Xem xét tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng thương mại

08/08/2011

Những yếu kém của một số ngân hàng thời gian qua là nguyên nhân khiến sản xuất gặp khó khăn, nhiều đại biểu đề nghị cần rà soát lại toàn bộ hệ thống ngân hàng hiện nay

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ nhất, sáng 6/8, các đại biểu làm việc tại Hội trường, thảo luận, cho ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2011. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên thảo luận.

Điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô

Đại biểu Bùi Đức Thụ (đoàn Lai Châu) trong phần phát biểu của mình đã đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh 2 chỉ tiêu của kinh tế vĩ mô đó là: chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và chỉ tiêu lạm phát.

Theo đại biểu, thực tế trong 6 tháng đầu năm 2011, mặc dù kinh tế Việt Nam tăng trưởng khá, nhưng mới chỉ đạt 5,57%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2010 (6,16%). Trong bối cảnh hiện nay, khi chúng ta đang tiến hành cắt giảm đầu tư công, thắt chặt chính sách tiền tệ, giảm dư nợ tín dụng… theo Nghị quyết 11 của Chính phủ đã làm cho đầu tư công, đầu tư xã hội doanh nghiệp giảm. Trong 6 tháng, đầu tư nước ngoài chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ. Chính vì vậy, theo đại biểu Bùi Đức Thụ, mục tiêu đạt mức tăng trưởng kinh tế từ 7-7,5% theo Nghị quyết của Quốc hội là khó có thể thực hiện được.


Một số yếu kém của ngân hàng khiến nhiều ngành sản xuất gặp khó (Ảnh: MH)

Về chỉ tiêu lạm phát, trong 6 tháng đầu năm, chỉ số CPI đã tăng đến 13,29%. Theo đại biểu, nếu Chính phủ dự báo chỉ số CPI cả năm ở mức 15-17% thì sẽ phải có những giải pháp hết sức quyết liệt mới đạt được mục tiêu đó. “Nếu điều hành kinh tế xã hội chặt tay, đảm bảo mức tăng CPI bằng tháng 6 (là tháng có mức tăng CPI thấp nhất trong 7 tháng qua) thì tốc độ tăng CPI đã là 1,09%. Trong 5 tháng còn lại, mức tăng CPI sẽ là trên 5%, và như vậy, tính chung cả năm, mức tăng CPI cũng ở khoảng trên dưới 20%. Như vậy so với chỉ tiêu của Quốc hội đề ra là CPI dưới 7% là khó có thể thực hiện được”, đại biểu Bùi Đức Thụ nói.

Để phù hợp với tình hình thực tiễn, giải toả trách nhiệm cho Chính phủ và nâng cao hiệu lực Nghị quyết của Quốc hội, đại biểu Bùi Đức Thụ đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh chỉ tiêu lạm phát này.

Xem xét tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) đề nghị Chính phủ cần rà soát lại hệ thống ngân hàng, giải thể những ngân hàng quá yếu kém. Theo đại biểu, đây chính là tác nhân của cuộc chạy đua lãi suất, gây bất ổn và rủi ra cho toàn hệ thống. Hiện nay, số lượng các ngân hàng thương mại của chúng ta quá nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới. Đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị chỉ nên để lại 1-2 ngân hàng là đủ. Những ngân hàng yếu kém nên có giải pháp giải thể hoặc sáp nhập để lập lại sự ổn định cho hệ thống, đảm bảo kịp thời nguồn vốn cho doanh nghiệp.

Cùng chung quan điểm này, đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn TP HCM) cho rằng, cần có những biện pháp mạnh đối với các ngân hàng thương mại. Phải giảm một cách quyết liệt chứ không phải chỉ giảm 1% từ nay đến cuối năm. Theo đại biểu, việc các ngân hàng đua nhau huy động lãi suất, tạo ra sự khan hiếm tiền mặt, cho vay lãi suất cao, kìm hãm phát triển sản xuất cần phải có biện pháp xử lý nghiêm.

“Trong Bộ Luật hình sự có quy định, tạo ra khan hiếm, đầu cơ tiền tệ và cho vay lãi nặng là những dấu hiệu của hành vi nguy hiểm cần phải xử lý”, đại biểu Đỗ Văn Đương nói.

Đánh giá, tổng kết công tác điều hành chính sách tiền tệ, tài khoá

Cho rằng việc lạm phát và giá cả tăng cao trong những năm qua có nguyên nhân là chúng ta vẫn còn lúng túng, chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc điều hành chính sách tài khoá và tìền tệ, đại biểu Đồng Hữu Mạo (đoàn Thừa Thiên Huế) đề nghị cần có những tổng kết, đánh giá lại công tác điều hành chính sách tài khoá, tiền tệ.

Theo đại biểu, qua hơn 20 năm đổi mới, tức là mới hơn 20 năm chúng ta điều hành theo nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là thời gian chưa nhiều để tích luỹ kinh nghiệm, nên những sai sót là không thể tránh khỏi.

Từ thực tế đó, đại biểu đề nghị cần phải tổng kết, đánh giá, phân tích rõ những ưu điểm, nhược điểm trong việc điều hành các chính sách thời gian qua, để rút kinh nghiệm cho thời gian tới. Theo đại biểu, kinh nghiệm trong việc điều hành chính sách tài khoá, tiền tệ là rất quan trọng, nếu thiếu kinh nghiệm thì nền kinh tế sẽ phải trả giá, lạm phát cao, đình đốn sản xuất, suy giảm kinh tế…

Đề cao việc cần có những phân tích, đánh giá để rút ra những kinh nghiệm trong việc điều hành chính sách tài khoá, tiền tệ, đại biểu Đồng Hữu Mạo đề nghị tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XIII diễn ra vào cuối năm, Chính phủ nên có báo cáo chuyên đề về vấn đề này. “Nếu có một báo cáo chuyên sâu như vậy sẽ tốt hơn cho Quốc hội và cho Chính phủ trong việc quyết định điều hành chính sách”, đại biểu Đồng Hữu Mạo nhấn mạnh.

Chiều nay (6/8), Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường tiến hành biểu quyết thông qua: Nghị quyết về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012; Nghị quyết về việc triển khai chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Nghị quyết về việc ban hành bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2011. Tiếp đó, Quốc hội sẽ tiến hành phiên bế mạc, kết thúc Kỳ họp thứ nhất./.

 

Mạnh Hùng

(http://vov.vn)

Các bài viết khác