CÁC CHI BỘ, ĐẢNG BỘ CƠ SỞ: NÊU CAO TINH THẦN TRÁCH NHIỆM VỚI BÁO CÁO CHÍNH TRỊ VÀ CÔNG TÁC NHÂN SỰ

08/04/2020

Để chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Chi bộ, Đảng bộ cơ sở của Văn phòng Quốc hội luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc chuẩn bị báo cáo chính trị và đề xuất, bình chọn nhân sự đạt tiêu chuẩn…

 

Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ Nguyễn Đức Thụ phát biểu tại Hội nghị tập huấn tổ chức Đại hội Đảng các cấp

Nhằm góp phần vào thành công của Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cho đến nay, Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội đã ban hành các văn bản, kế hoạch hướng dẫn, tiến hành tập huấn, triển khai thực hiện công tác chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ, Chi bộ cơ sở trên tinh thần trách nhiệm, hiệu quả cao nhất. Đồng thời tổ chức thành công Đại hội điểm Chi bộ Các vấn đề xã hội.

Song hành với đó, Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội cũng đã chủ động chuẩn bị Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ Cơ quan và chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc chuẩn bị Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ cơ sở, Chi bộ trực thuộc cũng như tổ chức tốt việc đề xuất, bình chọn nhân sự.

Thực hiện theo chỉ đạo trên, các Chi bộ, Đảng bộ cơ sở của Văn phòng Quốc hội luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc chuẩn bị báo cáo chính trị và đề xuất, bình chọn nhân sự đạt tiêu chuẩn…

Bí thư Đảng bộ cơ sở Nhà khách Quốc hội Nguyễn Văn Mười: Lựa chọn nhân sự phải là người biết đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân...

Đảng bộ cơ sở Nhà khách Quốc hội tại Hà Nội được Ban Thường vụ Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội lựa chọn là một trong hai đơn vị cơ sở thuộc Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội tổ chức đại hội điểm Đảng bộ.  

Mặc dù Đại hội điểm tiến tới Đại hội Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội diễn ra trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhưng vượt qua tất cả khó khăn, thử thách, Đảng bộ cơ sở Nhà khách Quốc hội tại Hà Nội luôn quán triệt sâu sắc tới tất cả đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nêu cao tinh thần trách nhiệm để hướng tới tổ chức thành công Đại hội.

Bí thư Nhà khách Quốc hội tại Hà Nội Nguyễn Văn Mười

Ngoài đảm bảo an toàn cho việc tổ chức Đại hội điểm, Đảng bộ cơ sở Nhà khách Quốc hội tại Hà Nội còn tập trung chú trọng thảo luận văn kiện nhằm đóng góp ý kiến cho Báo cáo của Đảng uỷ Cơ quan; đề xuất, bình chọn nhân sự có đủ tiêu chuẩn của Đảng.

Ông Nguyễn Văn Mười - Bí thư Đảng ủy Nhà khách Quốc hội tại Hà Nội cho biết: Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội là Đảng bộ cấp trên cơ sở, có 6 Đảng bộ cơ sở và 26 chi bộ trực thuộc, với 1010 đảng viên, trong đó có 102 đảng viên là lãnh đạo giữ các cương vị, trọng trách cao trong bộ máy lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội. Vì vậy, khi được Ban Thường vụ Đảng ủy Cơ quan Văn phòng Quốc hội chọn Đảng bộ cơ sở Nhà khách Quốc hội tại Hà Nội là Đảng bộ tổ chức Đại hội điểm thì đây là niềm tự hào và cũng là trách nhiệm lớn.

Với trọng trách như vậy, ngay sau khi có kế hoạch số 80 - KH/ĐU ngày 07/2/2020 của Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội về việc tổ chức Đại hội chi bộ điểm và đại hội Đảng bộ cơ sở, Đảng ủy Nhà khách Quốc hội tại Hà Nội đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 05 - KH/ĐU ngày 06/02/2020 về việc tổ chức Đại hội Đảng các cấp trong Đảng bộ Nhà khách Quốc hội tại Hà Nội tiến tới Đại hội Đại biểu Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội nhiệm kỳ 2020-2025. Trên cơ sở đó, các Chi bộ xây dựng kế hoạch và triển khai Đại hội.

Ngày 25/2/2020, Đảng ủy Nhà khách Quốc hội tại Hà Nội ban hành văn bản số 09-PC/ĐU phân công nhiệm vụ chuẩn bị các công việc phục vụ Đại hội Đảng bộ Nhà khách Quốc hội tại Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025. Để đảm bảo nội dung công việc vừa chỉ đạo, vừa tổ chức Đại hội các Chi bộ, vừa tiến hành công tác Đại hội Đảng bộ Nhà khách, hàng tuần Đảng ủy Nhà khách Quốc hội tại Hà Nội họp với Ban chi ủy các Chi bộ rà soát các công việc hàng tuần, để xử lý, giải quyết kịp thời đảm bảo tiến độ công tác chuẩn bị trước Đại hội.

