Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4

18/11/2017

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, chiều 18/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu làm rõ thêm và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ. Các giải pháp nhằm phát triển ổn định nền kinh tế là một trong những nội dung được đại biểu Quốc hội quan tâm đặt ra cho Thủ tưởng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Chất lượng tăng trưởng của Việt Nam có cải thiện rõ rệt

Cho rằng tăng trưởng kinh tế đã đạt được những kết quả rất ấn tượng song cử tri còn băn khoăn nhiều về chất lượng tăng trưởng, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành – tỉnh Lạng Sơn đặt câu hỏi về đánh giá của Thủ tướng về chất lượng tăng trưởng của Việt Nam hiện nay và những giải pháp được Chính phủ đẩy mạnh để nâng cao chất lượng tăng trưởng hơn nữa trong năm 2018 và những năm tiếp theo.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, chất lượng tăng trưởng của Việt Nam có cải thiện rõ rệt, tốc độ tăng trưởng khá trong thời gian dài, bình quân năm 2011-2015 đạt 6,07% cũng là một tiến bộ, nhất là những năm gần đây chúng ta đạt 6,7%.

Thủ tướng Chính phủ cho biết, trong cơ cấu kinh tế Việt Nam chủ yếu tăng trưởng cơ cấu rất tích cực, giảm tỷ lệ nông nghiệp, tăng công nghiệp dịch vụ. Điều đáng mừng nhất là năng suất lao động của Việt Nam có tăng lên - đây chính là chất lượng của tăng trưởng, là yếu tố quan trọng. Thủ tướng Chính phủ làm rõ, năng suất lao động năm 2016 tăng 5,29%, năm 2017 tăng 5,87%; năng suất nhân tố tổng hợp TFP 2016 là 40,68%, năm 2017 đạt 44,13%. Hệ số ICO cũng giảm năm 2016 là 6,41% và năm 2017 là 6,27%.

Một điều đáng mừng nữa là, xuất khẩu năm nay có thể đạt 210 tỷ đôla Mỹ, tăng gấp 3 lần so với kế hoạch được giao. Kế hoạch giao là tăng 7%, năm nay khả năng tăng đến 21%. Đầu ra này cũng thể hiện cải thiện chất lượng tăng trưởng, vì sản phẩm được thị trường trong nước và quốc tế chấp nhận. Chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 hạng v.v... Đặc biệt chỉ số xã hội cũng nói lên chất lượng tăng trưởng của Việt Nam, chỉ số phát triển con người HDI của Việt Nam năm 2015 và 2016 đều xếp thứ 115/188, nhất là tuổi thọ của người Việt Nam đã lên mức trung bình 73,7 tuổi (năm 2010 là 72,9 tuổi), một trong những nước có tuổi thọ cao ở khu vực Châu Á.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành - tỉnh Lạng Sơn đặt câu hỏi về giải pháp cải thiện chất lượng tăng trưởng      Ảnh: Đình Nam

Về giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ cho biết, thứ nhất, tiếp tục tạo ra một môi trường kinh doanh tốt hơn nữa không phải nhóm đầu ASEAN mà hướng tới OECD bình đẳng, công bằng, minh bạch, ít chi phí, hướng tới nền kinh tế số. Đẩy mạnh cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi cơ cấu bền vững, đặc biệt là đào tạo lao động, ứng dụng công nghệ, tiếp cận thị trường lớn.

Ngoài ra, đối với Việt Nam thì vấn đề tăng cường kỷ luật, kỷ cương và chống ô nhiễm môi trường rất quan trọng, vấn đề ứng dụng công nghệ, nhất là nền kinh tế số đang đặt ra rất lớn ở Việt Nam để nâng cao chất lượng tăng trưởng.

Xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương – tỉnh Ninh Thuận đề nghị Thủ tướng cho biết đánh giá về mức độ độc lập tự chủ hiện nay của nền kinh tế Việt Nam và giải pháp của Chính phủ để thực hiện hiệu quả nghị quyết của Đảng về xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ.

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, độc lập tự chủ về kinh tế rất cần thiết trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng. Điều này là rất cần thiết trong nhận thức cũng như trong hành động.

Để có nền kinh tế độc lập tự, theo Thủ tướng Chính phủ, phải có một cơ cấu kinh tế hợp lý. Một đất nước nhiệt đới, đa dạng như nước ta không thể không có nông nghiệp được. Nông nghiệp có vai trò quan trọng nhưng phải bảo đảm cơ cấu trong nền kinh tế an toàn và bền vững. Đồng thời, một nền kinh tế có năng lực cạnh tranh cao trước hết về mặt công nghệ, không thể quá lạc hậu. Đặc biệt, một nền kinh tế độc lập, tự chủ là một nền kinh tế phải giải quyết được các cân đối lớn, tích lũy tiêu dùng, cân đối thanh toán quốc tế, thu và chi ngân sách, giữa xuất khẩu và nhập khẩu.

