QH sẽ tăng cường giám sát, hiểu rõ những khó khăn, vướng mắc để có những chủ trương, giải pháp cụ thể, tạo điều kiện để ngành Tòa án nhân dân hoàn thành tốt nhiệm vụ

24/01/2008

Phát biểu của ỦY VIÊN BỘ CHÍNH TRỊ, CHỦ TỊCH QH NGUYỄN PHÚ TRỌNG tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2007 và triển khai công tác năm 2008 của ngành TAND

     

      Thưa các đồng chí,

      Trước hết, tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí về dự Hội nghị; xin gửi tới các đồng chí và qua các đồng chí gửi tới toàn thể anh chị em cán bộ, công chức ngành Tòa án - lời thăm hỏi chân tình và lời chúc tốt đẹp nhất.

      Thưa các đồng chí,

      Năm 2007, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, nền kinh tế nước ta tiếp tục phát triển và đạt được những thành tích quan trọng; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII và việc kiện toàn các cơ quan lãnh đạo cấp cao của Nhà nước thành công tốt đẹp càng khẳng định ý thức chính trị và lòng yêu nước sâu sắc của nhân dân ta, thể hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, gắn kết mọi người phấn đấu vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước được tăng cường đã góp phần tiếp tục nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trong khu vực và trên thế giới. Với những thành tích quan trọng này, chúng ta càng tự hào và tin tưởng vào đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng và sự phát triển của đất nước ta.

      Đối với ngành Tòa án nhân dân, chúng ta phấn khởi trước những thành tích, kết quả đã đạt được như Báo cáo tổng kết công tác do đồng chí Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao vừa trình bày. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhất là đội ngũ cán bộ còn thiếu, cơ sở vật chất và phương tiện làm việc còn nghèo nàn, số lượng các vụ án phải giải quyết là khá lớn và ngày một tăng, ngành Tòa án đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu công tác đề ra, đồng thời tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp như nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, khẩn trương hoàn thành việc giao thẩm quyền xét xử mới cho các Tòa án cấp huyện, đổi mới thủ tục hành chính tư pháp và tăng cường công tác giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Hoạt động xét xử có nhiều tiến bộ, chất lượng được nâng lên,... Những kết quả đạt được của ngành Tòa án đã góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước. Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt chúc mừng những thành tích và biểu dương những cố gắng, nỗ lực của ngành Tòa án nhân dân trong năm qua, và mong các đồng chí tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác trong thời gian tới.

      Thưa các đồng chí,

      Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhận thức sâu sắc rằng, trong quá trình phát triển đi lên, đất nước ta có nhiều thuận lợi, nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Hiện nay, các thế lực thù địch ngoài nước vẫn đang cấu kết với những phần tử xấu trong nước tìm mọi cách, nhất là sử dụng chiêu bài dân chủ, tôn giáo và nhân quyền để phá hoại công cuộc xây dựng đất nước ta, chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Nền kinh tế tuy có sự tăng trưởng cao, nhưng vẫn còn những yếu tố chưa bền vững và có nhiều vấn đề cấp bách phải giải quyết như tỷ lệ lạm phát tăng cao, sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ còn thấp; việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và sử dụng vốn đầu tư kém hiệu quả, tình trạng thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, ô nhiễm môi trường, nạn tham nhũng và các tiêu cực xã hội đang kìm hãm sự phát triển của đất nước; đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, những nơi có thiên tai còn nhiều khó khăn.

