CÔNG TÁC TỔ CHỨC XÂY DỰNG ĐẢNG LÀ NHIỆM VỤ QUAN TRỌNG

21/04/2022

Chiều 21/4, tiếp tục chương trình tập huấn nghiệp vụ công tác đảng cho cấp ủy nhiệm kỳ 2020 -2025, Hội nghị nghe và thảo luận chuyên đề “Một số vấn đề cơ bản về tổ chức cơ sở đảng và đảng viên” do nguyên Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Lê Văn Thái trình bày.


Toàn cảnh Hội nghị tập huấn công tác Đảng năm 2022 chiều ngày 21/4

Tại Hội nghị, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Lê Văn Thái nhấn mạnh, công tác tổ chức xây dựng Đảng là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Do đó, cần nắm vững các nội dung của công tác tổ chức ở đảng bộ, chi bộ, bao gồm: Tổ chức đảng; Công tác cán bộ, cấp ủy; Công tác đảng viên; Công tác bảo vệ chính trị nội bộ; Công tác thi đua, khen thưởng.

Về tổ chức Đảng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Lê Văn Thái cho biết, hệ thống tổ chức của Đảng được lập tương ứng với hệ thống tổ chức hành chính của Nhà nước, đây là hệ thống tổ chức cơ bản của Đảng, có chức năng lãnh đạo toàn diện ở mỗi cấp và của toàn Đảng. Đồng thời hệ thống tổ chức cũng được lập ở nơi có đặc điểm riêng do Trung ương quy định (theo khối công tác, trong công an, quân đội).

Nhấn mạnh tổ chức cơ sở đảng (đảng bộ cơ sở, chi bộ cơ sở) là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Lê Văn Thái nêu rõ, tổ chức cơ sở đảng cần tập trung lãnh đạo 3 nội dung: (1) Công tác xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; (2) Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị; (3) Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.

Liên quan đến thực hiện nhiệm vụ chính trị, cần chú ý, tổ chức cơ sở đảng ở cơ quan có nhiệm vụ là hạt nhân chính trị, lãnh đạo cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động thực hiện đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở cơ quan; tham gia lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ công tác của cơ quan; lãnh đạo thực hiện dân chủ ở cơ quan, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cán bộ, người lao động; lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng – an ninh, đoàn kết nội bộ, bảo vệ tài sản cơ quan, Nhà nước, chống “diễn biến hòa bình” của thế lực thù địch.

Nguyên Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Lê Văn Thái trình bày chuyên đề “Một số vấn đề cơ bản về tổ chức cơ sở đảng và đảng viên”

Về công tác đảng viên, cần lưu ý: (1)Người vào Đảng phải đáp ứng tiêu chuẩn chính trị và không vi phạm một trong các trường hợp không xem xét kết nạp nêu trong Quy định của Bộ Chính trị về một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng. Nếu có vấn đề cần xem xét về chính trị thì phải được cấp trên có thẩm quyền chỉ đạo thẩm tra, xác minh và kết luận bảo đảm tiêu chuẩn chính trị; (2)Một số trường hợp đặc biệt khi xem xét kết nạp Đảng, việc kết nạp lại người vào Đảng; (3)Vấn đề thời gian trong các khâu công tác phát triển đảng viên; (4)Về thời hạn các văn bản trong hồ sơ;…

Liên quan đến công tác quản lý, giáo dục đảng viên, cần chú trọng quản lý đảng viên qua các hoạt động: Phân công công tác cho đảng viên; Vấn đề miễn công tác và chuyển sinh hoạt đảng cho đảng viên; Thông qua sinh hoạt chi bộ, đảng bộ cơ sở, thông qua công tác đào tạo, bồi dưỡng (học tập nghị quyết, lý luận chính trị) cho đảng viên; Thông qua quản lý hồ sơ đảng viên, việc đảng viên ra nước ngoài về việc riêng và công tác bảo vệ chính trị nội bộ; Thông qua việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại đảng viên cuối năm.

Trong khuôn khổ hội nghị, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Lê Văn Thái cũng phân tích sâu về nội dung sinh hoạt chi bộ, quản lý hồ sơ, sổ sách ở chi bộ, đảng ủy; chuyển sinh hoạt đảng viên chính thức và tạm thời; thực hiện trách nhiệm đảng viên đang công tác giữa mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú…

Nguyên Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Lê Văn Thái còn lưu ý một số nội dung trọng tâm liên quan đến hồ sơ đảng viên như: quản lý hồ sơ đảng viên; sử dụng, bổ sung, hoàn thiện và khôi phục hồ sơ đảng viên;.... Trong đó, nhấn mạnh một số nội dung cần chú ý khi hoàn thiện lý lịch người xin vào Đảng và lý lịch đảng viên: Khai lý lịch do người vào Đảng tự khai trung thực, đầy đủ, rõ ràng, không tẩy xóa sửa chữa, không viết cách dòng. Chi ủy hướng dẫn khai theo các mẫu của TW; Khi thẩm tra, xác minh, nếu người vào Đảng có người thân là đảng viên đã khai đầu đủ trung thực trong lý lịch theo quy định thì không phải thẩm tra xác minh lịch sử chính trị, nhưng phải thẩm tra xác minh về chính trị hiện nay và việc chấp hành chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã thảo luận, trao đổi làm rõ nhiều nội dung liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng đối với chủ thể là chi bộ; Hoàn thiện lý lịch của người xin vào đảng, lý lịch đảng viên và bổ sung Hồ sơ đảng viên hằng năm,… Bên cạnh đó, nhiều tình huống thực tế cũng được nêu ra và phân tích cụ thể giúp cho nội dung tập huấn trở nên gần gũi, dễ tiếp cận.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội Nguyễn Đức Thụ phát biểu kết luận Hội nghị.

Kết luận Hội nghị tập huấn, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội Nguyễn Đức Thụ cho biết, sau 1 ngày làm việc tập trung, khẩn trương với tinh thần trách nhiệm cao, Hội nghị tập huấn đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy  cũng cho biết thêm, tiếp nối thành công của Hội nghị, dự kiến sắp tới Ban Thường vụ Đảng ủy cơ quan sẽ tổ chức Hội nghị tập huấn về công tác bảo vệ chính trị nội bộ.

Ghi nhận và đánh giá cao những thông tin, kiến thức thiết thực do các báo cáo viên chia sẻ về công tác đảng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội đề nghị các cấp ủy tiếp tục nỗ lực học tập, nâng cao nhận thức; tổ chức, triển khai các nhiệm vụ trong công tác kiểm tra, giám sát và xây dựng đảng đạt hiệu quả, chất lượng cao./.

Lan Anh - Minh Thành