Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường xem xét báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ, ngân sách bảo vệ môi trường của các bộ ngành

03/10/2017

Tiếp tục chương trình phiên họp toàn thể lần thứ sáu, chiều 03/10, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã nghe trình bày báo cáo và xem xét tình hình thực hiện nhiệm vụ, ngân sách bảo vệ môi trường năm 2017, phương hướng, nhiệm vụ ngân sách bảo vệ môi trường năm 2018 của các bộ, ngành. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng chủ trì phiên họp.

Tham dự còn có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan cùng các đại biểu Quốc hội thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân báo cáo tại phiên họp

Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ, ngân sách bảo vệ môi trường tại các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, trong năm 2017 các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được phâm công đã tập trung thực hiện nhiệm vụ xây dựng, ban hành và trình cấp có thẩm quyền kí ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý nhà nước về môi trường, xây dựng các chiến lươc, quy hoạch, kế hoạch bảo vệ môi trường và các quy định, hướng dẫn bảo vệ môi trường của ngành. Duy trì, đảm bảo hoạt động thường xuyên của hệ thống quan trắc môi trường quốc gia; quản lý, theo dõi, đánh giá tình hình và hỗ trợ các địa phương thực hiện các dự án xử lý ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và các dự án xử lý điểm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật và một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường. Tổ chức kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở thuộc Bộ, ngành; kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ sử dụng ngân sách sự nghiệp môi trường của các đơn vị trực thuộc…

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết thêm, hiện nay nhiều vấn đề môi trường chưa được giải quyết trong khi áp lực từ các hoạt động đầu tư phát triển lên môi trường gia tăng, bên cạnh các tác động môi trường phát sinh từ các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án có quy mô lớn, những hạng mục công trình, công nghệ phức tạp đầu tư vào các vùng nhạy cảm về môi trường chưa thể lường hết, còn tồn tại nhiều loại hình sản xuất, công nghệ cũ, lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường tác động xấu nhiều mặt lên môi trường, phát thải hóa chất, các chất độc hại khó phân hủy ra môi trường với chi phí xử lý cao.

Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường có đề xuất về cơ chế, chính sách cần thể hiện trong Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018. Trong đó có nội dung đề nghị tăng cường và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường, nhất là đầu tư xử lý chất thải; xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường các khu vực đã bị ô nhiễm, suy thoái. Tăng cường vai trò điều phối, phân bố nguồn lực đầu tư, chi ngân sách cho hoạt động bảo vệ môi trường của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, có cơ chế thu hút khối tư nhân đầu tư xử lý chất thải và được thu bù chi phí đầu tư trên nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, “người hưởng lợi từ môi trường phải chi trả”

Tại phiên họp, các đại biểu tán thành với nhiều nội dung báo cáo đồng thời đánh giá cao những nỗ lực thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường của các Bộ, ngành, cơ quan. Phân bổ ngân sách bảo vệ môi trường cũng được thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ được giao của các đơn vị. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng cần làm rõ thực tế chi sự nghiệp bảo vệ môi trường đạt bảo nhiêu phần trăm trên 1% tổng chi ngân sách nhà nước; xem xét, đánh giá trên tình hình thực tế việc phân bổ ngân sách đã thực sự hợp lý chưa; cần có đánh giá hiệu quả tình hình hoạt động của Quỹ bảo vệ môi trường… Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường kiên quyết cắt giảm một số đầu mối không thực sự cần thiết để tập trung kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường đầu tư bảo đảm cho các Bộ triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường cấp bách do Chính phủ giao.

Phó Chủ nhiệm UB KHCNMT Phùng Đức Tiến nêu kiến nghị đối với Chính phủ, các Bộ, ngành trong thực hiện nhiệm vụ, ngân sách bảo vệ môi trường

Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ, các Bộ ngành khẩn trương khắc phục các tồn tại hạn chế tình trạng ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí ở nhiều khu vực đô thị, khu công nghiệp làng nghề đang có diễn biến phức tạp có chiều hướng gia tăng; tình trạng bùng phát các điểm nóng gây ô nhiễm môi trường ở nhiều địa phương; vấn đề xử lý chất thải rắn, chất thải sinh hoạt ở các đô thị lớn tiềm ẩn nguy cơ sự cố môi trường; vấn đề xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phùng Đức Tiến cho biết trên cơ sở xem xét báo cáo của các Bộ và ý kiến của các thành viên, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường kiến nghị Chính phủ chỉ đạo đánh giá, rà soát, trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường bảo đảm thống nhất đồng bộ, phù hợp với cam kết quốc tế trong đó chú trọng xây dựng các tiêu chí sàng lọc, tiếp nhận các dự án đầu tư, tiêu chí ưu tiên bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư công nghệ sạch, thân thiện với môi trường. Đề nghị xem xét tăng cường vốn đầu tư phát triển cho bảo vệ môi trường trong tổng chi ngân sách nhất là đầu tư xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường các khu vực ô nhiễm, suy thoái…

Đối với các bộ ngành và các địa phương, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đề nghị khẩn trưởng tổ chức lập quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia; đánh giá kết quả huy động nguồn lực đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường giai đoạn 2011- 2017, rà soát các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia nhằm thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường đồng thời bảo đảm hoạt động phát triển kinh tế xã hội, thường xuyên rà soát, khoanh vùng các đối tượng gây ô nhiễm môi trường và các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động xả thải ra môi trường tại các khu công nghiệp phòng ngừa sự cố môi trường; tăng cường thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền và xử lý dứt điểm các vi phạm; thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra đánh giá tình hình hiệu quả sử dụng kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường.

Chủ nhiệm Ủy ban KHCNMT Phan Xuân Dũng kết luận nội dung phiên họp

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nêu rõ trên cơ sở những nội dung báo cáo, trao đổi thảo luận và những đề xuất kiến nghị đã nêu, đề nghị các Bộ, ngành nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của đại biểu, tiếp tục hoàn thiện các báo cáo của đơn vị mình, cùng với Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường hoàn thiện báo cáo thẩm tra đề gửi đến các đại biểu Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV sắp tới.

Tin và ảnh: Bảo Yến