Phiên họp thứ 2 của UBTVQH

28/09/2007

* Dự thảo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa: Tách các tổ chức giám định khỏi cơ quan kiểm tra chất lượng * Dự thảo Luật Hóa chất: Đã xây dựng xong Nghị định hướng dẫn * Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân: Mức khởi điêèm chịu thuế 4 triệu đồng là quá sức người lao động * Dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử: Nhiều quy định không khả thi

Ngày 26.9, tiếp tục chương trình làm việc của Phiên họp thứ 2, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, UBTVQH đã nghe báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và dự án Luật Hóa chất.

Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa do Chủ nhiệm UB Khoa học Công nghệ và Môi trường Đặng Vũ Minh trình bày, đề nghị: Nên giữ nguyên tên luật như dự thảo là Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa vì tên gọi này đã xác định rõ hai đối tượng cần được quản lý chất lượng từ khâu sản xuất đến tiêu dùng là sản phẩm và hàng hóa; Không đưa các loại sản phẩm, hàng hóa đặc thù như dịch vụ, công trình xây dựng và sản phẩm, hàng hóa đã qua sử dụng… vào phạm vi của Luật này vì đã có các Luật chuyên ngành điều chỉnh... 

Theo một số Ủy viên UBTVQH cũng như đại diện Bộ NN và PTNN, một trong những điểm quan trọng và mới của dự án Luật lần này là đã tách tổ chức giám định ra khỏi cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch. Cơ bản đồng tình với những nội dung đã được chỉnh lý nhưng theo Chủ nhiệm  Ủy ban Văn hóa, GD, TN, TN và NĐ Đào Trọng Thi: Nhận thức của người dân, các nhà sản xuất kinh doanh về chất lượng sản phẩm, hàng hoá còn hạn chế nên cần có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động của các cơ quan giám định. Kết luận nội dung này, Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên đồng ý sẽ có cơ chế, định chế kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức giám định. Nhà nước chỉ quản lý chất lượng ở góc độ bảo đảm an toàn cho sức khỏe con người, động thực vật, tài sản và môi trường, còn tiêu chuẩn chất lượng cụ thể sẽ do doanh nghiệp, nhà sản xuất đăng ký với các cơ quan chức năng. Một số vấn đề liên quan đến các nguyên tắc chung, chính sách của Nhà nước hay quy định về điều kiện, năng lực, trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức của các tổ chức giám định... - Phó chủ tịch yêu cầu Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý để QH cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2.

Báo cáo giải trình tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật Hóa chất đề nghị thống nhất lấy tên gọi như dự thảo với phạm vi điều chỉnh khá rộng về: Hoạt động hóa chất; An toàn trong hoạt động hóa chất; Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động hóa chất và quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất. Dự thảo Luật cũng đã quy định khá toàn diện về bảo đảm an toàn trong sản xuất kinh doanh hóa chất; Bổ sung các quy định về: Cất giữ hóa chất nguy hiểm dùng trong sản xuất sản phẩm hàng hóa và tiêu dùng; Cung cấp thông tin về hóa chất độc, hóa chất nguy hiểm; Kế hoạch, lực lượng, trang bị phòng ngừa, ứng phó và thẩm quyền phê duyệt kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất...

Phó chủ nhiệm UB Văn hóa, GD, TN, TN và NĐ Nguyễn Minh Thuyết cho rằng thuật ngữ hoạt động hóa chất là không phù hợp; 3 nguyên tắc mà dự thảo Luật đưa ra còn trùng lặp nhau trong khi đó nguyên tắc về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và phát triển công nghiệp hóa chất lại không được nhắc đến… Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Đặng Vũ Minh: Nội dung của dự án Luật này đã đáp ứng được tất cả các nhu cầu, lo ngại của xã hội trong hoạt động hóa chất và đã tạo cơ sở pháp lý rất chặt chẽ để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn. Còn một số vấn đề thuộc về kỹ thuật lập pháp thì Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện để kịp trình QH cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cũng cho biết: Song song với việc chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật, Bộ cũng đã xây dựng xong Nghị định hướng dẫn, làm rõ hơn một số vấn đề ĐBQH băn khoăn về phạm vi điều chỉnh, một số thuật ngữ chuyên ngành, danh mục những hóa chất bị nghiêm cấm sản xuất, kinh doanh… nhằm bảo đảm Luật nhanh chóng đi vào cuộc sống và đáp ứng việc thực hiện các cam kết của Việt Nam với thế giới trong lĩnh vực này. 

Trong phiên làm việc buổi chiều, UBTVQH đã nghe Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân và Tờ trình dự án Luật Năng lượng nguyên tử.

Dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân đã được trình QH Khóa XI cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, một số nội dung còn có ý kiến khác nhau cũng đã được đưa ra lấy ý kiến nhân dân. Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật này do Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển trình bày nêu rõ: điểm mới của dự án Luật là quy định về giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc mà người nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng. Mức giảm trừ gia cảnh này là khoản tiền được trừ khỏi thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiền lương và tiền công. Các quy định về đối tượng nộp thuế, các khoản thu nhập chịu thuế và không phải chịu thuế, biểu thuế… cũng đã được Ban soạn thảo chỉnh lý trên cơ sở ý kiến đóng góp của nhân dân.

