Phát huy vai trò của các Ủy ban của Quốc hội trong quá trình xây dựng luật
Trong hoạt động lập pháp, quy trình thủ tục tiến hành các hoạt động tại kỳ họp được thực hiện theo hướng tăng tính chủ động, chặt chẽ, minh bạch, dân chủ, dành nhiều thời gian cho hoạt động thảo luận, tranh luận của các đại biểu Quốc hội. Số lượng và chất lượng các dự án luật, dự thảo nghị quyết đều được nâng lên thể hiện rõ rệt qua từng nhiệm kỳ của Quốc hội. Các luật được Quốc hội thông qua bám sát yêu cầu của cuộc sống và đáp ứng tiêu chí về tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, xử lý tốt những vấn đề phức tạp, phản ánh đầy đủ và sát hơn thực tiễn cuộc sống. Tuy nhiên trong quy trình xây dựng luật hiện nay chưa có biện pháp nâng cao trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra; còn đặt nặng trách nhiệm rà soát, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật lên vai của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành phát biểu tại hội thảo
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành, trong quá trình xem xét, thông qua dự án luật, không ít dự án luật khi trình ra Quốc hội so với khi thông qua phải chỉnh sửa nhiều cả về nội dung, kỹ thuật lập pháp; trách nhiệm của cơ quan thẩm tra không được phát huy đầy đủ ở giai đoạn chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật; chất lượng một số dự án luật chưa cao dẫn đến sau khi ban hành thời gian ngắn đã phải sửa đổi, bổ sung.
Nếu như trước đây, sau khi trình Quốc hội thì cơ quan chủ trì soạn thảo là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật. Thì nay, sau khi sửa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2003, vai trò tiếp thu, chỉnh lý chuyển từ cơ quan soạn thảo sang cơ quan chủ trì thẩm tra. Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành đặt vấn đề đây là điểm hiện còn ý kiến khác nhau có nên tiếp tục giữ vai trò tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo luật ở cơ quan thẩm tra hay giao lại cho cơ quan soạn thảo.
Vụ trưởng Vụ Tổng hợp – Văn phòng Quốc hội Trần Thị Kim Nhung cũng cho biết, tại kỳ họp Quốc hội việc định lượng thời gian phù hợp của phiên họp toàn thể cho từng nội dung còn gặp khó khăn. Cùng với đó, hiệu quả phiên họp tổ đại biểu Quốc hội còn thấp do chưa có sự phân định rõ vai trò, giá trị pháp lý giữa hai thủ tục “thảo luận tại tổ đại biểu Quốc hội” và “thảo luận tại phiên họp toàn thể” nên còn trùng lặp, việc tổng hợp ý kiến chưa thực sự đầy đủ.
Vụ trưởng Vụ Tổng hợp – Văn phòng Quốc hội Trần Thị Kim Nhung trình bày tham luận “Một số vấn đề về kỳ họp Quốc hội”
Chia sẻ kinh nghiệm Nhật Bản, đại diện Văn phòng Hạ viên Nhật Bản Futami Akira cho biết, số lượng dự án luật được thông qua mỗi năm ở Nhật Bản lớn hơn nhiều so với Việt Nam. Tính trung bình trong 5 năm trở lại đây, mỗi năm Quốc hội Nhật Bản thông qua khoảng 103 luật. Nhiều dự thảo luật do Chính phủ trình được thông qua ngay trong chính kỳ họp trình dự thảo luật đó. Đặc biệt, quá trình làm luật tại Nhật Bản áp dụng chủ nghĩa tập trung thảo luận tại các Ủy ban. Điều này thể hiện vai trò của các ủy ban thẩm tra là rất lớn.
Theo đó, các dự án luật có thể được trình bởi Chính phủ hoặc các nghị sĩ. Dự án luật khi được trình lên Quốc hội sẽ được giải trình hoặc giải thích nội dung cụ thể tại phiên họp toàn thể, trên cơ sở đó Chủ tịch Quốc hội giao cho Ủy ban để thẩm tra. Tại các phiên họp của Ủy ban, các bộ trưởng, đại diện cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo luật giải trình các nội dung và mục đích của dự thảo luật, đồng thời trả lời các câu hỏi của các thành viên ủy ban về các vấn đề liên quan đến dự thảo luật. Sau đó, Ủy ban sẽ quyết định dự thảo luật có được đưa ra phiên họp toàn thể để biểu quyết thông qua hay không. Do đó kết quả thẩm tra của Ủy ban được coi trọng. Tại phiên họp toàn thể, Chủ nhiệm Ủy ban sẽ báo cáo về kết quả thẩm tra và nội dung chủ yếu của dự thảo luật. Đối với các dự án luật thông thường, việc thông qua luật chủ yếu dựa vào kết quả thẩm tra và không thảo luận về luật tại phiên họp toàn thể. Quốc hội chỉ tiến hành thảo luận tại phiên họp toàn thể đối với những dự án luật đặc biệt quan trọng.
