Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài

03/11/2017

Sáng 3/11, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.

Tại hội trường đa số ý kiến đại biểu bày tỏ tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung luật và cho rằng các nội dung Chính phủ đề xuất sửa đổi dù không nhiều nhưng đều là những vấn đề quan trọng nhằm góp phần củng cố, nâng cao nguồn lực về con người, cơ sở vật chất, chế độ, chính sách để tạo điều kiện cho cơ quan đại diện của nước ta ở các nước thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian sắp tới. Đặc biệt, địa vị của người đứng đầu cơ quan đại diện là đại sứ đặc mệnh toàn quyền, người đại diện cao nhất của Nhà nước Việt Nam tại quốc gia tiếp nhận được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn, Chủ tịch nước bổ nhiệm tiếp tục được đề cao hơn nữa.

Quy định chặt chẽ về các thành viên của cơ quan đại diện

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên- tỉnh Sóc Trăng phát biểu tại phiên thảo luận Hội trường            Ảnh: Đình Nam

Về tiêu chuẩn của đại sứ, đại biểu Quốc hội Lê Thị Nguyệt- tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị tiếp tục nghiên cứu để làm rõ thêm các tiêu chuẩn đối với các thành viên ở cơ quan đại diện của nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài theo hướng đảm bảo chất lượng, chọn cán bộ có năng lực ngoại giao trong ngành ngoại giao hoặc từ các bộ ngành để làm việc tại cơ quan đại diện. Đại biểu Quốc hội Trần Văn Mão- tỉnh Nghệ An cho rằng, cần phải quy định bổ sung rõ ràng, bảo đảm về tiêu chuẩn về sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Quy định cụ thể hơn về trình độ chính trị, ngoại ngữ phù hợp với địa bàn được cử đến công tác, tránh tùy tiện, bởi vì trong thực tiễn có những người có trình độ mới chỉ trung cấp chính trị và đang học cao cấp cũng được xem xét đề cử ra đại diện ở nước ngoài. Theo đại biểu, đối với những người được cử ra cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài ít nhất phải giữ chức vụ vụ trưởng hoặc cấp đương tương vụ trưởng trở lên thì mới bảo đảm được đại diện cho vị thế của Việt Nam. 

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng- tỉnh Vĩnh Long cho biết thực tiễn các nước thành phần cũng như người được chọn làm đại sứ rất đa dạng vì vậy nếu chúng ta quy định quá cứng, quá chi tiết các tiêu chuẩn sẽ làm thu hẹp đối tượng được xem xét dẫn tới không có nhiều lựa chọn được người xứng đáng nhất.

Tranh luận về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên- tỉnh Sóc Trăng cho rằng, việc này cần có sự linh động và có quy định đặc thù đối với ngành Ngoại giao, không nên cứ quy định phải là vụ trưởng mới làm được đại sứ. Đại biểu dẫn chứng, nếu cứ đại sứ phải là vụ trưởng thì với 87 cơ quan đại diện Bộ Ngoại giao có đủ 87 vụ trưởng để bổ nhiệm, cộng thêm mấy chục vụ trưởng đang ở cơ quan Bộ nữa. Như vậy, Bộ Ngoại giao có hơn 100 Vụ trưởng. Trong bối cảnh Quốc hội vừa mới thảo luận về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nếu bổ nhiệm vụ trưởng như vậy thì không hiểu cải cách ở đâu.

Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Đôn Tuấn Phong- tỉnh An Giang nêu rõ nếu quy định cứng vụ trưởng trở lên là không phù hợp với thực tế. Hiện tại, ở một số nước lớn chúng ta có đại sứ ở cấp hàm là Thứ trưởng, một số nước là vụ trưởng, nhưng một số nước ở cấp vụ phó do yêu cầu về mặt chính trị chỉ ở mức độ như vậy và cũng phải tính toán đối đẳng tức các nước cử đến chúng ta ở cấp nào thì chúng ta giữ ở mức đó. Vì vậy, quy định ở mức vụ phó trở lên đối với Trưởng cơ quan đại diện ngoại giao là phù hợp.

Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh giải trình thêm về các nội dung thảo luận đại biểu Quốc hội quan tâm

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh giải trình thêm, với mong muốn nước ta có một đội ngũ đại sứ ở nước ngoài có tầm, có đủ năng lực đại diện cho đất nước Ban soạn thảo đã bổ sung vào dự thảo luật lần này các tiêu chuẩn của đại sứ phù hợp với quy định của Đảng, Nhà nước. Phó Thủ tướng cho biết, quy trình đề cử đại sứ của chúng ta là một quy trình hết sức chặt chẽ, rất công phu và qua nhiều cấp. Từ trước đến nay, các đại sứ của chúng ta không phải chỉ trong lĩnh vực của Bộ Ngoại giao mà đại sứ được lựa chọn trên tiêu chuẩn và lựa chọn từ các bộ ngành nếu đáp ứng tiêu chuẩn. Các tiêu chuẩn được quy định và cụ thể hóa chặt chẽ trong Luật Cơ quan đại diện và bổ sung tại Luật Cơ quan đại diện lần này.

