Phiên họp thứ Ba lăm của UBTVQH

05/10/2010

* Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi): Mô hình hợp tác xã không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế... * Dự án Luật Lưu trữ: Nên thống nhất cơ quan quản lý Nhà nước về lưu trữ

Sáng 4.10, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, các Ủy viên UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

 

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) có nhiều nội dung mới so với luật hiện hành về bản chất của hợp tác xã; bảo đảm của Nhà nước với tổ chức này; đối tượng tham gia hợp tác xã, liên hợp tác xã; tổ chức, quản lý hợp tác xã... để hợp tác xã hoạt động năng động, linh hoạt và sát với thực tế. Cụ thể, dự thảo Luật quy định hợp tác xã là một tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân do ít nhất 7 thành viên tự nguyện hợp tác với nhau thành lập, nhằm giúp nhau thực hiện có hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh đáp ứng yêu cầu của thành viên trên cơ sở tài sản chung và được quản lý dân chủ. Các thành viên hợp tác xã có trách nhiệm góp vốn và sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã. Về phân phối lợi nhuận, dự thảo Luật đã sửa đổi từ nguyên tắc chia lãi theo vốn góp, công sức đóng góp của xã viên, sang hướng phần lợi nhuận sẽ chia cho xã viên chủ yếu theo mức độ sử dụng dịch vụ, sau đó mới chia theo mức vốn góp. Dự thảo Luật cũng bổ sung đối tượng tham gia hợp tác xã gồm cả cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân nước ngoài để thực hiện đúng nguyên tắc hợp tác xã kết nạp rộng rãi, và tạo điều kiện cho hợp tác xã thu hút các nguồn vốn khác nhau. Nhà nước sẽ không hỗ trợ cho tất cả các tổ chức mang tên hợp tác xã, mà chỉ ban hành các chính sách hỗ trợ, ưu đãi và chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

 

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), do Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền trình bày tán thành với việc ban hành Luật Hợp tác xã (sửa đổi) để bảo đảm thực hiện quản lý nhà nước về hợp tác xã có hiệu quả; hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế hợp tác xã phát triển lành mạnh, bền vững đúng với bản chất và mục đích thành lập, từ đó đóng góp tốt hơn vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc phân chia lợi nhuận theo mức độ sử dụng dịch vụ của thành viên được thực hiện sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và trích lập quỹ chưa đúng với tính chất đặc thù của hợp tác xã, thông lệ quốc tế và làm mất lợi thế của hợp tác xã. Kinh nghiệm một số nước cho thấy, khác với các loại hình doanh nghiệp, việc phân phối lợi nhuận của hợp tác xã là dựa trên mức độ sử dụng dịch vụ, nên được phép hạch toán như một khoản chi phí trước thuế. Do vậy, cần nghiên cứu để quy định chế độ hạch toán, chế độ thuế của hợp tác xã để vừa phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa khuyến khích xã viên sử dụng nhiều hơn sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã. Ngoài ra, theo Thường trực Ủy ban Kinh tế, nếu đã xem hợp tác xã là tổ chức tự chủ, bình đẳng với các loại hình kinh tế khác trong cơ chế thị trường thì cần cho phép thành lập công ty trực thuộc hoặc góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp khác. Cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu để có quy định rõ ràng hơn, tránh tình trạng những công ty này hoạt động trái với mục đích thành lập và bản chất của hợp tác xã.  Đồng tình với quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng, mô hình hợp tác xã hiện chưa phát triển như kỳ vọng cũng do xã hội vẫn còn tư tưởng coi đây là một tổ chức yếm thế và đánh đồng với kinh tế tập thể. Để hợp tác xã phát triển mạnh đòi hỏi phải tạo điều kiện cho mô hình này có thể mở rộng kinh doanh, sản xuất. Nhưng một số Uãy viên UBTVQH đề nghị, không nên cho phép hợp tác xã thành lập công ty, góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp khác nhằm bảo đảm hợp tác xã được thành lập là để phục vụ nhu cầu của thành viên, tránh rủi ro và gây xung đột về lợi ích.

