Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Tăng thu, thắt chặt chi tiêu để giảm bội chi

11/10/2008

Trong phiên họp ngày 10-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung đánh giá, phân tích tình hình kinh tế xã hội năm 2008 và dự báo toàn cảnh bức tranh kinh tế xã hội 2009 cùng với những định hướng điều hành. Báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc trình bày tại phiên họp đã thẳng thắn nhìn nhận vấn đề này.

Tăng GDP năm 2009 nên ở mức 6,5%

Báo cáo thẩm tra của UB Kinh tế của QH phân tích thêm, dường như chưa có sự đồng bộ trong chỉ đạo, điều hành từ trung ương đến địa phương, đơn cử như chính sách tiền tệ và tài khóa chưa đồng bộ. “Trong khi chính sách tiền tệ được thắt chặt một cách quyết liệt thì chính sách kiểm soát chi tiêu công chưa cương quyết. Chính sách tài chính và tiền tệ cũng chưa nhất quán”, Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển chia sẻ: “Nhập siêu ở mức 29% là đáng lo ngại. Bội chi vẫn là “bệnh kinh niên”.

Giải thích thêm vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh “trấn an”: “Bội chi ngân sách thời gian gần đây là do chi cho đầu tư nên có thể coi là tương đối lành mạnh, nằm trong giới hạn an ninh tài chính quốc gia. Các khoản nợ đến hạn ta đều thanh toán đầy đủ”.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển chưa yên tâm: “Ta vẫn đang điều hành theo xu hướng lấy nhu cầu chi để quyết định việc thu ngân sách, thu không đủ thì bội chi, tốc độ tăng chi luôn lớn hơn tăng thu. Đồng chí Bộ trưởng nói theo cách tính của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF thì bội chi thấp hơn mức trong báo cáo, chúng tôi tính ra đúng là có thấp hơn, nhưng cùng khoảng 4%; trong khi theo thông lệ quốc tế thì 3% là đáng lo ngại, 5% là báo động. Như vậy, an ninh tài chính tuy vẫn được đảm bảo, nhưng cũng là đáng lo ngại”.

Phân tích thêm các yếu tố khác như tình hình kinh tế thế giới, giá dầu thô đang giảm mạnh, đang thấp xa so với mức dự kiến để xây dựng kế hoạch ngân sách, ông đề nghị, Chính phủ tiếp tục phải điều hành theo hướng tăng thu, thắt chặt chi tiêu để giảm bội chi. Mức tăng trưởng GDP khả thi trong năm 2009, theo Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách, sẽ vào khoảng 6,5%. Đây cũng là quan điểm của nhiều thành viên trong UBTVQH.

Cần quan tâm hơn nữa đến các vấn đề xã hội

Tán đồng với nhóm giải pháp được Chính phủ nêu ra trong năm 2009, song nhiều ý kiến trong UBTVQH đề nghị chú trọng hơn nữa đến việc “tiếp sức” cho các doanh nghiệp nội, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa – khu vực kinh tế đang giải quyết tới 50% việc làm cho người lao động.

“Nếu không làm tốt khâu này – Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước trăn trở – thì e rằng nhiều doanh nghiệp sẽ khó khăn lớn, thậm chí phá sản. Và như vậy cũng sẽ không thể đạt được mục tiêu tạo ra 1,7 triệu chỗ làm mới”. Ông cũng rất băn khoăn về việc trong năm qua, số hộ dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai rất lớn, trong đó có rất nhiều hộ rơi vào tình trạng tái nghèo.

Tham dự phiên họp, đại biểu QH Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) đưa ra dẫn chứng, mới chỉ có 7.000 trong số 1,2 triệu trẻ em bị khuyết tật được vào học các trường đặc biệt dành cho các em. ĐB đề nghị Chính phủ quan tâm, dành tỷ lệ ngân sách thích đáng cho văn hóa giáo dục và an sinh xã hội.

Các vấn đề nêu trên sẽ tiếp tục được thảo luận trong khuôn khổ phiên họp UBTVQH hôm nay 11-10.

Theo các báo cáo của Chính phủ trình bày tại phiên họp UBTVQH ngày 10-10, tốc độ tăng GDP năm 2008 ước đạt khoảng 6,5 – 7%. Thu ngân sách nhà nước đạt 399 tỷ đồng, tăng 26,3% so với năm trước, tuy nhiên, có tới 56% trong số tăng là do thu từ dầu thô và nhà đất. Nhập siêu tuy đã được kiềm chế và giảm dần nhưng cả năm vẫn lên tới khoảng 19 tỷ USD, bằng 29,2% kim ngạch xuất khẩu. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 14,8% năm trước xuống 13,1% năm nay, nhưng chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch và tình trạng tái nghèo gia tăng.

Mục tiêu Chính phủ đề ra cho năm 2009 vẫn là “Tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát theo hướng giảm dần, đến 2010 đưa tốc độ lạm phát xuống còn một con số, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý”. Mức tăng trưởng năm 2009 được đề xuất là 7%, chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 15%.  

ANH PHƯƠNG

(http://www.sggp.org.vn/)

Các bài viết khác