Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi)

14/08/2017

Sáng 14/8, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 13, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung thảo luận.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chủ trì nội dung làm việc                                 Ảnh: Đình Nam

Trình bày báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật  Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã xem xét, cho ý kiến về Dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng sửa đổi. Sau kỳ họp, trên cơ sở ý kiến phát biểu của các vị Đại biểu Quốc hội thảo luận ở Tổ và tại Hội trường về Dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn- Cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật, đại diện Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các cơ quan, đơn vị hữu quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý Dự thảo Luật.

Dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) gồm 12 chương, 108 điều, quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng; chế biến và thương mại lâm sản.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tập trung thảo luận vào các nội dung còn có ý kiến khác nhau liên quan đến tên gọi của Dự án Luật; phân loại rừng; chủ rừng; giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng và thu hồi rừng; chế biến, thương mại lâm sản; quản lý nhà nước về lâm nghiệp; trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội trong công tác bảo vệ, chăm sóc và phát triển rừng…

Về tên gọi của Luật, có 2 loại ý kiến, loại ý kiến thứ nhất: Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội và hầu hết ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học đề nghị nên lấy tên Luật là Luật Lâm nghiệp, vì tên gọi này phù hợp với phạm vi điều chỉnh và nội dung của Dự thảo Luật, khẳng định lâm nghiệp là ngành kinh tế - kỹ thuật, gồm một chuỗi các hoạt động từ bảo vệ rừng, phát triển, sử dụng rừng đến chế biến, thương mại lâm sản; tạo cơ sở pháp lý để đẩy mạnh việc chế biến, thương mại lâm sản, khai thác dịch vụ môi trường rừng. Loại ý kiến thứ hai: Đề nghị giữ tên Luật là Luật Bảo vệ và phát triển rừng vì tên gọi này đã được sử dụng quen thuộc nhiều năm qua, nhấn mạnh được mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng là chủ yếu.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng giải trình: với phạm vi điều chỉnh và nội dung của Luật như Dự thảo thì tên Luật là “Luật lâm nghiệp” là hợp lý, vừa ngắn gọn, vừa bao quát đầy đủ các nội dung của Luật; thể hiện rõ mục tiêu và quan điểm sửa đổi Luật Bảo vệ và phát triển rừng là đổi mới quản lý hoạt động lâm nghiệp theo chuỗi giá trị như Nghị quyết số 26- NQ/TW, ngày 05/8/2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X. Hơn nữa, tên gọi Luật Lâm nghiệp cũng tạo sự đồng bộ, gắn kết với các văn bản quy định về định hướng Chiến lược phát triển lâm nghiệp, Quy hoạch phát triển lâm nghiệp và tên gọi hệ thống tổ chức cơ quan quản lý về lâm nghiệp hiện hành.

Nhất trí với việc thay đổi tên gọi dự án Luật thành Luật Lâm nghiệp, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng, nếu nhìn ở góc độ các chủ rừng, Luật Bảo vệ và phát triển rừng hiện hành chủ yếu tập trung vào bảo vệ và phát triển. Nhưng theo dự thảo luật này, quyền lợi các chủ rừng được mở rộng ra, gần như gắn với cả chuỗi giá trị của lâm nghiệp, từ tham gia vào vấn đề bảo vệ, phát triển, hưởng dịch vụ môi trường rừng, chế biến, tham gia vào giá trị của rừng. Do đó, việc đổi tên thành Luật Lâm nghiệp là phù hợp.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh băn khoăn, khi đổi tên gọi của Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo đã có những đánh giá toàn diện về tác động của Luật hay chưa? Việc đổi tên có thực sự là không ảnh hưởng tới phạm vi điều chỉnh của Luật như dự thảo đã xây dựng hay không? Bởi Luật Bảo vệ và phát triển rừng mang tính mục tiêu rất rõ, thể hiện ngay ở tên luật, và đối tượng điều chỉnh ở đây chính là người dân. Vậy liệu người dân có nhìn nhận việc đổi tên gọi là một sự xa rời mục tiêu đã đặt ra khi xây dựng Luật Bảo vệ và phát triển rừng hay không?