Ngoài tiêu chuẩn đại sứ, các thành viên khác cũng được quy định cụ thể trong quyết định của Bộ Ngoại giao về từng thành viên. Luật cũng có quy định về chức năng, nhiệm vụ của thành viên trong cơ quan đại diện trên từng lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch,... Quy định chức năng từng thành viên ở các cơ quan trên cơ sở đề án được Thủ tướng Chính phủ thông qua, quy định cụ thể từng cơ quan có những thành viên với chức năng để phù hợp với từng nước và địa bàn, từng mô hình của sứ quán hoặc tổng lãnh sự. Như vậy, các quy định là hết sức chặt chẽ đối với từng thành viên của các cơ quan đại diện.

Cân nhắc về cấp và quản lý kinh phí thường xuyên cho cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài

Bày tỏ thống nhất với quy định của dự thảo luật về kinh phí hoạt động thường xuyên của cơ quan đại diện, trừ kinh phí dành cho lĩnh vực quốc phòng, an ninh và thương mại theo quy định của Chính phủ để tạo sự chủ động và phù hợp với hoạt động đặc thù của lĩnh vực quốc phòng, an ninh thương mại tại nước ngoài, đại biểu Quốc hội Trần Văn Mão- tỉnh Nghệ An đề nghị bổ sung quy định cụ thể giao trách nhiệm cho bộ quản lý trong việc phân bổ kinh phí hoạt động thường xuyên dành cho các lĩnh vực đặc thù nêu trên tại nước ngoài. Đồng thời báo cáo với Bộ Ngoại giao để theo dõi chung.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hiển- tỉnh Lâm Đồng lại cho rằng việc cấp kinh phí trong lĩnh vực thương mại cũng như các lĩnh vực khác, trừ lĩnh vực quốc phòng và an ninh, nên quản lý thống nhất mới tạo được sự phân bổ, sử dụng tiết kiệm hiệu quả nền ngân sách nhà nước. Đại biểu Nguyễn Văn Hiển nêu rõ qua xem xét báo cáo tổng kết 7 năm thi hành Luật Cơ quan đại diện ngoại giao và báo cáo đánh giá tác động của dự thảo và ý kiến của các bộ, ngành hữu quan, đặc biệt ý kiến của Bộ Nội vụ và ý kiến của Bộ Tài chính, cho thấy các báo cáo đều chỉ ra hạn chế, bất cập hiện nay là do cách quản lý của một số cơ quan đại diện ngoại giao dẫn đến một số trường hợp thì bộ phận thương vụ không tham gia được vào hoạt động lập dự toán nên không chủ động đề xuất được các nội dung, nhiệm vụ chuyên môn; hoặc là người đứng đầu chưa tạo điều kiện thuận lợi, linh hoạt, chủ động cho bộ phận thương vụ. Những vấn đề trên nó ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của thương vụ, nhất là những địa bàn có kim ngạch thượng mại lớn.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển- tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại Hội trường

Theo đại biểu Nguyễn Văn Hiển, những hạn chế này không xuất phát từ thể chế, mà nguyên nhân trực tiếp là năng lực quản trị, năng lực điều hành trên thực tế. Nguyên nhân chính chính là sự yếu kém trong tổ chức thi hành luật. Trong trường hợp này, luật không có vướng mắc và không cần thiết sửa đổi luật, mà Chính phủ và các bộ, ngành có thể ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết, các văn bản điều hành để khắc phục hạn chế nêu trên. Hơn nữa, nếu theo phương án sửa luật như dự thảo thì bộ phận nguồn lực sẽ bị phân tán và hiệu quả không cao, tạo tiền lệ cho lĩnh vực khác và cũng xin cơ chế đặc thù, phá vỡ nguyên tắc cơ bản trong quản lý tài chính ngân sách. Mặt khác, nguy cơ phình bộ máy do bổ sung nguồn nhân sự cho các vị trí kế toán, thủ quỹ sẽ làm đội thêm chi phí không nhỏ cho bộ máy và nhân sự. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hưng- TP. Hà Nội cũng có cùng đề nghị không nên tách phần chi thường xuyên ra cho các cơ quan khác, tránh trường hợp tăng thêm biên chế, tăng thêm kinh phí và phải giảm đầu mối

Bên cạnh đó, tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận và quan tâm đến nội dung kéo dài tuổi đại sứ và thời gian công tác của các vị đại sứ tại địa bàn đang công tác; chế độ dành cho thành viên cơ quan đại diện, vợ hoặc chồng, con chưa thành niên đi theo thành viên cơ quan đại diện, trong đó quan tâm đến việc góp một phần học phí cho các cháu và đóng một phần bảo hiểm cho các cháu tại nước sở tại; về công tác phối hợp, công tác giữa đoàn được cử đi công tác ở nước ngoài với cơ quan đại diện của nước ta ở nước ngoài. Cũng có đại biểu Quốc hội còn góp ý về kỹ thuật lập pháp, câu chữ của dự thảo luật, một số văn bản hướng dẫn thi hành luật, về thông tin đối ngoại, về công tác người Việt Nam ở nước ngoài, về kinh phí của cơ quan đại diện, về yêu cầu đặc thù của ngành ngoại giao. 

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, những nội dung đại biểu Quốc hội phát biểu ngày hôm nay sẽ được cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ để nghiêm túc tiếp thu chỉnh lý dự thảo luật để Ủy ban Thường vụ Quốc hội có báo cáo tiếp thu, giải trình dự thảo luật và trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này.

Bảo Yến

Các bài viết khác