Đưa thương hiệu Việt ra thế giới

21/04/2008

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, từ nay ngày 20/04 hàng năm được chọn làm Ngày Thương hiệu Việt Nam nhằm tôn vinh, quảng bá thương hiệu và hình ảnh Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

Sản phẩm của Công ty TNHH Minh Long-1 trong những thương hiệu tiêu biểu

(VOV)_ Một trong những sự kiện kinh tế nổi bật trong tuần qua là Lễ công bố các thương hiệu sản phẩm được lựa chọn tham gia Chương trình Thương hiệu Quốc gia. Đây là một bước tiến mới trong việc thúc đẩy doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu Việt Nam tại thị trường trong nước và trên thế giới. Tuy nhiên để Việt Nam có nhiều thương hiệu được người tiêu dùng trên thị trường thế giới biết đến thì còn rất nhiều việc phải làm.

 

Như vậy sau 5 năm chuẩn bị kỹ lưỡng, Chương trình Thương hiệu Quốc gia đã lựa chọn được 30 thương hiệu tiêu biểu hàng đầu của Việt Nam được mang thương hiệu quốc gia, các doanh nghiệp này thuộc các nhóm ngành hàng quan trọng của nền kinh tế như: thực phẩm chế biến, đồ uống, dệt may, da giày, điện, nhựa, cao su, xây dựng – bất động sản, đồ gỗ nội thất, dược phẩm, dầu khí, công nghệ thông tin, dịch vụ tài chính, vàng bạc đá quý, dịch vụ du lịch và dịch vụ tiêu dùng…

 

Các sản phẩm của 30 doanh nghiệp được lựa chọn là Thương hiệu tiêu biểu quốc gia sẽ được gắn lên thương hiệu của mình biểu trưng Thương hiệu Quốc gia. Biểu trưng này được xây dựng rất công phu bao gồm phần hình ảnh và phần chữ. Phần hình ảnh thể hiện cách điệu những cánh chim hạc, thiết kế theo phong cách hiện đại, đang tung bay về bốn hướng. Những cánh chim hạc xếp như hình bông hoa đang nở, thể hiện sự phát triển không ngừng của đất nước Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam. Hình ảnh cánh chim hạc cũng còn mang ý nghĩa thể hiện sự kế thừa lịch sử, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời thể hiện sự thống nhất trong ý chí và quyết tâm đưa hình ảnh đất nước Việt Nam, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam vươn ra khắp thế giới. Phần chữ gồm hai chữ Vietnam Value có nghĩa là Giá trị Việt Nam, đề cập 3 giá trị là Chất lượng, Đổi mới sáng tạo và Năng lực lãnh đạo- những yếu tố nền tảng, quyết định tới sự phát triển và thành công của thương hiệu Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

 

Các doanh nghiệp có thương hiệu được lựa chọn là thương hiệu tiêu biểu quốc gia sẽ được Chính phủ Việt Nam đứng ra bảo trợ, và tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu của mình ra thế giới. Đây là cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp.

 

Ông Nguyễn Phương Nam, Tổng Giám đốc Công ty Robot chuyên về dây, cáp điện và thiết bị điện – một trong 30 doanh nghiệp có thương hiệu được lựa chọn vào Chương trình Thương hiệu Quốc gia, nói: đây là giải thưởng có quy mô và chiều sâu, cũng như đã tạo cho các doanh nghiệp có những cố gắng phấn đấu làm sao để mà xứng đáng với danh hiệu mình được nhận, tạo được uy tín cho các thương hiệu sản phẩm ở Việt Nam, cạnh tranh và phát triển sản phẩm ra nước ngoài để việt nam sớm có các thương hiệu tầm cỡ thế giới.

