Các doanh nghiệp Đức hội thảo về đầu tư tại Việt Nam

19/04/2008

Với chủ đề "Việt Nam - Điểm xuất khẩu và đầu tư hấp dẫn cho nền kinh tế Đức", Hội thảo đã nghe thuyết trình về các cơ hội đầu tư vào Việt Nam, trong đó nhấn mạnh những thuận lợi và khó khăn, những kinh nghiệm thực tế của một số doanh nghiệp đã đầu tư có hiệu quả ở Việt Nam

Ngày 16/4, Công ty bảo hiểm tín dụng Euler Hermes (EH) và Công ty cung cấp các dịch vụ tài chính và tín dụng Pricewaterhouse Coopers (PWC) của Đức đã tổ chức Hội thảo về đầu tư và xuất khẩu tại Việt Nam. Đại diện của khoảng 70 công ty và ngân hàng lớn như Siemens, BMW, Thyssen Krupp, Daimler, Commerzbank, Hypovereinsbank... và một số doanh nghiệp của người Việt ở Đức, đã tham dự Hội thảo.

 

Ông Manfred Bruer, phụ trách bảo hiểm tín dụng xuất khẩu của PWC, nhấn mạnh việc Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đầu năm 2007 là điều kiện khung tốt đẹp cho các nhà đầu tư nước ngoài. Theo ông, với đà tăng trưởng hàng năm trung bình 8%, cùng với việc tiến hành triệt để những cải cách kinh tế, Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường hấp dẫn nhất ở khu vực châu Á. Xét theo chỉ số EM 20 của PWC (dựa trên sức hấp dẫn đầu tư nước ngoài của 20 nền kinh tế đang nổi) thì Việt Nam đứng đầu bảng, và đây là một tiền đề tốt để các nhà xuất khẩu và đầu tư Đức đến với thị trường quan trọng và đầy hứa hẹn này.

 

Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Đức Trần Đức Mậu nhấn mạnh, Việt Nam - nước có nền kinh tế phát triển năng động ở Đông Nam Á, mở cửa và hội nhập thành công vào khu vực và thế giới - luôn chào đón và tạo mọi điều kiện cho các nhà xuất khẩu và đầu tư Đức đến tìm hiểu và làm ăn ở thị trường Việt Nam. Đại sứ nêu rõ Việt Nam nỗ lực hướng tới sự tăng trưởng bền vững, phù hợp với điều kiện xã hội và thân thiện môi trường. Việt Nam cũng đang tiếp tục đẩy mạnh cải cách kinh tế, xây dựng cấu trúc nền kinh tế thị trường, khuyến khích các nhà đầu tư và đối tác thương mại nước ngoài tới Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực như công nghệ, đầu tư... Theo Đại sứ Trần Đức Mậu, Đức là một đối tác rất quan trọng của Việt Nam, có thể giúp Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế, qua đó góp phần đẩy mạnh quan hệ giữa nhân dân hai nước. Đại diện Bộ Tài chính Việt Nam cũng trình bày tham luận về tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam cũng như một số biện pháp thúc đẩy kinh tế phát triển mà Việt Nam đang thực hiện.

 

Theo đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tại Việt Nam, ông Jan Noether, hiện ngày càng có nhiều doanh nghiệp Đức quan tâm và đầu tư vào Việt Nam. Ông cho biết thời gian gần đây, Việt Nam đã xuất hiện nhiều hơn trên các phương tiện báo chí và truyền hình Đức, việc Việt Nam trở thành thành viên của WTO đã chứng tỏ sự thừa nhận về chính sách và kinh tế của thế giới đối với nước này. Ông Noether nhấn mạnh những yếu tố thuận lợi khi đầu tư vào Việt Nam như chính trị ổn định; hệ thống luật đầu tư khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài; nằm ở vị trí trung tâm của Đông Nam Á; dân số trẻ, có hoài bão và ham học hỏi... Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh một số thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt như cơ sở hạ tầng, dịch vụ và khả năng cung cấp năng lượng không theo kịp tốc độ phát triển kinh tế, chi phí hành chính (thuê văn phòng) cao, lạm phát ở mức cao, tệ quan liêu, tham nhũng...

 

Nhiều đại diện doanh nghiệp Đức cũng trình bày cơ hội và triển vọng tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp Đức và Việt Nam, các điều kiện khung cho xuất khẩu và đầu tư của Đức ở Việt Nam, các biện pháp khuyến khích và hỗ trợ kinh tế, đầu tư về cung cấp năng lượng, hạ tầng cơ sở, nước, bảo vệ môi trường, ngân hàng

(http://www.vovnews.vn)