Thảo luận văn kiện để đóng góp ý kiến cho Báo cáo của Đảng uỷ Cơ quan Văn phòng Quốc hội là trong những nội dung quan trọng, không kém việc bầu cử trong Đại hội. Vì vậy, Dự thảo các văn kiện được gửi sớm nhất tới các Chi bộ, tới toàn thể Đảng viên để tiến hành nghiên cứu, góp ý trong thời gian trước Đại hội (mục đích là có nhiều thời gian để nghiên cứu) trên cơ sở góp ý của đảng viên cấp ủy phân công người tổng hợp ý kiến góp ý. Tại các Đại hội Chi bộ, Đảng bộ cấp ủy báo cáo tình hình nghiên cứu, góp ý vào dự thảo các văn kiện của Đảng viên và gợi ý để các Đảng viên tham dự Đại hội tiếp tục thảo luận góp ý tại Đại hội.

Đối với công tác lựa chọn nhân sự, ông Nguyễn Văn Mười khẳng định: Việc đảm bảo người có đức có tài là vấn đề quan trọng, cơ bản, sống còn, xuyên suốt về công tác nhân sự kể từ khi thành lập Đảng đến nay.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến phẩm chất và năng lực của người cán bộ cách mạng. Người cho rằng, đối với người cán bộ cách mạng, hai mặt đức và tài, phẩm chất và năng lực không thể thiếu mặt nào, cũng không thể coi nhẹ mặt nào; người cán bộ cách mạng trước hết phải có đạo đức cách mạng; bởi vì “Đạo đức là gốc của người cách mạng”, “cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù có tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. “Đức phải có trước tài”, đức là gốc. Nếu có tài mà không có đức là vô dụng, vì “có tài mà không có đức, tham ô hủ hóa có hại cho nước” và “có đức không có tài như ông Bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai”.

Về kinh nhiệm của Đảng bộ Nhà khách khi làm nhân sự là lựa chọn những đồng chí có đầy đủ phẩm chất, năng lực theo tiêu chuẩn quy định của Đảng. Đảng bộ Nhà khách rất chú trọng những đồng chí có năng lực hoạt động thực tiễn, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm nhưng luôn biết tôn trọng và đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân, có phẩm chất đạo đức tốt thể hiện qua uy tín; có khả năng quy tụ, tập hợp quần chúng. Những cán bộ như thế là đã có đức và tài, xứng đáng để lựa chọn vào cấp ủy.

Bí thư Chi bộ Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi: Tham gia đóng góp ý kiến, thảo luận cho các văn kiện một cách bài bản...

Là Chi bộ được chọn là đại hội điểm của Đảng bộ Cơ quan Văn phòng Quốc hội, cho đến nay, Chi bộ Các vấn đề xã hội đã tổ chức thành công đại hội với tinh thần thực hiện khẩn trương, trách nhiệm, hiệu quả cao nhất.

Bí thư Chi bộ Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi

Ông Bùi Sỹ Lợi - Bí thư Chi bộ Các vấn đề xã hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Theo sự chỉ đạo của Thường vụ Đảng ủy Văn phòng Quốc hội, Chi bộ Các vấn đề xã hội được lựa chọn làm điểm đại hội để chuẩn bị cho đại hội Đảng bộ Cơ quan Văn phòng Quốc hội. Để thực hiện điều này, Chi bộ Các vấn đề xã hội luôn định hướng cho các đảng viên tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng các văn kiện của cơ quan Trung ương, văn bản hướng dẫn của Đảng ủy Cơ quan Văn phòng Quốc hội.

Thảo luận văn kiện chính trị để đóng góp ý kiến cho Báo cáo của Đảng uỷ Cơ quan Văn phòng Quốc hội là trong những nội dung quan trọng, Chi bộ Các vấn đề xã hội đã sẵn sàng với tinh thần trách nhiệm cao nhất tham gia vào các Báo cáo Chính trị của Đảng ủy Cơ quan Văn phòng Quốc hội, Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho biết: Hiện nay, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng được tham gia vào các hoạt động, nội dung liên quan đến chính sách xã hội để phục vụ cho Đại hội. Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Tổ trưởng Tổ Đảng cũng tham gia vào Tổ Văn kiện kinh tế. Còn đồng Chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban tham gia vào Tổ biên tập Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Bí thư Chi bộ Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi hy vọng rằng, với việc tham gia đóng góp ý kiến, thảo luận cho các văn kiện một cách bài bản, Chi bộ sẽ phản ánh đúng chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội là tham mưu cho Quốc hội trong công tác xây dựng các luật liên quan đến vấn đề an sinh xã hội, lao động, việc làm... Việc làm này cũng góp phần làm cho Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân và chất lượng báo cáo của Trung ương.

