Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn khẳng định: Hoạt động giám sát của QH, các cơ quan của QH, các Đoàn ĐBQH và ĐBQH thời gian qua đã có những chuyển biến rõ nét; Giám sát tối cao được tăng cường; Đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa việc xem xét báo cáo của các cơ quan của Chính phủ với khảo sát thực tế tại địa phương. Tuy nhiên, Phó chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn cũng cho rằng: Hoạt động giám sát vẫn còn nhiều hạn chế như việc lựa chọn phương thức giám sát đôi khi còn lúng túng, thiên về nghe báo cáo hành chính, nắm bắt tình hình và nhiều khi vẫn còn tình trạng xuê xoa, không theo đuổi đến cùng việc thực hiện các kết luận giám sát...
Theo các đại biểu tham dự Hội thảo, hiệu lực, hiệu quả giám sát của QH còn hạn chế là vì nhiều quy định trong Luật Hoạt động giám sát của QH còn thiếu cụ thể hoặc chưa thật phù hợp, nhất là cơ chế tiếp thu, giải quyết các kết luận, kiến nghị sau giám sát, thực hiện việc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với các chức danh do QH bầu và phê chuẩn...
Cũng theo các đại biểu thì khi đi giám sát tại địa phương, nhiều Đoàn giám sát rất ngại kết luận vì muốn kiến nghị đó được các đối tượng chịu sự giám sát nể trọng và phải nghiêm túc thực hiện thì kết luận của Đoàn giám sát phải có sức nặng, khả thi và có tính ràng buộc về pháp lý nhưng với cách thức tổ chức như hiện nay thì việc Đoàn giám sát hiểu và thông tỏ các tình tiết của địa phương để có thể kết luận ngay là tương đối khó. Các đại biểu cũng tâm tư rằng: vì còn quá nhiều ĐBQH kiêm nhiệm, chưa có một vị thế tương đối độc lập với các cơ quan hành pháp; Ảnh hưởng của văn hóa ứng xử coi trọng tính tập thể và thiếu các điều kiện bảo đảm cơ bản nên hầu như không có ĐBQH nào có thể thực hiện được hoạt động giám sát với tư cách cá nhân mặc dù quyền lực pháp luật trao cho ĐBQH là rất lớn. Do đó, các đại biểu đề nghị, để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của QH thì cần phải nhanh chóng sửa đổi các đạo luật có liên quan; Đổi mới phương thức giám sát; Thống nhất nhận thức trong toàn hệ thống chính trị về quyền lực giám sát của QH, các cơ quan của QH, Đoàn ĐBQH và cá nhân ĐBQH; Tăng cường số lượng và chất lượng đại biểu chuyên trách; Thay đổi cách thức lựa chọn và bầu cử ĐBQH để lựa chọn được những đại biểu có đủ năng lực, trình độ và bản lĩnh. Một vấn đề quan trọng nữa là phải tạo cho ĐBQH một vị thế tương đối độc lập trong quá trình thực thi quyền lực mà pháp luật đã trao cho họ.