Đưa ra khuyến nghị đối với Việt Nam, đại diện Văn phòng Hạ viên Nhật Bản Futami Akira cho rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên có quyết định về việc dành thời gian thảo luận đối với từng dự án luật trên cơ sở có sự phân loại. Đối với các dự án luật thông thường thì nên tập trung thảo luận ở Ủy ban để vừa nâng cao được tính chuyên môn, chuyên sâu của các dự thảo luật, đồng thời nâng cao vai trò của Ủy ban trong việc đưa ra kết luận dự thảo luật có thể được xem xét thông qua tại phiên họp toàn thể của Quốc hội.
Tăng cường hỗ trợ hoạt động đại biểu Quốc hội
Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Thu Hà đặt vấn đề cơ chế hỗ trợ cho đại biểu Quốc hội theo kinh nghiệm của Nhật Bản
Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Thu Hà cho rằng, để nâng cao hiệu quả hoạt động Quốc hội phụ thuộc vào 3 yếu tố chính đó là nâng cao chất lượng văn bản, dự thảo luật trình Quốc hội; nâng cao năng lực thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội, nâng cao chất lượng văn bản thẩm tra và nâng cao năng lực của đại biểu Quốc hội. Làm thế nào để nâng cao năng lực của đại biểu Quốc hội trong tiếp cận các dự án luật là vấn đề được Quốc hội Việt Nam, các đại biểu Quốc hội quan tâm.
Qua trao đổi tại hội thảo cho thấy, công tác xây dựng văn bản pháp luật của Nhật Bản được thực hiện theo quy trình chặt chẽ và vai trò của các Ủy ban của các Nghị viện Nhật được phát huy hiệu quả. Đại biểu Lê Thu Hà đặt vấn đề về kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc cung cấp thông tin hỗ trợ đại biểu Quốc hội, vấn đề tài chính, con người, việc thuê chuyên gia và bộ máy giúp việc cho đại biểu Quốc hội.
Chia sẻ về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Nghị sự, Văn phòng Hạ viện Nhật Bản Tsukiyama Nobuhiko cho hay, các nghị sĩ của Nhật Bản được sử dụng 3 thư ký là những người hỗ trợ hoạt động cho nghị sĩ. Chi phí trả cho các thư ký lấy từ nguồn ngân sách nhà nước. Ngoài ra, Quốc hội Nhật Bản còn có các Vụ thẩm tra, Vụ pháp chế và Thư viện Quốc hội sẽ có trách nhiệm cung cấp các thông tin cần thiết theo yêu cầu của nghị sĩ. Bên cạnh đó, nghị sĩ có quan tâm có thể yêu cầu người trực tiếp làm dự thảo luật tại các bộ ngành đến giải thích các nội dung liên quan, cơ quan thẩm tra ở các bộ ngành cũng có thể cung cấp thông tin khi nghị sĩ yêu cầu.
Vụ trưởng Vụ Nghị sự, Văn phòng Hạ viện Nhật Bản Tsukiyama Nobuhiko trao đổi một số vấn đề đại biểu quan tâm
Thực tế, tại Nhật Bản, nghị sĩ thuộc Đảng cầm quyền thì được các bộ ngành hỗ trợ tương đối tốt và ngược lại các nghị sĩ thuộc các Đảng đối lập sẽ không dễ dàng nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía các bộ ngành. Khi đó các bộ phận như Ủy ban pháp luật, Văn phòng Quốc hội, Thư viện Quốc hội sẽ đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ hoạt động của nghị sĩ.
Liên quan đến nội dung này, trong phần trình bày tham luận “Một số vấn đề về kỳ họp Quốc hội”, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp của Văn phòng Quốc hội Trần Thị Kim Nhung cũng cho hay trong các nhiệm kỳ gần đây Quốc hội Việt Nam có nhiều cải tiến, đổi mới tại phiên họp mang lại những hiệu quả tích cực, trong đó có việc học hỏi kinh nghiệm hoạt động của Quốc hội Nhật Bản. Trong đó, thông tin, tài liệu tham khảo cung cấp cho đại biểu Quốc hội ngày càng phong phú đa dạng hữu ích; cùng với đó tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Quốc hội; việc chuyển tại thông tin kỳ họp ra công chúng chủ động, kịp thời để người dân dễ theo dõi, giám sát các hoạt động của Quốc hội.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thúy Chinh phát biểu kết luận hội thảo
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thúy Chinh nêu rõ, qua chia sẻ, thảo luận cho thấy, dù có sự khác biệt về mô hình tổ chức ở Quốc hội hai nước nhưng phiên họp toàn thể đều có vai trò rất quan trọng trong các quyết định của Quốc hội. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thúy Chinh cho biết, các ý kiến tại hội thảo sẽ được tổng hợp và báo cáo Tổng thư ký Quốc hội, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội để có tham mưu nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng kỳ họp Quốc hội./.