Hội thảo thực trạng sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và những vấn đề đặt ra

19/12/2017

Ngày 19/12, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016” của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo thực trạng sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và những vấn đề đặt ra. Phó Chủ tịch Quốc hội- Trưởng đoàn giám sát Phùng Quốc Hiển chủ trì hội thảo.

Tham gia hội thảo có thành viên Đoàn giám sát, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, đại diện một số Bộ, ngành hữu quan, đại diện Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội một số tỉnh, thành phố và một số chuyên gia.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội- Trưởng đoàn giám sát Phùng Quốc Hiển cho biết, công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là những vấn đề thuộc chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế, tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển. Trong giai đoạn 2011-2016, nhiều văn bản liên quan đến lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã được ban hành và triển khai trong thực tiễn. Môi trường pháp lý về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước từng bước được xây dựng, hoàn thiện về cơ bản, đáp ứng mục tiêu quản lý, sử dụng tài sản công cũng như công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Tuy vậy, đây vẫn là công việc khó khăn, phức tạp, còn nhiều tồn tại, hạn chế, đòi hỏi nhiều giải pháp tổ chức thực hiện có hiệu quả và sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, việc tổ chức Hội thảo lần này là một hoạt động trong chương trình, kế hoạch của Đoàn giám sát nhằm cung cấp thông tin cho thành viên Đoàn giám sát về những nội dung mà Đoàn giám sát tập trung giám sát; tham khảo ý kiến của các chuyên gia và lắng nghe phản ánh ý kiến của các cơ quan có liên quan trong việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Phó Chủ tịch Quốc hội mong rằng, hội thảo sẽ nhận được nhiều ý kiến từ các đại biểu, chuyên gia, góp phần tạo thêm cơ sở để Đoàn giám sát tiếp tục triển khai các hoạt động trong chương trình, kế hoạch giám sát, góp phần bảo đảm cho việc giám sát của Quốc hội đạt được mục tiêu, phát huy hiệu quả một cách tốt nhất.

Trình bày Báo cáo tổng quan về tình hình sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011- 2016, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng cho biết, về tình hình sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước, trong năm 2011 hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty gặp nhiều khó khăn, phải đối mặt với nhiều rủi ro về tài chính. Mặt khác, nhu cầu thị trường giảm do lạm phát tăng cao gây lượng hàng tồn kho nhiều, ứ đọng khâu lưu thông hàng hóa dẫn đến hàng loạt các doanh nghiệp vừa và nhỏ phá sản hoặc hoạt động cầm chừng do thiếu vốn, đặc biệt là thị trường xây dựng, bất động sản, công nghiệp ô tô. Sau khi thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn tại các lĩnh vực ngành nghề kinh doanh chính, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước thì tình hình tài chính và kết quả hoạt đông sản xuất kinh doanh năm 2016 của các doanh nghiệp nhà nước duy trì được ổn định, kinh doanh có lãi, góp phần giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Các doanh nghiệp nhà nước cũng đóng góp nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước, đóng góp quan trọng trrong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, chính sách an sinh xã hội.

Đối với các doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của nhà nước, năm 2016, tổng tài sản theo báo cáo hợp nhất của 273 doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của nhà nước là 495.126 tỷ đồng, tang 7% so với thực hiện năm 2015. Tổng số nợ phải trả là 325.335 tỷ đồng. Tổng doanh thu đạt 423.250 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế là 31.723 tỷ đồng, tang 54% so với số thực hiện 2015 nếu xét cùng số lượng doanh nghiệp hiện có trong 2015. Tổng phát sinh nộp ngân sách nhà nước 62.967 tỷ đồng, tăng 24% so với 2015 nếu xét cùng số lượng doanh nghiệp hiện có trong 2015.

Báo cáo của Bộ Tài chính nêu rõ, trong giai đoạn  2011 – 2016, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn Kinh tế, Tổng công ty và các doanh nghiệp nhà nước đã tích cực thực hiện đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tính tới năm 2016, cả nước đã cổ phần hóa 570 doanh nghiệp với tổng giá trị thực tế doanh nghiệp là 797.889 tỷ đồng, trong đó giá trị phần vốn nhà nước là 214.255 tỷ đồng. Hệ thống doanh nghiệp nhà nước đã và đang được đổi mới, sắp xếp, thu gọn. Năm 2010 còn gần 1.500 doanh nghiệp nhà nước, sau khi tiến hành cổ phần hóa, số doanh nghiệp nhà nước tính đến năm 2016 chỉ còn khoảng 500 doanh nghiệp chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực then chốt, đảm bảo cân đối vĩ mô cho nền kinh tế, công ích, an ninh, quốc phòng. Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa hoạt động hiệu quả  đã có nhiều tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, tăng tính cạnh tranh trong nền kinh tế, thúc đẩy thị trường chứng khoán, thị trường tài chính phát triển, đổi mới cơ bản về quản trị doanh nghiệp…

Thảo luận tại hội thảo, các đại biểu đánh giá, tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa ở một số Bộ, địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu và kế hoạch đề ra; nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa chưa có sự đổi mới thực chất về quản trị kinh doanh; quá trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính, trọng tâm là thoái vốn tại 5 lĩnh vực nhạy cảm còn chậm; hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; một số doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoạt động yếu kém, làm ăn thua lỗ, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí làm thất thoát tài sản nhà nước, gây bức xúc cho xã hội…

Để tháo gỡ những bất cập trên, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị rà soát các luật có liên quan như Luật Doanh nghiệp, Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước vào đầu tư, sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Phá sản, Bộ luật Lao động…để trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quá trình cơ cấu lại và vai trò, vị trí của doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới. Bên cạnh đó, đề nghị thành lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Ngoài ra, để tiếp tục triển khai cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hiệu quả hơn trong thời gian tới, các đại biểu đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước nghiêm túc quán triệt sâu sắc quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước theo Nghị quyết số 12-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tăng cường vai trò giám sát đối với doanh nghiệp; cơ quan giám sát, doanh nghiệp cùng có trách nhiệm thực hiện công khai hóa các thông tin về hoạt động của doanh nghiệp để các nhà đầu tư nắm bắt cơ hội, điều kiện thuận lợi tham gia đầu tư cùng doanh nghiệp... Bên cạnh đó, cần phải tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn. Đặc biệt, cần kiên quyết xử lý các doanh nghiệp thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả theo cơ chế thị trường…

Thu Phương

Các bài viết khác