Đây là sự kiện kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm làng Gốm Bát Tràng (20.2.1959 – 20.2.2019); hướng tới kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng Thủ đô (10.10.1954 – 10.10.2019) và Bát Tràng chuẩn bị đón nhận Quyết định là 1 trong 8 điểm du lịch hấp dẫn nhất của Hà Nội.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thúy Chinh phát biểu
Dự buổi làm việc có Phó Trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng cùng các cục, vụ trong VPQH.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Phạm Thúy Chinh cho rằng, sự kiện không chỉ là thể hiện tâm ý, công sức của nhân dân Bát Tràng đối với Bác Hồ và Quốc hội mà còn thể hiện sự trường tồn, sức sống mãnh liệt của một làng nghề truyền thống. Khi các sản phẩm gốm được trưng bày sẽ góp phần làm sống động không gian lịch sử của người Việt Nam, do đó cách thức tổ chức Lễ tiếp nhận đến vị trí, trưng bày các sản phẩm phải được bàn bạc kỹ lưỡng; làm sao để vừa bảo đảm tính long trọng, thể hiện được tình cảm của nhân dân làng nghề vừa tiết kiệm, không lãng phí.
Các đại biểu xem mô phỏng 1 trong 60 hiện vật sẽ được bàn giao tới đây
Thống nhất với các ý kiến của Phó Chủ nhiệm Phạm Thúy Chinh, Phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng – người cùng các nghệ nhân lên ý tưởng ban đầu và kết nối giữa chính quyền, nghệ nhân làng gốm Bát Tràng với VPQH cho rằng đây là một cơ duyên; bởi nó còn mang ý nghĩa kết nối dấu tích xưa – nay. Ông Lưu Bình Nhưỡng cho biết, trước đây, Bát Tràng là nơi cung cấp các vật dụng cho vua chúa, kinh thành và nay trở thành một trong số 117 làng nghề tinh hoa nhất của Việt Nam; là biểu tượng của văn hóa Việt…
Tại buổi làm việc, hai bên đã cơ bản thống nhất các đầu mục công việc cho buổi lễ bàn giao; dự kiến ngày bàn giao chính thức sẽ diễn ra một buổi trong khoảng thời gian từ ngày mùng 10 đến trước ngày 20.10. Phó Chủ nhiệm Phạm Thúy Chinh cũng giao Vụ thông tin, Vụ Quản trị, Vụ Lễ tân phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm và Tp Hà Nội cùng các nghệ nhân trong làng gốm Bát Tràng lên kế hoạch chi tiết cho sự kiện; báo cáo về lãnh đạo VPQH trước ngày 5.10.