đoàn Văn phòng Quốc hội Phạm Thúy Chinh phát biểu kết thúc Hội nghị
Phát biểu kết thúc hội nghị, Chủ tịch Công đoàn Văn phòng Quốc hội Phạm Thúy Chinh đánh giá cao những thông tin hữu ích về phòng chống bệnh văn phòng do các bác sỹ của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường đã cung cấp. Đây sẽ là kiến thức cần thiết để tập thể nữ cán bộ công chức, viên chức chăm sóc tốt hơn sức khỏe bản thân, từ đó phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ “giỏi việc nước đảm việc nhà”./.