Hội thảo chức năng giám sát của QH trong Nhà nước pháp quyền

22/09/2010

Ngày 20 - 21.9, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp đã phối hợp với Viện FES, Cộng hòa Liên bang Đức tổ chức Hội thảo chức năng giám sát của QH trong Nhà nước pháp quyền.

Tại Hội thảo, các đại biểu nghe chuyên gia pháp luật của Đức, Hàn Quốc, Pháp, Trung Quốc chia sẻ kinh nghiệm thực hiện chức năng giám sát của QH; trao đổi, thảo luận về những vấn đề pháp lý liên quan đến chức năng giám sát của QH...

Hiến pháp năm 1992 quy định: “QH thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của nhà nước”. Tuy nhiên, nhiều đại biểu tham dự Hội thảo cho rằng, hiện vẫn chưa có cách hiểu thống nhất về đối tượng giám sát của QH. QH giám sát tối cao toàn bộ hoạt động của nhà nước là giám sát tất cả các cơ quan, tổ chức và cá nhân từ Trung ương xuống địa phương hay chỉ giám sát các cơ quan, cá nhân do QH thành lập, bầu hoặc phê chuẩn? Theo Hiến pháp và Luật Hoạt động giám sát của QH, khách thể giám sát tối cao của QH gồm hoạt động của các cơ quan nhà nước và việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhưng vấn đề này cũng đang tồn tại nhiều ý kiến khác nhau như: QH giám sát hoạt động tư pháp và việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có hợp lý hay không?... Mặt khác, có ý kiến cho rằng, hoạt động giám sát của QH gây khó khăn cho hoạt động của các cơ quan chịu sự giám sát mà chưa nhận thức đầy đủ và đúng đắn về vai trò giám sát của QH.

Giám sát là một trong ba chức năng cơ bản của QH nhưng không phải là hoạt động có ý nghĩa độc lập mà có quan hệ tác động qua lại, hữu cơ với các chức năng lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Vì vậy, đổi mới hoạt động giám sát của QH phải tiến hành đồng bộ với quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động của QH nói chung. Để tiếp tục phát huy vai trò giám sát của QH trong thời gian tới, theo các đại biểu, cần nâng cao nhận thức của cả chủ thể giám sát và đối tượng giám sát về vai trò giám sát của QH. Từ đó, xác định đúng đối tượng giám sát của QH để có phương thức giám sát thích hợp, cụ thể là nên tập trung giám sát hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng và các thành viên của Chính phủ; đồng thời xác định khách thể giám sát phù hợp để khắc phục tình trạng giám sát dàn trải, kém hiệu quả. Tổ chức các hoạt động giám sát của QH trước hết và chủ yếu nên được tiến hành tại HĐDT và các Ủy ban của QH. Chỉ có dựa trên hoạt động giám sát tại các trụ cột này, giám sát tối cao của QH tại các kỳ họp mới phát huy hiệu quả. Cần hoàn thiện các quy định của Luật Hoạt động giám sát của QH, đặc biệt là các quy định về quy trình, thủ tục giám sát, chế tài sau giám sát để các chủ thể giám sát cũng như đối tượng giám sát thực hiện đầy đủ nhiệm vụ và quyền hạn của mình...

 

H. Vân

(http://www.nguoidaibieu.com.vn/)

Các bài viết khác