Về chủ rừng (Điều 8), Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung "nhóm hộ gia đình", "người Việt Nam định cư ở nước ngoài" là chủ rừng. Về vấn đề này, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, việc quy định các loại chủ rừng (Điều 8) liên quan đến quyền và trách nhiệm của chủ rừng được quy định tại Chương VIII của Dự thảo Luật. Trong hệ thống pháp luật hiện hành thì trách nhiệm pháp lý của nhóm hộ gia đình còn chưa được quy định rõ ràng; pháp luật về dân sự, hình sự cũng không quy định điều chỉnh đối tượng này, pháp luật về đất đai cũng không quy định giao, cho thuê đất đối với nhóm hộ gia đình. Do vậy, đề nghị không bổ sung đối tượng “nhóm hộ gia đình” này là chủ rừng để bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Còn đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, mặc dù Luật Bảo vệ và phát triển rừng hiện hành quy định là một loại chủ rừng (khoản 6 Điều 5), Luật Đất đai quy định đối tượng này được Nhà nước giao, cho thuê đất ( khoản 3 Điều 55, điểm d khoản 1 Điều 56…). Tuy nhiên, do quỹ rừng của nước ta còn rất ít (khoảng 2,7 triệu ha), trong khi nhu cầu được giao đất, cho thuê đất của người dân địa phương là lớn nên cần ưu tiên giao cho người dân tại chỗ để phát triển sản xuất, bảo đảm việc làm, ổn định đời sống người dân nơi có rừng. Trong trường hợp cá nhân người Việt Nam định định cư ở nước ngoài có nhu cầu đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp thì vẫn có thể hợp tác, liên kết với các chủ rừng khác hoặc thành lập pháp nhân để đầu tư phát triển rừng. Do đó, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Ban soạn thảo đề nghị không bổ sung quy định đối tượng này là chủ rừng trong Dự thảo Luật.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhất trí việc không nên quy định nhóm hộ gia đình là chủ rừng như quy định tại Điều 8. Đối với ý kiến đề nghị quy định thêm người Việt Nam định cư ở nước ngoài là chủ rừng, Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại khoản 6 Điều 5 của Luật Đất đai quy định người Việt Nam ở nước ngoài là một trong những người, một trong các chủ thể có quyền sử dụng đất, được thuê đất và thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp tức là người Việt Nam định cư ở nước ngoài được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng, cho thuê đất rừng sản xuất là rừng trồng cũng như để thực hiện dự án đầu tư trồng rừng, kết hợp với kinh doanh làm cảnh quan du lịch sinh thái, môi trường dưới tán rừng... Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc về quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài là chủ rừng cho phù hợp với Luật Đất đai.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra rà soát lại sự thống nhất của luật này với các luật khác như Luật Đất đai, Luật Đa dạng sinh học, Luật Quy hoạch. Đồng thời, cần đảm bảo cụ thể hơn nữa, không nên để 27 điều khoản giao cho Chính phủ quy định, nên thu gọn tối đa để quy định rõ trong Luật.

Về tên gọi, còn nhiều ý kiến băn khoăn cho rằng việc sửa tên gọi này có tác động như thế nào với các luật khác có dẫn chiếu đến luật này. Nếu phạm vi điều chỉnh rộng hơn so với luật cũ thì đổi tên thành Luật Lâm nghiệp là phù hợp. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần phải giải trình thêm.

Về phân loại rừng, Ủy ban thường vụ Quốc hội thống nhất giữ nguyên 3 loại rừng, quy định như vậy là phù hợp với Luật Hình sự.

Về chủ rừng, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc thêm về chủ rừng là người Việt Nam định cư ở nước ngoài có được tham gia không? Trong quy định của Luật Đất đai cho phép, nhưng luật này lại nói vì quỹ rừng còn ít nên ưu tiên giao cho người dân tại chỗ. Quy định như vậy có hợp lý hay không?

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của Ủy ban thường vụ, sớm hoàn chỉnh dự án luật cũng như sơ bộ hướng tiếp thu giải trình, gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, sau đó trình ra Thường vụ Quốc hội một lần nữa trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Các bài viết khác