Ngày làm việc thứ 10, kỳ họp thứ ba, Quốc hội khoá XII: Thảo luận các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma tuý và luật dầu khí

17/05/2008

NDĐT - Trong ngày làm việc thứ 10 (16-5) của kỳ họp thứ ba, QH khoá XII, các đại biểu thảo luận tại hội trường về hai dự án luật và kết quả năm năm thực hiện Nghị quyết 16 của Quốc hội khoá XI về “Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý”.

Buổi sáng, với sự chủ trì của Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, các đại biểu thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma tuý và kết quả năm năm thực hiện Nghị quyết 16 của QH khoá XI.

Hầu hết các ý kiến phát biểu đồng tình với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban về các vấn đề xã hội của QH về kết quả năm năm thực hiện Nghị quyết 16/2003 của QH khoá XI, cho rằng đây là một Nghị quyết có ý nghĩa, tác dụng lớn, hiệu quả, mở ra một hướng đi mới cho công tác cai nghiện và phòng, chống ma tuý, đề nghị QH ra Nghị quyết riêng đối với khoảng sáu nghìn trường hợp đang được quản lý tập trung sau cai nghiện chưa thi hành xong quyết định khi Nghị quyết 16 hết hiệu lực vào ngày 1-8-2008 này.

Về những nội dung cơ bản của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma tuý có một số vấn đề nổi lên được nhiều đại biểu QH quan tâm. Trước hết là vấn đề xác định người nghiện ma tuý là người có hành vi vi phạm pháp luật hay là người bệnh. Theo Điều 199 Bộ luật Hình sự thì người nghiện ma tuý bị xử lý hình sự (tội sử dụng trái phép chất ma tuý). Uỷ ban về các vấn đề xã hội của QH trong báo cáo thẩm tra cho rằng: Cần phải nhận thức đúng bản chất của nghiện ma tuý là một loại bệnh, do đó, đề nghị bỏ quy định tại Điều 199 Bộ luật Hình sự.

Qua thảo luận có hai loại ý kiến khác nhau. Một là ủng hộ quan điểm nói trên của Uỷ ban về các vấn đề xã hội của QH. Coi người nghiện là người bệnh, vì vậy phải chữa trị cho họ. Hai là, vẫn tiếp tục xử lý hình sự đối với người nghiện ma tuý theo tội sử dụng trái phép chất ma tuý, mới có thể kiềm chế tình trạng này phát triển.

Vấn đề thứ hai nổi lên là quy định tại Điều 33 về thời gian cai nghiện bắt buộc và quản lý sau cai. Trong quá trình soạn thảo, vấn đề này còn nhiều ý kiến khác nhau, do đó Ban soạn thảo trình ba phương án để QH cho ý kiến. Qua thảo luận, đa số ý kiến tán thành phương án hai quy định:

 “1. Người nghiện ma tuý sau thời gian cai nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc trở về nơi cư trú được chính quyền cơ sở hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ phòng, chống tái nghiện trong thời gian từ một đến hai năm. Người không tái nghiện thì được xoá tên khỏi danh sách quản lý.

Trường hợp người nghiện ma tuý sau thời gian cai nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc có nguy cơ tái nghiện cao tiếp tục được đưa vào cơ sở quản lý sau cai nghiện từ một đến hai năm.

2. Người đã cai nghiện ma tuý được chính quyền cơ sở, gia đình và các tổ chức tiếp nhanạ, tạo điều kiện học nghề, tìm việc làm, vay vốn, tham gia các hoạt động xã hội để hoà nhập cộng đồng”.

Nhiều ý kiến đề cập quy định tại khoản 2, Điều 13 quy định: Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma tuý của Bộ đội Biên phòng, lực lượng cảnh sát biển, cơ quan hải quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với cơ quan công an thực hiện và áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để phòng, ngừa, ngăn chặn, phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm về ma tuý tại khu vực hoặc địa bàn quản lý, kiểm soát và đề nghị cần xác định rõ cơ quan nào chủ trì ở các địa bàn, khu vực nói trên. Thí dụ khu vực trên biển, địa bàn biên giới (nơi không có công an) thì lực lượng nào chủ trì.

 

Thế Lân

(http://www.nhandan.com.vn/)