Cơ bản đồng tình với các nội dung của báo cáo giải trình, nhưng theo Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận: Việc dự thảo quy định thành viên công ty hợp doanh vẫn phải đóng thuế thu nhập cá nhân sau khi công ty đó đã đóng thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng chủ doanh nghiệp tư nhân lại không phải đóng thuế thu nhập cá nhân sau khi đã đóng thuế thu nhập doanh nghiệp là không hợp lý. Đây cũng là băn khoăn chung của nhiều Ủy viên UBTVQH. Bên cạnh đó, việc đưa lợi tức cổ phần vào khoản thu nhập đóng thuế cũng cần phải nghiên cứu kỹ hơn. Tham gia phát biểu ý kiến, Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Đặng Ngọc Tùng cho rằng nếu không làm rõ các đối tượng được hưởng lợi tức cổ phần phải đóng thuế thu nhập cá nhân thì những người lao động trong doanh nghiệp với tư cách là người được bán cổ phần khi thực hiện chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sẽ phải đóng thuế hai lần trong khi thực chất lợi tức cổ phần của họ cũng rất ít. Ông Tùng đề nghị không nên đưa lương tháng 13, thu nhập từ làm thêm giờ, tiền thưởng… của người lao động vào khoản phải chịu thuế. Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu cũng không đồng tình với việc đưa các khoản này vào diện chịu thuế trong khi khoản thu nhập từ kiều hối lại không phải đóng thuế.

Quy định mức khởi điểm chịu thuế là 4 triệu đồng cũng không nhận được sự đồng tình của đa số Ủy viên UBTVQH. Mức này quá sức chịu đựng của đa phần người lao động vì thực tế việc tăng lương nhằm bảo đảm mức thu nhập cho người lao động cũng không bù đắp kịp tốc độ trượt giá.

Về quy định giảm trừ gia cảnh, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết: Mức giảm trừ gia cảnh ở Việt Nam là cao nhất so với các nước nhưng khi đưa ra lấy ý kiến nhân dân thì nhiều ý kiến đề nghị giảm mức này xuống để tăng diện người có vinh dự đóng góp cho đất nước. Điều này cũng hợp lý vì đã gọi là thuế thu nhập cá nhân thì phải mang tính chất phổ biến. Nhưng Phó chủ tịch Nguyễn Đức Kiên thì lại cho rằng: Bản chất của thuế thu nhập cá nhân là phải đóng từ khoản thu nhập đầu tiên nhưng do điều kiện đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn nên phải quy định mức giảm trừ, coi đó là bước làm quen, tập dượt, quá độ để người dân có thể từng bước tiếp cận với bản chất của thuế thu nhập cá nhân từ đó mà mở rộng dần diện đóng thuế thu nhập cá nhân.

Tờ trình dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử do Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường Hoàng Văn Phong trình bày, khẳng định dự thảo Luật đã được xây dựng trên quan điểm là: Chỉ ứng dụng và phát triển năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình; Tạo môi trường pháp lý thuận lợi để đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng năng lượng nguyên tử đóng góp hiệu quả và trực tiếp cho sự phát triển KT-XH, bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân; Coi phát triển năng lượng hạt nhân là giải pháp quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển bền vững và tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ và công nghiệp của đất nước. Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật này cơ bản đồng tình với những nội dung chính của dự án Luật. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị: Cần quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; Trách nhiệm pháp lý của Hội đồng An toàn hạt nhân quốc gia về ý kiến tư vấn cho Thủ tướng; Quy định rõ thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm và thẩm quyền của cơ quan thanh sát hạt nhân…

Đánh giá việc ban hành Luật này đã thể hiện tầm nhìn chiến lược đối với sự phát triển của đất nước, nhưng Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng Ban soạn thảo đã hơi… đơn giản trong việc xin ý kiến QH. Một vấn đề mang tầm chiến lược quốc gia trong khi thực tiễn chúng ta đang gặp khó khăn về nguồn nhân lực, nhận thức của người dân đối với vấn đề năng lượng nguyên tử, cơ sở vật chất cho việc phát triển năng lượng nguyên tử, năng lực quản lý và điều hành vĩ mô của đất nước trong lĩnh vực này… nhưng Tờ trình chỉ nêu hai vấn đề xin ý kiến của QH liên quan đến Hội đồng An toàn hạt nhân quốc gia và trách nhiệm quản lý của Nhà nước thì QH sẽ không biết phải thảo luận cái gì. Bên cạnh đó còn quá nhiều vấn đề mà dự thảo Luật đặt ra không khả thi, giống như là Luật mẫu của thế giới chứ Việt Nam chưa thể làm được. Nhiều Ủy viên UBTVQH đồng tình với những băn khoăn này.

Phạm Thuý

(http://www.nguoidaibieu.com.vn/)