Rút kinh nghiệm trong công tác lựa chọn nhân sự, đảm bảo người có đức có tài là một trong những điểm mới được đưa vào nội dung của Đại hội Đảng toàn quốc tới đây, Bí thư Chi bộ Các vấn đề xã hội, Bùi Sỹ Lợi nêu rõ: Là Chi bộ cơ sở, công tác Đảng, công tác cán bộ không chỉ là lựa chọn của Chi ủy mà việc xem xét, quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ nguồn cho Thường trực Ủy ban, chuẩn bị nhân sự cấp ủy cho Chị bộ đã được Chi bộ Các vấn đề xã hội có kinh nghiệm từ các nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, XIII, XIV. Chi bộ cũng đã phối hợp với Thường trực Ủy ban, lãnh đạo Vụ và Tổ trưởng Tổ Đảng giải quyết vấn đề về tư tưởng chính trị để mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc đề bạt, lựa chọn nhân sự.

Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội có vai trò quan trọng trong việc tham mưu cho Quốc hội, Đảng và Nhà nước về hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến các vấn đề an sinh xã hội. Điều này rất quan trọng nên các đảng viên phải thấm nhuần các quan điểm, tư tưởng của Đảng.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII có Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Công tác dân số trong tình hình mới; Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Đó là những lĩnh vực mà Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phải tham mưu cho Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện hệ thống pháp luật. Trên cơ sở đó, Chi bộ Các vấn đề xã hội nhìn nhận, lựa chọn, đánh giá những đồng chí tham gia tham mưu phải có năng lực, chuyên môn nhưng cũng phải có điều kiện, hiểu biết về công tác Đảng.

Tổ chức bộ máy của Chi ủy Các vấn đề xã hội thường thay đổi rất ít. Nếu có thay đổi thì thay đổi 01 đồng chí, ít khi thay đổi toàn diện về nhân sự. Chi ủy thường lựa chọn đồng chí Bí thư Chi ủy phải gương mẫu, có trách nhiệm, năng lực lãnh đạo công tác Đảng để xây dựng Chi bộ trong sạch, vững mạnh.

Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu Tạ Thị Yên: “Cán bộ là cái gốc của nhân dân” cho nên việc lựa chọn được cán bộ “vừa hồng”, “vừa chuyên”...

Công tác chuẩn bị cho Đại hội Chi bộ cơ sở cũng đang được Vụ Công tác đại biểu tiến hành trên tinh thần khẩn trương và trách nhiệm cao nhất.

Bà Tạ Thị Yên - Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu, cho biết: Vụ Công tác đại biểu đã thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự theo hướng dẫn 907 của Ban Chấp hành Đảng bộ Cơ quan Văn phòng Quốc hội về chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Chi bộ. Theo hướng dẫn này, Chi bộ Vụ Công tác đại biểu đã xây dựng Đề án Nhân sự và Báo cáo chính trị Đại hội của Chi bộ trình Ban Thường vụ Đảng ủy Cơ quan Văn phòng Quốc hội cho ý kiến để hoàn thiện trước khi trình Đại hội Chi bộ.

Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu Tạ Thị Yên

Bà Tạ Thị Yên cho rằng: Việc tổ chức thành công Đại hội Chi bộ sẽ góp phần nhỏ bé vào sự thành công chung của Đại hội Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội, nhất là việc giới thiệu nhân sự bảo đảm uy tín, chất lượng, đúng quy trình theo các văn bản hướng dẫn của Ban Chấp hành Đảng bộ Cơ quan Văn phòng Quốc hội và Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về công tác nhân sự. Nhân sự phải được Chi bộ bình chọn dân chủ, nằm quy hoạch và đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm tính kế thừa và đổi mới. Quy trình giới thiệu nhân sự phải tiến hành thận trọng, chặt chẽ và phải được sự đồng thuận cao của Chi bộ cũng như các cấp có thẩm quyền.

Bà Tạ Thị Yên khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của nhân dân” cho nên việc lựa chọn được cán bộ “vừa hồng”, “vừa chuyên” là nhiệm vụ tiên quyết của tất cả cấp ủy Đảng, từ cấp cơ sở cho đến các cấp cao hơn, trong đó có Chi bộ Công tác đại biểu./..

Bích Lan