Khai mạc phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ QH

18/07/2009

Sáng 16-7, tại Hà Nội, phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã khai mạc.

Phát biểu ý kiến khai mạc, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ QH sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm kỳ họp thứ năm và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ sáu, QH khóa XII; cho ý kiến về một số vấn đề lớn của Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (KBCB); Luật Người cao tuổi (NCT) và Luật Dân quân tự vệ; cho ý kiến về phương án sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ bổ sung năm 2009; việc điều chỉnh chính sách thu ngân sách đối với số lợi nhuận bất thường có được của nhà thầu dầu khí do giá dầu thô biến động tăng; Ðề án Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2015 và tầm nhìn 2020. Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ QH sẽ cho ý kiến về Tờ trình của Tòa án Nhân dân tối cao (NDTC) về việc thay đổi thành viên Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán Tòa án NDTC, Thẩm phán Tòa án Quân sự T.Ư; Tờ trình của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao (KSNDTC) về việc thay đổi thành viên Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện KSNDTC, Kiểm sát viên Viện Kiểm sát Quân sự T.Ư.

Buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về một số vấn đề lớn của Dự án Luật KBCB và Luật NCT. Chung quanh tên gọi của Dự án Luật KBCB vẫn còn có những ý kiến khác nhau. Ðại biểu Trần Ðình Ðàn, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và đại biểu Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH tán thành với quan điểm tên gọi của dự án Luật là Luật KBCB. Ðại biểu Lê Thị Thu Ba, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH; Trần Thế Vượng, Trưởng ban Dân nguyện lại đề nghị tên của dự án Luật là hành nghề y (HNY) vì lấy tên này sát hợp hơn, tạo hành lang pháp lý không chỉ giải quyết một số vướng mắc hiện nay trong hoạt động KBCB, vấn đề chưa có văn bản luật nào quy định đầy đủ mà còn tập trung điều chỉnh một nội dung quan trọng đó là việc hành nghề của cán bộ y tế trong mối quan hệ với người bệnh, cơ sở khám, chữa bệnh (KCB), nhà nước và xã hội. Ðối tượng điều chỉnh được mở rộng với cả cán bộ làm công tác y tế dự phòng, trang thiết bị y tế và KCB trong khi Luật KBCB chỉ có thể điều chỉnh đối với cán bộ y tế làm công tác KCB. Về cấp chứng chỉ hành nghề cho cán bộ y tế và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở KCB, đa số ý kiến các đại biểu tán thành cấp chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động một lần; còn định kỳ năm năm cấp lại là không cần thiết, gây tốn kém, lãng phí nhưng phải tăng cường thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước sau khi cấp chứng chỉ hành nghề và giấy phép. Về thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề, một số ý kiến tán thành với Ủy ban Về Các vấn đề xã hội cho rằng, Bộ trưởng Y tế cấp cho cán bộ y tế ở cơ sở y tế do Bộ Y tế quản lý và cá nhân người nước ngoài hành nghề khám chữa bệnh tại Việt Nam; cấp giấy phép cho bệnh viện thuộc Bộ và bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài. Tương tự, Giám đốc Sở Y tế cấp cho cán bộ y tế thuộc phạm vi quản lý của Sở Y tế; cấp giấy phép hoạt động cho các cơ quan y tế trên địa bàn quản lý. Ða số ý kiến của các đại biểu cũng đồng tình với quy định theo hướng cho phép cán bộ, công chức, viên chức làm thêm ngoài giờ để tận dụng chất xám phục vụ nhân dân, nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức ngành y; đồng thời giảm tải tại các bệnh viện công. Tuy nhiên dự án Luật cũng cần quy định làm rõ nội dung y đức của y sĩ, bác sĩ, một vấn đề đáng quan tâm hiện nay.

Theo ý kiến của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Ðức Kiên, xã hội và nhân dân đang quan tâm các vấn đề trong lĩnh vực y tế như hệ thống tổ chức y tế KCB thế nào, điều kiện cơ sở vật chất để phục vụ tốt hơn cho dân, quyền và trách nhiệm của người và cơ sở KCB, trách nhiệm và quyền của người được KCB; chế độ chính sách của người khám bệnh và cơ sở khám bệnh. Phải xem dự án Luật này đề cập đến vấn đề nào trong những nội dung kể trên, từ đó mới xác định tên Luật cho phù hợp.