Ngoài ra, độc lập, tự chủ trên góc độ ít bị tổn thương hay tổn thương ít nhất, thích ứng cần thiết nhất trước biến động quốc tế. Những vấn đề này yêu cầu hết sức lớn đối với nền kinh tế, nhất là những nước mới hội nhập như nước ta. Vì vậy, chúng ta không quá phụ thuộc vào một thị trường nên chủ trương của ta là đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ đối ngoại, kinh tế là hết sức cần thiết. Thủ tướng Chính phủ cho biết, chúng ta đa phương hóa, 200 thị trường quốc gia, vùng, lãnh thổ được quan hệ thương mại với Việt Nam, tính xuất khẩu rất nhiều mặt hàng khác nhau. Đã có đến 25 mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu trên 1 tỷ đôla Mỹ. Hiện nay, chúng ta có 70 thị trường có quan hệ thương mại trên 100 triệu đôla. Chúng ta đã có 24.000 dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam với 320 tỷ đô la Mỹ đã đăng ký bằng nguồn FDI với nhiều quốc gia ở quy mô khác nhau. Đây là những cố gắng rất lớn trong đa phương hóa các thị trường quốc tế

Niềm tin vào thị trường Việt Nam cũng là biểu hiện của nền kinh tế độc lập, tự chủ của nước ta. Điều rất đáng mừng chúng ta tự hào người Việt Nam càng ngày càng ưa thích hàng Việt Nam chất lượng cao thuyết phục, không chỉ rau, củ, quả chất lượng tốt mà các mặt hàng gia dụng khác Việt Nam làm cũng không kém trong thời gian gần đây.

Đồng thời, kinh tế tự chủ Việt Nam phải dựa vào các trụ cột quan trọng mà chúng ta đã nghiên cứu như vấn đề đa phương, vấn đề tái cấu trúc, vấn đề thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Phát triển kinh tế tư nhân

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám – tỉnh Kon Tum về những giải pháp nhằm triển khai thực hiện hiệu quả định hướng phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Thủ tướng Chính phủ cho biết kỳ họp thứ năm của Trung ương vừa qua đã ban hành nghị quyết về vấn đề quan trọng này.

Đại biểu Tô Văn Tám - tỉnh Kon Tum đặt câu hỏi đối với Thủ tướng Chính phủ

Đối với những giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, Thủ tướng cho hay, trước hết là ổn định kinh tế vĩ mô bởi có ổn định vĩ mô thì kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân, kinh tế FDI mới phát triển được, trong đó có kinh tế tư nhân. Công khai minh bạch, đặc biệt bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực, quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản, nhất là thủ tục phá sản đơn giản hơn, bảo vệ nhà đầu tư một cách chính đáng, quyền tài sản, quyền con người, quyền công dân được bảo vệ.

Giải pháp thứ hai là hỗ trợ nhà đầu tư tiếp tục giảm chi phí. Chủ trương của Chính phủ giảm lãi vay, giảm chi phí, lệ phí, nhất là những chi phí không chính thức, tránh kiểm tra chồng chéo. Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đề nghị với các doanh nghiệp tư nhân nước ta nói không với việc đưa hối lộ cho các cấp, các ngành mà người ta gọi là một phần kinh phí, chi phí không chính thức.

Thứ ba, Chính phủ và các cấp chính quyền cần tạo ra một không gian cho kinh tế tư nhân phát triển như cho tư nhân tham gia cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thị trường chứng khoán tốt, ổn định, tăng cường hợp tác liên kết giữa kinh tế tư nhân Việt Nam, doanh nghiệp nhà nước Việt Nam với FDI.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, doanh nghiệp muốn phát triển bền vững, nhất là doanh nghiệp tư nhân phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân, nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp, không để sớm rời thị trường như một số trường hợp mà doanh nghiệp tư nhân chúng ta đã mắc phải. Một tinh thần, một ý chí doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vươn lên tự tin, dám nghĩ, dám làm và điều đặc biệt cấp ủy, chính quyền, nhân dân cổ vũ, động viên. Đây chính là niềm tin, mong mỏi của Đảng thông qua Nghị quyết 05 vừa rồi và Chính phủ đã có chương trình hành động để phát động phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển đúng hướng như mong mỏi của đại biểu Quốc hội.

Cần phát triển mạnh mẽ trên cơ sở tái cơ cấu lại FDI

Tại phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi – tỉnh Thanh Hóa đặt câu hỏi, Thủ tướng đánh giá thế nào về thực trạng các doanh nghiệp FDI trong thời gian vừa qua và Thủ tướng sẽ có giải pháp như thế nào để nâng cao chất lượng của các doanh nghiệp FDI trong thời gian tới.

Về thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), Thủ tướng Chính phủ cho biết, “đây là vấn đề tôi rất tâm huyết”, đồng thời khẳng định rằng FDI đóng vai trò quan trọng cho xuất khẩu, giải quyết lao động, chuyển giao công nghệ và quản lý, đặc biệt góp phần thúc đẩy kinh tế trong nước. Riêng xuất khẩu FDI chiếm 60% tổng xuất khẩu kim ngạch của đất nước, giải quyết 3 triệu việc làm. Trong một số mô hình quản lý cũng rất tốt, và bước đầu đã kết hợp FDI với doanh nghiệp trong nước. Rất nhiều tấm gương tốt ở FDI đã phát triển ở Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ khẳng định, chính FDI đã đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam và là một thành phần của nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ, bên cạnh những tiến bộ, FDI còn một số tồn tại phải xử lý. Đó là công nghệ còn ở mức trung bình, có tình trạng chuyển giá, trốn thuế, vi phạm môi trường trong một số doanh nghiệp FDI. Quan điểm của Chính phủ là phải xử lý nghiêm và cần phát triển mạnh mẽ FDI trên cơ sở tái cơ cấu FDI. 

Theo đó, cần cái gì thì kêu gọi đầu tư, nhưng không phải kêu gọi đầu tư mọi thứ và không phải đầu tư bằng bất cứ giá nào.Thủ tướng bày tỏ mong muốn các bộ, ngành, địa phương cần triển khai mạnh mẽ hơn việc kết hợp giữa FDI và đầu tư trong nước. Hai chủ thể phải cùng phát triển, cùng có lợi. Đặc biệt, việc tạo dựng môi trường đầu tư và nguồn nhân lực thật tốt của Việt Nam cũng chính là môi trường quan trọng để thu hút FDI vào Việt Nam. 

Bảo Yến