Hội thảo Quy trình lập hiến của một số nước trên thế giới – Những kinh nghiệm có thể kế thừa và phát triển

18/09/2010

Ngày 16 -17.9, tại thành phố Vũng Tàu, Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức Hội thảo khoa học Quy trình lập hiến của một số nước trên thế giới – Những kinh nghiệm có thể kế thừa và phát triển.

Mục đích của Hội thảo nhằm trao đổi, thảo luận để làm rõ những vấn đề liên quan đến ý nghĩa, vị trí của Hiến pháp; giới thiệu và tìm hiểu quy trình lập hiến của một số nước trên thế giới; từ đó rút ra những kinh nghiệm mà nước ta có thể vận dụng, phục vụ cho việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992.

Các đại biểu cho rằng, quy trình lập hiến của các nước trên thế giới rất đa dạng, được thực hiện theo nhiều mô hình khác nhau nên có những điểm khác biệt nhất định. Song, điểm chung trong quy trình lập hiến của các nước là dù theo mô hình nào thì quy trình, thủ tục ban hành Hiến pháp đều tuân theo một trình tự đặc biệt với những quy định rất chặt chẽ và nghiêm ngặt. Bởi Hiến pháp là văn bản pháp lý có hiệu lực cao nhất; là đạo luật gốc của mọi đạo luật, thiết lập các nguyên tắc cơ bản của chế độ xã hội, tổ chức nhà nước, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Sự chặt chẽ của quy trình lập hiến nhằm bảo đảm sức sống lâu dài của Hiến pháp, hạn chế sự tùy tiện trong việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp; bảo đảm quyền tham gia của nhân dân.

Quy trình lập hiến của các nước thường gồm 4 giai đoạn cơ bản: giai đoạn xác lập sự cần thiết xây dựng hoặc sửa đổi Hiến pháp; giai đoạn soạn thảo dự án Hiến pháp; giai đoạn công bố rộng rãi dự thảo và tổ chức để các tầng lớp nhân dân đóng góp ý kiến và cuối cùng là giai đoạn thảo luận và thông qua Hiến pháp tại QH. Hiện nay, đa số các nước quy định thủ tục thông qua, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp được thực hiện bằng hình thức trưng cầu ý dân, tức là toàn dân tham gia biểu quyết về việc ban hành hay sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.

Ở Việt Nam, qua các lần ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, hoạt động lập hiến không chỉ dừng lại ở thẩm quyền hiến định của QH mà đã trở thành sự kiện chính trị trọng đại mang tính lịch sử của đất nước, là đợt sinh hoạt chính trị dân chủ sâu rộng. Nhưng do một số quy định về quy trình lập hiến chưa được cụ thể hóa nên quy trình lập hiến trong mỗi lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp chưa được áp dụng thống nhất, ảnh hưởng nhất định đến chất lượng và tính ổn định của Hiến pháp. Việc nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm trong quy trình lập hiến của các nước trên thế giới, qua đó lựa chọn và tiếp thu có chọn lọc để vận dụng vào thực tiễn lập hiến của nước ta là cần thiết. Đáng lưu ý, Hiến pháp và quy trình lập hiến của mỗi nước đều gắn với một thể chế chính trị, bối cảnh lịch sử nhất định. Do vậy, khi nghiên cứu và áp dụng kinh nghiệm lập hiến của các nước, một trong những vấn đề đặt ra là không thể xa rời thực tiễn của đất nước, nếu không sẽ dẫn đến xung đột về pháp lý. Phải tìm ra được mẫu số chung giữa quy trình lập hiến của nước ta với các nước mà mẫu số chung đó đã được thừa nhận - Hiến pháp phải hội tụ, phản ánh, kết tinh ý chí, lợi ích của nhân dân; đề cao quyền lực của nhân dân và bảo đảm tối đa sự tham gia của nhân dân trong quy trình lập hiến…

 

H. Vân

(http://www.nguoidaibieu.com.vn/)

Các bài viết khác