TỌA ĐÀM CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TỔ CHỨC QUỐC HỘI

22/02/2020

Sáng ngày 22/2, tại Thành phố Đà Nẵng, Văn phòng Quốc hội tổ chức Tọa đàm lấy ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đồng chủ trì hội nghị.

Toàn cảnh buổi toạ đàm

Các đại biểu cho ý kiến về 9 nội dung dự kiến tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật và tập trung cho ý kiến về 5 nội dung còn ý kiến khác nhau về quy định về đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, quy định về Đoàn đại biểu Quốc hội, về Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về cơ cấu Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội và việc chuyển các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành cơ quan chuyên môn của Quốc hội.

Cho ý kiến về việc tăng số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, đa số ý kiến đồng tình cho rằng nên tăng tỉ lệ này lên mức 37%, 40% tổng số đại biểu, nhưng vẫn có ý kiến cho rằng nên giữ nguyên cơ cấu như hiện nay.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng, nếu chúng ta thể chế hóa Đoàn đại biểu Quốc hội lên sẽ biến Quốc hội thành thượng viện, đại diện cho 63 tỉnh, chúng ta không có hạ viện, chỉ có đại diện cho 63 tỉnh, thì quyền lợi rất khó đảm bảo, ngay khi phát biểu chúng ta không phát biểu được rồi.

Ông Đặng Văn Chiến, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng việc mời chuyên gia tham gia đại biểu Quốc hội tuy không mới nhưng là một đề xuất hay, nếu làm được sẽ giúp nâng cao chất lượng của đại biểu Quốc hội.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu ý kiến tại buổi toạ đàm

Ông Đặng Văn Chiến - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng: “Tôi thấy đây là đề xuất không mới nhưng hay, nếu làm được thì tạo cơ hội nâng cao chất lượng đại biểu, thu hút kinh nghiệm, thậm chí tài năng trong hệ thống của chúng ta”.

Cho ý kiến về việc chuyển các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội, nhiều ý kiến cho rằng, nên giữ nguyên cơ cấu, chức năng Ban Công tác Đại biểu và Ban Dân nguyện trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội như hiện nay đúng với chủ trương tinh giản biên chế từ Trung ương đến cơ sở.

Đại biểu tham dự cho ý kiến tại buổi toạ đàm

Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn bày tỏ quan điểm: “Nhân dịp này lựa chọn cán bộ, quy tụ đầu mối, giảm ngân sách, các huyện, tỉnh giảm, nếu cách này là phình bộ máy, tham mưu đổi tên thành cơ quan chuyên môn của Quốc hội. Tôi thấy chưa đủ điều kiện để tách ra khỏi Văn phòng Quốc hội. Tôi đề nghị giữ nguyên như thế này”.

Nhiều ý kiến đồng tình đổi tên Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng thành Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội thành Ủy ban Xã hội. Đại biểu cũng đề xuất, kinh phí hoạt động cho Đoàn đại biểu Quốc hội nên quy về một mối, ngoài ra, không nên coi Đoàn đại biểu Quốc hội là thiết chế của Trung ương, Trung ương trả kinh phí hoạt động, mà nên đưa về địa phương.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu ý kiến tại buổi toạ đàm

Phát biểu tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu cho Dự án sửa đổi Luật. Trong phạm vi sửa đổi một số Điều của Dự luật lần này, với 5 nội dung còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Pháp luật tiếp thu ý kiến đề xuất về cơ chế, chính sách để thu hút đại biểu có năng lực, trình độ, tâm huyết về làm việc tại Quốc hội. Thêm vào đó, việc quy định về độ tuổi đối với cán bộ trong diện thu hút về làm việc tại các cơ quan Quốc hội cũng sẽ nghiên cứu thêm, làm sao để đồng bộ với quy định nghỉ hưu đối với đại biểu Quốc hội trong Luật Công chức, viên chức.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cũng ghi nhận các ý kiến đóng góp về quy định đối với Đoàn đại biểu Quốc hội, tiếp tục đổi mới cách thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Đoàn đại biểu Quốc hội hiện nay, phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội để thực hiện nhiệm vụ của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại địa phương. 

Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu kết luận tại buổi toạ đàm

Kết luận tại buổi Tọa đàm, Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đánh giá cao các ý kiến thảo luận, đóng góp tại hội nghị; Đồng thời nhấn mạnh, đại biểu Quốc hội là nguồn quan trọng làm nên chất lượng của Quốc hội. Do đó, đồng tình với ý kiến góp ý về cơ cấu của đại biểu Quốc hội. Cơ cấu đại biểu Quốc hội sẽ thể hiện trong phương án bầu cử. Quy định mới của Trung ương cho phép lãnh đạo địa phương chỉ tham gia 2 chức vụ.

Về cơ cấu đại biểu Quốc hội, Tổng Thư ký – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng đồng tình với góp ý đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội, trong đó chú trọng nâng cao năng lực và điều kiện hoạt động của Quốc hội.

Đối với việc thành lập Thanh tra Quốc hội, Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, theo quy định, việc thành lập cơ quan từ cấp vụ mới phải báo cáo Bộ Chính trị. Cùng với việc thực hiện tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương thì cần phải có đánh giá tổng kết về tác động khi thành lập Thanh tra Quốc hội thay cho Ban Dân nguyện.

Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết sẽ tổng hợp các ý kiến đóng góp của các đại biểu trong hội nghị, gửi lãnh đạo Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội làm cơ sở tham khảo và đưa lên phần mềm hỗ trợ các đại biểu Quốc hội tiếp thu thêm./.

Hoàng Yến - Lê Quang