Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên dự Phiên họp toàn thể của UB Kinh tế

06/10/2007

Ngày 4-5.10, tiếp tục phiên họp toàn thể lần thứ 2, dưới sự điều khiển của Chủ nhiệm Hà Văn Hiền, UB Kinh tế đã tiến hành thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT- XH năm 2007, phương hướng nhiệm vụ kế hoạch phát triển KT- XH năm 2008. Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên dự và phát biểu ý kiến.

Theo báo cáo của Chính phủ, ước thực hiện kế hoạch phát triển KT- XH năm 2007 đã hoàn thành vượt mức hầu hết các mục tiêu KT- XH theo chỉ tiêu của QH đề ra. Chất lượng phát triển của nền kinh tế từng bước được nâng lên với tốc độ tăng trưởng GDP vào khoảng 8,5%. Kinh tế đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế đạt được nhiều kết quả tích cực với tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên 20%, thu hút FDI đạt trên 10 tỷ USD... Chính phủ đã đưa ra 8 nhóm giải pháp cơ bản để thực hiện 2 nhóm chỉ tiêu chủ yếu cho phương hướng nhiệm vụ thực hiện kế hoạch phát triển KT- XH năm 2008, phấn đấu đạt tăng trưởng GDP vào khoảng 8,5- 9%, tổng kim ngạch xuất khẩu là 58,5 tỷ USD, tổng vốn đầu tư phát triển toàn XH khoảng 567,2 nghìn tỷ đồng...

UB Kinh tế cho rằng, Chính phủ cùng các bộ, ngành cần phân tích cụ thể các tồn tại để tìm ra những giải pháp phát triển mang tính đột phá cho các ngành, lĩnh vực trong việc thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển KT- XH năm 2008. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý tác động của các nhóm chỉ tiêu lạm phát, cán cân thương mại, chính sách tiền tệ và chính sách thuế tới đời sống KT- XH của đất nước.

Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên cho rằng Báo cáo của Chính phủ vẫn mang tính chung chung, các hạn chế và thách thức chưa nêu cụ thể. PCT yêu cầu Chính phủ cần làm rõ những thành tựu nổi bật đạt được của năm 2007 và phân tích mối quan hệ giữa tăng trưởng với các chỉ tiêu xã hội. Đây là cơ sở để đưa ra những giải pháp và lựa chọn những ngành, lĩnh vực then chốt cho việc thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển KT- XH năm 2008. Ngoài 8 nhóm giải pháp được nêu ra trong báo cáo của Chính phủ, PCT đề nghị Chính phủ cần bổ sung 2 nhóm giải pháp là: Hạn chế tác động do quá trình hội nhập đem lại và chủ động hỗ trợ tăng đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn; Tăng trưởng kinh tế cao nhưng phải bảo đảm thu nhập thực tế và bảo đảm đời sống của đại bộ phận các tầng lớp nhân dân.

 

N.Tuấn

(http://www.nguoidaibieu.com.vn/)