Cũng trong sáng 16-7, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến vào dự án Luật Người cao tuổi. Ða số ý kiến của các đại biểu tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự án luật là chỉ quy định về NCT là công dân Việt Nam mà không quy định đối với NCT là người nước ngoài, vì quy định này phù hợp với thực tiễn thi hành chính sách, pháp luật về NCT ở nước ta, khả năng đáp ứng của ngân sách Nhà nước và các điều kiện khác nhằm bảo đảm tính khả thi của Luật. Ðại biểu Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH tán thành với quy định thống nhất độ tuổi xác định NCT là 60, tuy nhiên cần cân nhắc việc hỗ trợ giảm giá dịch vụ cho NCT. Một số đại biểu khác cũng cho rằng, việc giảm giá dịch vụ đối với NCT chỉ nên quy định đối với những dịch vụ có sử dụng ngân sách Nhà nước và Nhà nước cần tính toán hỗ trợ để bảo đảm quyền lợi của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ. Ủy ban Về Các vấn đề xã hội của QH cho rằng, nên hỗ trợ giảm giá một số dịch vụ cho NCT, nhưng để phù hợp với điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Luật chỉ nên quy định mang tính nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết cho các đối tượng NCT, lĩnh vực hỗ trợ, mức độ hỗ trợ giảm giá...

Buổi chiều, dưới sự điều khiển của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, Ủy ban Thường vụ QH tiếp tục làm việc về nội dung: Ðánh giá, rút kinh nghiệm kỳ họp thứ năm và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XII.

Chủ nhiệm Văn phòng QH Trần Ðình Ðàn đọc dự thảo Báo cáo nêu rõ: Kỳ họp thứ năm, QH khóa XII đã thành công tốt đẹp; cách thức tiến hành kỳ họp có cải tiến, đổi mới. Các vấn đề cấp thiết, nóng bỏng trong đời sống xã hội được đưa vào chương trình nghị sự để QH xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Chương trình được sắp xếp hợp lý, cơ bản khắc phục được những nhược điểm tại các kỳ họp trước. Công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo QH, Ủy ban Thường vụ QH tập trung, thống nhất, chặt chẽ, linh hoạt, quy tụ được tinh thần trách nhiệm của các cơ quan của QH, các đoàn đại biểu QH và các vị đại biểu QH, hướng đại biểu tập trung vào những vấn đề bức xúc nổi lên trong cuộc sống để phân tích, đề xuất biện pháp tháo gỡ. Kỳ họp đã góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong điều hành kinh tế đất nước, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, mở rộng quan hệ đối ngoại, thực hiện cam kết quốc tế; đáp ứng lòng mong đợi của cử tri và nhân dân, trong đó có kiều bào Việt Nam ở nước ngoài. QH tiếp tục có những cải tiến cách thức tiến hành kỳ họp, phát huy trí tuệ tập thể và từng đại biểu QH, công tác điều hành kỳ họp luôn có sự đổi mới, tiến bộ, bảo đảm đúng nội dung kỳ họp QH, được cử tri và đại biểu đánh giá cao; công tác tập hợp, tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu QH có nhiều cố gắng, phản ánh đầy đủ, kịp thời ý kiến của đại biểu QH. Hoạt động của QH ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả hơn. Cử tri đánh giá cao những kết quả của kỳ họp này, bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng, công tác điều hành của Chính phủ, hoạt động của QH. Dự thảo báo cáo cũng nêu những vấn đề cần quan tâm, rút kinh nghiệm từ thực tế chuẩn bị, tiến hành kỳ họp thứ năm, QH khóa XII.

Chủ nhiệm Văn phòng QH Trần Ðình Ðàn cũng nêu rõ nội dung Tờ trình về việc chuẩn bị kỳ họp thứ sáu, QH khóa XII, trong đó dự kiến trình QH thông qua tám dự án Luật, cho ý kiến 12 dự án Luật; xem xét các vấn đề kinh tế, xã hội, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Ý kiến của các đại biểu đều đồng tình với nội dung mà báo cáo đánh giá kết quả kỳ họp thứ năm, QH khóa XII và Tờ trình về việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ sáu, QH khóa XII đã nêu. Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, việc xem xét, đánh giá kết quả các kỳ họp của QH để rút kinh nghiệm là rất cần thiết. Dự thảo báo cáo đánh giá kết quả kỳ họp thứ năm đã có những đổi mới, cần tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu để bổ sung, hoàn chỉnh, cần nhấn mạnh tác dụng của kỳ họp đã tạo ra hiệu ứng tích cực trong xã hội, kỳ họp đã bàn thảo những vấn đề cấp thiết, sát thực với đời sống, bám sát tâm tư nguyện vọng của nhân dân...

(http://www.nhandan.com.vn/)

Các bài viết khác