      Trong lĩnh vực tư pháp, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, tội phạm về tham nhũng diễn ra nghiêm trọng, các loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng như mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma tuý, giết người, cướp của, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vi phạm các quy định về an toàn giao thông... gia tăng. Các tranh chấp dân sự, kinh tế, thương mại, lao động và khiếu kiện hành chính phát sinh ngày một nhiều, với tính chất ngày càng phức tạp. Tình hình đó đặt ra cho ngành Toà án những nhiệm vụ rất nặng nề. Trong khi đó, do nhiều nguyên nhân, việc xây dựng, củng cố và kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức Toà án, nhất là đội ngũ thẩm phán, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ công tác xét xử trong tình hình mới của cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế; năng lực công tác và phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ Toà án còn yếu, một số còn vi phạm pháp luật, có trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự; cơ sở vật chất, phương tiện làm việc còn thiếu thốn, bất cập... ảnh hưởng không nhỏ đến công tác của ngành, nhất là chất lượng xét xử. Tỷ lệ các bản án bị sửa, huỷ do sai sót do lỗi chủ quan của cán bộ Toà án còn cao, nhất là trong lĩnh vực xét xử án dân sự, hành chính; việc giải quyết các loại án vẫn còn tình trạng để quá thời hạn luật định; có bản án chưa thật sự công bằng, nghiêm minh, đúng pháp luật, gây ra những khiếu kiện bức xúc, kéo dài. Đây là những yếu kém, khuyết điểm của nhiều năm mà tại Hội nghị này các đồng chí cần nghiêm túc đánh giá, kiểm điểm, rút kinh nghiệm để tìm giải pháp khắc phục.

      Thưa các đồng chí!

      Về phương hướng nhiệm vụ công tác trong thời gian tới, tôi đồng tình với những nội dung được nêu trong Báo cáo của Ngành, đồng thời xin lưu ý các đồng chí một số điểm sau đây:

      Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nhiệm vụ cơ bản, quan trọng và lâu dài của cả hệ thống chính trị, trong đó có trách nhiệm to lớn của ngành Tòa án. Riêng trong lĩnh vực tư pháp, chúng ta sẽ không thể nói đến một nhà nước pháp quyền thực sự của dân, do dân và vì dân nếu vẫn còn nhiều người dân phải chịu oan ức, bất công, hoặc tính mạng, tài sản và danh dự của họ bị xâm hại bởi những quyết định không công bằng, trái luật của cơ quan tư pháp, trong đó có các bản án, quyết định của Tòa án. Vì vậy, toàn Ngành cũng như từng cán bộ, công chức của ngành Toà án phải nhận thức sâu sắc về vấn đề này và xác định trách nhiệm của mình trước Đảng, Nhà nước và nhân dân để từ đó thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ, năng lực và phẩm chất đạo đức, đặc biệt là phải có tâm trong sáng. Mỗi cán bộ, công chức của ngành Tòa án phải thực sự là người “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, phải thực sự “hiểu dân, gần dân, giúp dân và học dân” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy. Tôi mong các đồng chí thấm nhuần và thường xuyên làm việc này; đây chính là hành động thiết thực hưởng ứng và tham gia cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ngành Toà án nhân dân cần phát động phong trào thi đua yêu nước bằng những chương trình hành động cụ thể, phấn đấu trong một thời gian ngắn xây dựng cho được đội ngũ cán bộ Toà án thực sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, để Toà án ngày càng trở thành trung tâm của hoạt động tư pháp theo Nghị quyết số 49/NQ–TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

      Thứ hai, trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ, nếu còn tình trạng kết án oan người vô tội, bỏ lọt người phạm tội, vi phạm thời hạn xét xử, tỷ lệ án bị sửa, huỷ nhiều thì chưa thể nói hoàn thành tốt nhiệm vụ. Vì vậy, ngành Toà án cần khẩn trương tập trung nâng cao chất lượng xét xử, phấn đấu không để xảy ra các vụ xử oan, sai nghiêm trọng; khắc phục bằng được việc để quá hạn xét xử các vụ án và hạn chế đến mức thấp nhất các bản án, quyết định bị sửa, huỷ. Để làm được điều này, Toà án các cấp cần làm tốt việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên toà, tăng cường hoà giải trong việc giải quyết các vụ việc dân sự; thường xuyên kiểm tra việc tổ chức công tác xét xử và làm tốt công tác giám đốc việc xét xử để kịp thời phát hiện, rút kinh nghiệm, khắc phục những sai sót về nghiệp vụ trong hoạt động xét xử. TANDTC cần làm tốt nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, bảo đảm kịp thời tháo gỡ vướng mắc về nghiệp vụ xét xử các vụ án.

