Họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XIV Ảnh: Đình Nam
Báo cáo tóm tắt về kết quả kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khoá XIV, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng cho biết, sau 8 ngày làm việc với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV đã kết thúc tốt đẹp, hoàn thành chương trình đề ra với nội dung trọng tâm là xem xét, quyết định về tổ chức, nhân sự cấp cao của nhà nước và quyết định một số vấn đề quan trọng khác.
Đối với công tác nhân sự, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng cho biết, đây là kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ nên việc xem xét, quyết định về công tác nhân sự là nội dung trọng tâm của kỳ họp. Công tác nhân sự tại kỳ họp này được thực hiện đúng quy định của pháp luật, triển khai chặt chẽ, phát huy tinh thần trách nhiệm, dân chủ của đại biểu Quốc hội, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng. Kết quả bầu và phê chuẩn các chức danh cụ thể đạt tỷ lệ tán thành cao, thể hiện sự đồng thuận, được dư luận xã hội và cử tri quan tâm, ủng hộ. Quốc hội đã bầu Chủ tịch Quốc hội, 04 Phó Chủ tịch Quốc hội, 13 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm 09 Ủy ban của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước; quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ gồm 18 bộ và 04 cơ quan ngang bộ; phê chuẩn việc bổ nhiệm 05 Phó Thủ tướng Chính phủ, 17 Bộ trưởng, 04 Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; phê chuẩn danh sách 01 Phó Chủ tịch và 04 Ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh.
Sau khi được Quốc hội bầu, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã thực hiện thủ tục tuyên thệ, thể hiện mạnh mẽ sự quyết tâm hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước, trên cơ sở xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước, các đại biểu Quốc hội đã tập trung đánh giá mặt được, chưa được, nguyên nhân những mặt đạt được cũng như những yếu kém, hạn chế trong việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm. Từ đó, đề xuất các nhiệm vụ và giải pháp có tính đột phá bảo đảm thực hiện thắng lợi kế hoạch 6 tháng cuối năm và cả năm 2016.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh bổ sung năm 2016 và chương trình của năm 2017. Theo đó, trong năm 2016, dự án Luật Quy hoạch, Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp (cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp thứ 2 theo quy trình tại một kỳ họp), Pháp lệnh phí và lệ phí sẽ được bổ sung vào chương trình. Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ có trách nhiệm khẩn trương chuẩn bị các dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh, Luật Biểu tình trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trình Quốc hội khi đủ điều kiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.Đối với Bộ luật hình sự, tuy vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10 và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, nhưng do lỗi kỹ thuật nên còn có một số quy định chưa rõ ràng, gây khó khăn cho việc áp dụng trong thực tế. Do đó, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 về việc lùi hiệu lực thi hành Bộ luật hình sự và một số luật có liên quan, đồng thời cho phép áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội. Trên cơ sở cân nhắc thận trọng, bám sát thực tiễn, phân tích kỹ những vấn đề bức xúc, nổi cộm của đời sống xã hội đang được cử tri đặc biệt quan tâm, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2017, đồng thời quyết định thành lập Đoàn giám sát để tiến hành giám sát chuyên đề đã được Quốc hội lựa chọn. Theo đó, cùng với những nội dung giám sát tối cao theo thông lệ, trong năm 2017, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao 2 chuyên đề: (1) “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016” tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2017) và (2) “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016” tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2017).
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại buổi Họp báo
Trả lời câu hỏi với việc không thực hiện giám sát tối cao của Quốc hội, ở cấp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sự cố môi trường gây hải sản chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, việc lựa chọn nội dung giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2017 được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, đúng với quy định pháp luật. Các nội dung giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội năm 2017 đã được gửi lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội trước khi đưa ra xem xét thông qua và lựa chọn nội dung thực hiện giám sát theo tỷ lệ phiếu tán thành từ cao đến thấp. Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, việc giám sát về sự cố môi trường này sẽ được Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường triển khai ngay sau Kỳ họp thứ nhất. Quốc hội cũng sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát việc khắc phục hậu quả của sự cố này.
Đối với việc triển khai chương trình tập huấn, nâng cao trình độ, kỹ năng của các đại biểu Quốc hội mới tham gia lần đầu để đáp ứng thông điệp của Chủ tịch Quốc hội vì một Quốc hội hành động, một Quốc hội theo hướng chú trọng chất lượng từ tham luận đến tranh luận. Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trong nhiệm kỳ này số lượng đại biểu Quốc hội lần đầu tham gia hoạt động chiếm tỷ lệ 63,96%. Để giúp cho các đại biểu Quốc hội bắt nhịp nhanh với hoạt động tại nghị trường, trong thời gian qua, Ban Công tác đại biểu và Văn phòng Quốc hội đã chủ động tổ chức nhiều khóa tập huấn dành cho các đại biểu Quốc hội để giúp các đại biểu Quốc hội có thể bắt nhịp nhanh với các hoạt động của Quốc hội.
Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ này, Văn phòng Quốc hội cũng sẽ tập trung vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, thạo việc. Yếu tố con người là yếu tố đầu tiên để xây dựng một bộ máy mạnh. Đây cũng là việc thực hiện chủ trương cải cách hành chính, nâng cao năng lực của bộ máy của Đảng và Nhà nước ta. Với vị trí là cơ quan giúp việc của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội sẽ tiếp tục vào việc nghiên cứu, đổi mới công tác tham mưu về quy trình, thủ tục làm việc của Quốc hội; hệ thống hóa và thể chế hóa các thủ tục hoạt động của Quốc hội để bảo đảm sự vận hành của Quốc hội được thực hiện có hiệu quả. Bên cạnh đó, Văn phòng Quốc hội sẽ tích cự ứng dụng công nghệ thông tin, quyết tâm xây dựng Quốc hội điện tử để bảo đảm hoạt động của Quốc hội được hỗ trợ một cách tối ưu về công nghệ thông tin, rút ngắn thời gian tổ chức công việc, tiết kiệm chi phí và tăng cường sự tương tác giữa người dân với Quốc hội thông qua hệ thống công nghệ thông tin.