UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Viên chức: Chỉ nên điều chỉnh đối với viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập

03/10/2010

Cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Viên chức tại Phiên họp thứ Ba lăm của UBTVQH, nhiều Ủy viên UBTVQH cho rằng, chỉ nên điều chỉnh đối với viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập.

Vì cùng thực hiện cung ứng dịch vụ trong những lĩnh vực giống nhau nhưng khác biệt cơ bản giữa những người làm việc trong và ngoài đơn vị sự nghiệp công lập là ở phương diện quản lý. Do vậy, không thể xây dựng cơ chế pháp lý chung cho việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng đối với các loại đối tượng này.

 

Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên: Cần thành lập Hội đồng quản lý tại đơn vị sự nghiệp công lập

 

Cần thành lập Hội đồng quản lý tại đơn vị sự nghiệp công lập. Nếu trao quyền tự chủ đầy đủ, tự chủ về nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự - để tránh độc đoán, lạm quyền của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thì cần thiết phải thành lập Hội đồng này. Đối với đơn vị chưa được giao đầy đủ quyền tự chủ mà vẫn có một phần vốn, tiền và tài sản của Nhà nước, lại không thành lập Hội đồng quản lý là không được. Phải có một tập thể để chịu trách nhiệm trước Nhà nước về việc quản lý tiền, tài sản, vốn liếng và những vấn đề nhạy cảm liên quan đến tổ chức bộ máy con người trong đơn vị.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận: nói viên chức nhà nước thì hay quá, nhưng vướng…

 

Bản thân tôi rất thích khái niệm “viên chức nhà nước”, nhưng hệ thống chính trị của nước ta không chỉ có viên chức nhà nước. Trong các cơ quan Đảng, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị cũng có các đơn vị sự nghiệp nên chỉ có thể gọi được là viên chức thôi. Vì thế loanh quanh mãi, cuối cùng tôi cũng chỉ hình dung Luật này là Luật Viên chức. Viên chức thực chất là nhóm thuộc nguồn lực công do ngân sách nhà nước bảo đảm. Nói viên chức nhà nước thì hay quá, nhưng vướng…

 

Quy định công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài được tham gia dự tuyển viên chức tại các đơn vị sự nghiệp, nếu giải quyết được bằng cơ chế hợp đồng là tốt nhất, dễ quản lý và vẫn thực hiện được Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Nếu mời họ về làm việc thì thứ nhất là lương không đủ trả; thứ hai đã là viên chức phải làm 8 tiếng hoặc bảo đảm bao nhiêu thời gian làm việc mỗi tuần. Với đối tượng này, chỉ nên hợp đồng vụ việc. Nếu đưa vào cơ chế, cơ cấu viên chức có thể phát sinh những vấn đề khác. Ví dụ là viên chức, tôi có quyền công dân, quyền bầu cử, quyền tự ứng cử… Vì sao tôi là viên chức mà không được hưởng những quyền đó…? Đó là tính toán của anh em chúng tôi.

 

Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng: Cũng không sao

 

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có được tham gia tuyển dụng làm viên chức ở Việt Nam không? Trong lần phát biểu trước, tôi thấy không khả thi, nhưng thực tế suy nghĩ đi, suy nghĩ lại thì thấy quy định vào trong Luật cũng không sao cả. Vì Luật chỉ quy định được tham gia tuyển dụng, chứ có phải đương nhiên người Việt Nam định cư ở nước ngoài xung phong về là đưa vào viên chức đâu...

 

Thực chất khái niệm người Việt Nam định cư ở nước ngoài nghĩa là thế nào? Là người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhưng khi đã về nước và được tuyển dụng thì từ giờ phút ấy, người này có còn là người Việt Nam định cư ở nước ngoài hay không? Nếu đã định cư ở nước ngoài thì không thể nào còn làm viên chức ở Việt Nam nữa. Cho nên, từ giờ phút anh về Việt Nam, được tuyển dụng vào viên chức thì anh không còn định cư ở nước ngoài nữa. Tôi cho là quy định việc này vào Luật cũng không sao, chỉ được lợi về chính trị.

 

Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Đào Trọng Thi: Quyền lợi của tập thể mà dồn vào tay một người là không được

 

Việc quản lý và sử dụng viên chức ở đơn vị sự nghiệp nhà nước và đơn vị ngoài nhà nước khác hẳn nhau. Quyền lực đối với đơn vị ngoài sự nghiệp nhà nước thuộc về những người chủ, những người thành lập Hội đồng quản lý của đơn vị.

 

Dự thảo Luật chia đơn vị sự nghiệp công lập thành 2 loại: đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính; đơn vị tự chủ tài chính một phần và đơn vị không được tự chủ tài chính. Phân loại như vậy chưa phản ánh đúng thực tiễn. Thực tế gần như không có đơn vị sự nghiệp công lập nào tự chủ tài chính 100%. Các trường đại học đều là loại tự chủ tài chính một phần nhưng đến nay, nhiều đơn vị mới tự chủ tài chính được khoảng 40% vì vẫn nhận nhiệm vụ của Nhà nước thông qua việc giao chỉ tiêu.

 

Về thành lập Hội đồng quản lý tại các đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị nào tự chủ tài chính thì mới cần Hội đồng để quản lý người đứng đầu đơn vị vì ông này có quyền quyết định mà không bị cơ quan chủ quản cấp trên chi phối; còn ở đơn vị không tự chủ tài chính có thành lập Hội đồng thì Hội đồng này cũng không có nhiệm vụ gì. Tôi đề nghị, đối với những đơn vị tự chủ tài chính, hoàn toàn hoặc một phần, thì phải có Hội đồng quản lý. Vì nếu quyền sinh sát ấy, trong đó có quyền về nhân sự, tài chính mà chỉ giao một người đứng đầu thì rất nguy hiểm. Quyền lợi của tập thể chỉ dồn vào tay một người thì không được. Cần bổ sung cho Hội đồng quản lý nhiệm vụ được đại diện cho cơ quan chủ quản để quản lý người đứng đầu đơn vị. Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật có nêu ví dụ Hội đồng trường ở các trường đại học, trường phổ thông hoạt động không hiệu quả và không thực chất. Ví dụ này không hợp vì đa số các trường này không tự chủ về tài chính, họ có quyền gì đâu mà thành lập Hội đồng.

Nguyễn Vũ

(http://nguoidaibieu.com.vn)

Các bài viết khác