 

Chương trình Thương hiệu Quốc gia được Chính phủ tiến hành với mục đích quảng bá hình quốc gia, thương hiệu quốc gia, thông qua thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp. Việc lựa chọn các thương hiệu tiêu biểu quốc gia chỉ là bước khởi đầu để thực hiện mục tiêu quan trọng này. Còn trọng trách thực hiện sẽ được đặt lên vai những doanh nghiệp có thương hiệu, sản phẩm, được lựa chọn là thương hiệu tiêu biểu quốc gia. Do đó các doanh nghiệp cần phải nỗ lực hết mình để xây dựng và phát triển thương hiệu để đưa thương hiệu sản phẩm Việt Nam, con người Việt Nam, đất nước Việt Nam trở nên thân quen, gần gũi và có uy tín đối với các quốc gia khác trên thế giới.

 

Ông Vũ Trường Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn gỗ Trường Thành – đơn vị đoạt giải kim cương về thương hiệu sản phẩm tại Pháp và là một trong 30 thương hiệu được lựa chọn vào Chương trình Thương hiệu Quốc gia, cho biết: Ngay cả Tập đoàn Trường Thành mặc dù cũng có những kế hoạch về thương hiệu từ nhiều năm trước nhưng mức độ về đầu tư cho công tác xây dựng và phát triển thương hiệu thì vẫn chưa tương xứng. Ngày 20/4 là Ngày thương hiệu quốc gia. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp nhìn nhận lại mình và có thể rà xét lại các chương trình xây dựng thương hiệu của chính doanh nghiệp mình và thúc đẩy mạnh lên.

 

Khi xây dựng và phát triển thương hiệu các doanh nghiệp cần phải chú trọng đến hai vấn đề cốt lõi. Thứ nhất: là nâng cao chất lượng sản phẩm và chất lượng dịch vụ, bao gồm: nâng cao chất lượng sản phẩm, có kế hoạch marketing, thiết lập kênh phân phối hiệu quả. Thứ hai là đầu tư thích đáng cho hoạt động xây dựng thương hiệu bao gồm: công tác quảng bá, xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với người tiêu dùng, gắn lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích người tiêu dùng, đưa những nét văn hoá và truyền thống đặc sắc của người Việt Nam tới người tiêu dùng. Đối với các doanh nghiệp có thương hiệu nằm trong 30 thương hiệu tiêu biểu quốc gia thì xây dựng và phát triển cần phải được chú trọng hơn. Doanh nghiệp cần dành nhiều kinh phí và nguồn nhân lực đề đầu tư, nghiên cứu và xây dựng bộ phận chuyên trách phát triển thương hiệu, tạo ra những chiến lược phát triển độc đáo, và triển khai một cách khoa học và hợp lý, đưa thương hiệu của mình chiếm lĩnh thị trường trong nước và quốc tế.

 

Để đưa thương hiệu Việt Nam sánh vai cùng với các thương hiệu hàng đầu thế giới là điều không hề đơn giản,  không thể thực hiện trong ngày một ngày hai. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để một thương hiệu quốc gia mang tầm cỡ quốc tế thì phải mất hàng chục năm và phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp với cơ quan chức năng của Nhà nước trong việc phát triển thương hiệu. Hiện nay nhắc đến Nhật Bản là chúng ta có thể nghĩ ngay tới thương hiệu của hãng xe máy Honda. Tuy nhiên để có được sự nổi tiếng như hiện nay, Hãng Honda phải mất 20 năm để trở thành thương hiệu quốc gia của Nhật Bản và phải mất hơn 30 năm nữa để trở thành thương hiệu nổi tiếng toàn cầu. Điều này cho thấy muốn có được thương hiệu mang tầm quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam phải không ngừng nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, gia tăng tiện ích nhằm nâng cao uy tín, chất lượng cho sản phẩm.

 

Ông Richard Moore, Giám đốc Điều hành Sáng tạo công ty Richard Moore – đơn vị chuyên tư vấn xây dựng và phát triển thương hiệu cho doanh nghiệp, cho biết: Các doanh nghiệp thành công trên thế giới thường phân các mảng hoạt động riêng như bán hàng, phân phối, marketing, nghiên cứu  và phát triển sản phẩm. Tương ứng như vậy thì xây dựng bản sắc nhận diện của thương hiệu cũng được coi là hoạt động độc lập và tầm quan trọng tương ứng. Như vậy hoạt động thương hiệu mới đầy đủ và nhất quán.

