Về dự án Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT), các đại biểu dự hội nghị cho rằng đây là đạo luật có liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống từng người dân, từng hộ gia đình và toàn xã hội. Lộ trình thực hiện BHYT toàn dân thực chất là lộ trình xác định chính sách của nhà nước về BHYT. Vì vậy dự án Luật cần xác định rõ là thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân sẽ phải kéo dài trong bao nhiêu năm? Chính sách BHYT là chính sách xã hội, dự luật quy định nguyên tắc khi Quỹ BHYT gặp rủi ro thì nhà nước là người bảo trợ, nhưng cũng cần xác định rõ nhà nước sẽ hỗ trợ cho những ai và ở mức độ nào? Cần quy định chi tiết hơn mối quan hệ giữa mức đóng và mức hưởng bảo hiểm y tế...Các ĐB cũng đã thảo luận về các nội dung có tính chất chuyên sâu như: việc tổ chức thực hiện chế độ cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, dự báo phương án tài chính cân đối quỹ bảo hiểm y tế...
Đối với Pháp lệnh Người tàn tật, sau 10 năm thực thi, Pháp lệnh đã đem lại những thay đổi tích cực, cải thiện một phần đời sống của người tàn tật. Tuy nhiên, cơ hội hòa nhập của người tàn tật với cộng đồng vẫn đang là một thách thức lớn. Còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết có hiệu quả như: công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề, tạo việc làm cho người tàn tật, giúp người tàn tật tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản...
Hội thảo này trong chuỗi hoạt động cung cấp, trao đổi thông tin, tham vấn công chúng và điều tra xã hội học về dự án Luật Bảo hiểm y tế và việc thực hiện Pháp lệnh Người tàn tật nhằm thu thập các ý kiến về các nội dung liên quan đến dự án Luật Bảo hiểm y tế và các kiến nghị đối với việc xây dựng dự án Luật về người tàn tật.