      Thứ ba, về công tác xây dựng ngành, cần tập trung củng cố, kiện toàn có hiệu quả bộ máy và đội ngũ cán bộ, thẩm phán Toà án các cấp, nhất là ở cấp huyện. Trước mắt, khẩn trương có giải pháp để tuyển dụng đủ biên chế và bổ nhiệm đủ thẩm phán cho các Toà án theo số lượng đã được UBTVQH khoá XI quyết định, tiến tới xây dựng kế hoạch dài hơi, toàn diện về biên chế. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ năng lực chuyên môn; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức. Đồng thời, tăng cường bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, cập nhật kiến thức pháp luật mới cho Hội thẩm nhân dân. Chủ động tạo nguồn để bổ nhiệm thẩm phán, làm tốt việc luân chuyển cán bộ, thử thách thực tế đối với những cán bộ thuộc diện quy hoạch chức vụ lãnh đạo ở Toà án các cấp.

      Về cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc cho Toà án các cấp, TANDTC cần có kế hoạch và chủ động đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc bảo đảm trụ sở, trang thiết bị làm việc cho Toà án các cấp, nhất là đối với Toà án cấp huyện, để đáp ứng việc thực hiện thẩm quyền xét xử, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm và chuẩn bị điều kiện cho việc thành lập Toà án sơ thẩm khu vực.

      Thứ tư, đối với việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và nhiệm vụ cải cách tư pháp, ngành Toà án cần chủ động và tích cực hơn nữa, nhất là bảo đảm đúng lộ trình của việc giao thẩm quyền mới cho các Toà án cấp huyện, tổng kết ba năm thực hiện Nghị quyết 49/ NQ – TW của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp đến năm 2020, mà cụ thể là thực hiện tốt yêu cầu của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp để nghiên cứu, xây dựng các đề án thành lập Toà án sơ thẩm khu vực, Toà án phúc thẩm, Toà án thượng thẩm; các đề án về đổi mới tổ chức, hoạt động của TANDTC, TAQS và các đề án khác về mở rộng nguồn bổ nhiệm và tăng thời hạn bổ nhiệm thẩm phán, tiền lương, chế độ chính sách đặc thù cho cán bộ, thẩm phán ngành Toà án, bảo đảm cụ thể hoá kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng, tạo điều kiện để xây dựng hệ thống Toà án theo tinh thần cải cách tư pháp.

      Thưa các đồng chí,

      Nhiệm vụ, trách nhiệm của ngành Toà án là rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang. Việc xây dựng ngành Toà án trong sạch, vững mạnh, đủ điều kiện để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao không chỉ phụ thuộc vào sự cố gắng nỗ lực của cán bộ, công chức ngành Toà án mà cần có sự quan tâm, chăm lo của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, chính quyền địa phương dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và sự ủng hộ của nhân dân. Với nhận thức như vậy, tôi chia sẻ các khó khăn, đồng thời một lần nữa hoan nghênh tinh thần làm việc đầy trách nhiệm của các đồng chí trong thời gian qua và đề nghị các đồng chí trên tinh thần cầu thị, tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện không ngừng về mọi mặt, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội sẽ tăng cường công tác giám sát, góp phần bảo đảm tính đúng đắn trong hoạt động của Toà án các cấp, đồng thời hiểu rõ những khó khăn, vướng mắc để có những chủ trương, giải pháp cụ thể, tạo điều kiện để Toà án hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tôi đề nghị TANDTC cần thường xuyên sơ kết, tổng kết những vấn đề quan trọng và chủ động đề xuất với Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ các giải pháp, kế hoạch, lộ trình, bước đi cụ thể để xử lý một cách kịp thời và hiệu quả.

      Nhân dịp chuẩn bị đón Xuân Mậu Tý - năm 2008, tôi xin chúc các đồng chí và toàn thể cán bộ, công chức ngành Toà án cùng gia đình sang năm mới dồi dào sức khoẻ, có nhiều đóng góp mới cho đất nước nói chung và ngành Toà án của chúng ta nói riêng. Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.

      Xin cảm ơn các đồng chí!

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)