 

Việc lựa chọn Ngày Thương hiệu Việt Nam cũng như tổ chức Chương trình Thương hiệu Quốc gia, cho thấy sự quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc phát triển các thương hiệu Việt. Cụ thể hóa chủ trương này, Chính phủ đang có nhiều hành động cụ thể để hỗ trợ cho các doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu. Phát biểu tại Lễ Công bố các thương hiệu sản phẩm được lựa chọn tham gia Chương trình Thương hiệu Quốc gia vừa diễn ra tại Hà Nội, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, chỉ đạo: Bộ Chính trị cùng các ban ngành liên quan cần nhanh chóng triển khai những biện pháp về thông tin, đào tạo, tiếp thị, hợp tác để giúp cho 30 doanh nghiệp phát triển hơn nữa sản phẩm của mình, nâng cao chất lượng, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, chiếm được vị trí ngày càng tốt hơn trong thị trường trong nước và nước ngoài. Chính thông qua sự thành đạt của 30 thương hiệu này, chúng ta góp phần xây dựng Thương hiệu Việt Nam. Làm thế nào để Thương hiệu Việt Nam trở thành niềm tin của khách hàng trên thế giới.

 

Việc được phép gắn biểu trưng Thương hiệu Quốc gia lên thương hiệu của mình là niềm vinh dự và tự hào đối với mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên đây sẽ là thách thức lớn đặt ra đối với các doanh nghiệp, bởi vì lúc này chất lượng và uy tín thương hiệu của doanh nghiệp không chỉ còn là vấn đề riêng của doanh nghiệp mà đã là vấn đề mang tính quốc gia. Nếu các doanh nghiệp không có sự phấn đấu để thay đổi và nâng cao chất lượng sản phẩm và thương hiệu của mình thì sẽ bị loại ra khỏi danh sách này. Điều đó đồng nghĩa với việc những ưu đãi của Nhà nước dành cho doanh nghiệp trong hai năm đã lãng phí do không giúp được doanh nghiệp phát triển thương hiệu một cách hiệu quả. Quan trọng hơn là, liệu bạn bè quốc tế sẽ suy nghĩ như thế nào và hình ảnh Thương hiệu Quốc gia của Việt Nam với thế giới sẽ ra sao nếu sau hai năm một thương hiệu quốc gia lại biến thành một thương hiệu bình thường? Do đó nhiệm vụ quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là phải nỗ lực vượt qua chính mình, đưa số Thương hiệu Quốc gia Việt Nam không chỉ dừng lại ở con số 30 mà ngày càng tăng lên. Có như thế Thương hiệu Việt Nam mới có thể bắt kịp được với các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới./.

 

30 Thương hiệu Tiêu biểu Quốc gia

Công ty CP XNK Thủy sản An Giang

Công ty TNHH May Thêu Giày An Phước

Công ty Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên

Công ty CP Nhựa Bình Minh

Công ty Cổ phần Dây cáp điện Việt Nam

Công ty CP Công nghiệp Cao su Miền Nam

Công ty TNHH Máy tính CMS

Công ty CP Bóng đèn Điện Quang

Công ty CP XD và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình

Công ty CP Bánh kẹo Kinh Đô

Công ty TNHH Minh Long I

Công ty CP May Nhà Bè

Công ty CP Dược phẩm OPC

Tổng Công ty May Phong Phú

Tổng Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chế biến dầu khí

Công ty CP Nhựa Rạng Đông

Công ty Robot

Tổng Công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài gòn

Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist

Công ty CP Hợp tác Kinh tế và XNK Savimex

Công ty Vàng bạc đá quý Sài gòn

Công ty Cổ phần Địa ốc - Cáp điện Thịnh Phát

Công ty Lương thực Tiền Giang

Công ty CP Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành

Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam

Tổng Công ty May Việt Tiến

Công ty CP Vinacafe Biên Hòa

Công ty CP XNK và Xây dựng Việt Nam

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VNPT

 

Đức Trường

(http://www.vovnews.vn)