Phiên họp thứ Ba tư của UBTVQH

16/09/2010

* Dự án Luật Tố cáo: Bảo đảm cho công dân thực hiện quyền tố cáo một cách đơn giản, thuận tiện * Dự án Luật Thủ đô: Cơ chế, chính sách đặc thù của Thủ đô phải đảm bảo không trái với Hiến pháp

Ngày 15.9, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Tố cáo và dự án Luật Thủ đô.

 

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án Luật Tố cáo điều chỉnh việc giải quyết tố cáo đối với các vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan, tổ chức; vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước. Để bảo đảm sự thống nhất giữa Luật Tố cáo với Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Lao động và các văn bản pháp luật khác, dự thảo Luật quy định: đối với tố giác, tin báo tội phạm, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng; tố cáo và việc giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về lao động được thực hiện theo quy định của pháp luật lao động. Để giảm lượng đơn thư tố cáo giấu tên, mạo tên, không rõ địa chỉ, họ tên, dự thảo Luật cũng dành một chương quy định về bảo vệ người tố cáo.

 

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Tố cáo, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận nêu rõ, việc xây dựng Luật Tố cáo cần xuất phát từ yếu tố tích cực của tố cáo là để giúp các cơ quan nhà nước kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân; góp phần làm trong sạch bộ máy, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; lành mạnh hóa nền công vụ quốc gia, nâng cao hiệu quả hoạt động Nhà nước. Việc xây dựng Luật Tố cáo cần đáp ứng được hai yêu cầu cơ bản là: bảo đảm cho công dân có thể thực hiện quyền tố cáo một cách đơn giản, thuận tiện và cơ chế giải quyết tố cáo phải công khai, minh bạch. Do vậy, dự thảo Luật cần có các quy định đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, cơ quan có thẩm quyền trực tiếp giải quyết tố cáo; phân định rõ thẩm quyền xử lý; cơ chế bảo vệ người tố cáo; cơ chế bảo vệ người bị tố cáo oan sai. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng cần khẳng định quan điểm tố cáo phải có điểm dừng, không xem xét đối với các tố cáo đã được giải quyết, tố cáo lại.

 

Đa số Ủy viên UBTVQH tán thành với nội dung nêu trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai băn khoăn: trong hệ thống pháp luật hiện hành dù nhiều văn bản có quy định về tố cáo, nhưng hầu hết chưa cụ thể về trình tự, thủ tục giải quyết các hành vi vi phạm do các chủ thể khác nhau thực hiện. Nếu trong dự án Luật Tố cáo tiếp tục dẫn chiếu các Bộ luật hay Luật chuyên ngành thì chưa tháo gỡ vướng mắc trong giải quyết đơn thư tố cáo hiện nay. Lý giải về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng, trong lĩnh vực hình sự và tố tụng đã có nhiều văn bản hướng dẫn thi hành luật quy định trình tự, thủ tục giải quyết đơn thư tố cáo. Do vậy, Luật Tố cáo chỉ nên là đạo luật gốc, tập trung quy định về tố cáo và giải quyết các tố cáo đối với những hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực; không nên quy định cụ thể cho từng lĩnh vực, để tránh gây rối thêm trong quá trình thi hành luật pháp.

 

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật Thủ đô gồm 4 chương, 36 điều, nhằm xây dựng một Thủ đô đa chức năng, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, kế thừa và phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến; xây dựng người Thủ đô thanh lịch, văn minh, gương mẫu chấp hành Hiến pháp và luật pháp; quy hoạch phát triển Thủ đô ổn định, lâu dài; xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; phát triển kinh tế - xã hội bền vững... Dự thảo Luật cũng quy định 20 cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô về giáo dục, y tế, quản lý dân cư, mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính, thành lập cơ quan chuyên môn thuộc UBND...

 

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thủ đô, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cơ bản tán thành với chủ trương cần ban hành một đạo luật với những cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho việc xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, cần xác định rõ mục tiêu ban hành Luật là xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù, tạo điều kiện cho xây dựng, phát triển Thủ đô, chứ không phải xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù gắn với mô hình chính quyền tự quản. Do vậy, việc đặt ra các cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô phải bảo đảm không trái với Hiến pháp, không tạo ra một thiết chế độc lập, thiếu sự gắn kết về nghĩa vụ, trách nhiệm của Thủ đô với Trung ương và với các địa phương khác. Các cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô Hà Nội cũng phải bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Do vậy, cần cân nhắc việc có nên quy định có nhiều cơ chế, chính sách đặc thù và không thống nhất với các luật khác hay không để bảo đảm hạn chế đến mức thấp nhất sự phá vỡ tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Những quy định đặc thù chỉ nên đặt ra khi chứng minh được tính hợp lý, hiệu quả và khả thi; đồng thời, cần phải đặt ra các quy định mang tính ràng buộc, kiểm soát chặt chẽ hơn với các cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô. Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng nhấn mạnh, một số tồn tại trong xây dựng, quản lý và phát triển Thủ đô thời gian qua có nguyên nhân do công tác thi hành pháp luật chưa nghiêm. Để khắc phục các tồn tại trong xây dựng, quản lý và phát triển Thủ đô phải chấn chỉnh, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành pháp luật, chứ không phải sửa đổi thể chế dưới hình thức ban hành cơ chế, chính sách đặc thù.

 

Các Ủy viên UBTVQH nhất trí cho rằng, những cơ chế chính sách đặc thù cho Thủ đô cần bảo đảm không trái với Hiến pháp, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; không tạo ra một thiết chế độc lập, thiếu sự gắn kết về nghĩa vụ, trách nhiệm của Thủ đô với Trung ương và với các địa phương khác. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển, thì dự án Luật Thủ đô được xây dựng nhằm tạo cơ chế đặc thù cho Thủ đô Hà Nội, nên cần tập trung đưa các quy định liên quan đến những vấn đề đặc thù, chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác. Thực tế, nhiều quy định trong dự thảo Luật Thủ đô cũng có thể áp dụng cho các địa phương khác. Hơn nữa, xem xét các quy định trong dự thảo Luật có thể thấy, càng tham lam bao nhiêu thì càng tăng nguy cơ phá vỡ tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Mặt khác, đã là cơ chế đặc thù thì chỉ nên tồn tại trong một thời gian nhất định, không nên giữ mãi mãi. Do vậy, Ban soạn thảo cần tính đến tuổi thọ của Luật Thủ đô - Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

Phương Thủy

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)

Các bài viết khác