 

Các Ủy viên UBTVQH đều nhất trí cho rằng, hợp tác xã không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa về mặt chính trị, xã hội, tạo sự gắn kết, hòa hợp các cá nhân trong cộng đồng. Do vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba đề nghị, cần rà soát các quy định về định nghĩa hợp tác xã; điều kiện trở thành thành viên hợp tác xã; quyền và nghĩa vụ của thành viên; đối tượng tham gia hợp tác xã... để thể hiện đúng bản chất của mô hình này. Bởi nếu giữ quy định các thành viên chỉ được sử dụng sản phẩm, dịch vụ do hợp tác xã cung cấp; chia lợi nhuận theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã... thì sẽ mang dáng dấp sản xuất tự cung, tự cấp. Phương thức hoạt động này đã lạc hậu, không phù hợp với nguyên tắc của kinh tế thị trường, khó có thể giúp đưa kinh tế hợp tác xã trở thành một nhân tố quan trọng trong phát triển kinh tế nước ta. Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh, Luật Hợp tác xã hiện hành được sửa đổi là để xây dựng mô hình hợp tác xã mới, phù hợp với điều kiện hiện nay của đất nước. Do vậy, ý nghĩa kinh doanh và ý nghĩa phục vụ xã hội của hợp tác xã phải được thể hiện hài hòa trong từng quy định, để không tạo cách hiểu sai với bản chất của mô hình này. Ngoài ra, trong thực tế đang tồn tại nhiều loại hình hợp tác xã, nên cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu để bổ sung các quy định phù hợp cho từng ngành, lĩnh vực.

 

Chiều 4.10, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH đã cho ý kiến về Dự án Luật Lưu trữ.

 

Tờ trình về Dự án Luật Lưu trữ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn trình bày nêu rõ: Pháp lệnh Lưu trữ quốc gia tạo cơ sở pháp lý cho  quản lý thống nhất công tác lưu trữ và tài liệu lưu trữ quốc gia. Tuy nhiên, sau 8 năm thực hiện, Pháp lệnh Lưu trữ quốc gia đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế như: một số quy định của Pháp lệnh khó thực hiện và chưa rõ, nhiều quan hệ mới phát sinh trong quản lý công tác lưu trữ và quản lý tài liệu lưu trữ như: xã hội hóa các hoạt động dịch vụ lưu trữ, yêu cầu bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin tài liệu lưu trữ đòi hỏi đơn giản hóa thủ tục và công khai thời hạn tiếp cận tài liệu lưu trữ... Dự thảo Luật Lưu trữ được xây dựng bao gồm  6 chương, 44 điều. Trong đó quy định một số điểm mới về hệ thống lưu trữ lịch sử và thẩm quyền thu thập tài liệu của lưu trữ lịch sử; chính sách của Nhà nước, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác lưu trữ; Thời hạn được phép sử dụng tài liệu tại lưu trữ lịch sử; công khai, đơn giản hóa thủ tục sử dụng tài liệu lưu trữ...

 

Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận đã trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ về Dự án Luật Lưu trữ. Tán thành với mục đích, yêu cầu, các quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật, Thường trực UB Pháp luật cho rằng, việc ban hành Luật phải góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập trong quy định của Pháp lệnh Lưu trữ quốc gia hiện hành, điều chỉnh những quan hệ mới phát sinh trong hoạt động lưu trữ; bổ sung quy định phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với tập quán và thông lệ quốc tế. Việc ban hành Luật sẽ góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội đối với công tác lưu trữ; tiếp tục khẳng định tài liệu lưu trữ là tài sản quý báu của quốc gia, phải được quản lý thống nhất để khai thác, sử dụng lâu dài và phát huy giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Tuy nhiên, Thường trực UB Pháp luật nhận thấy, còn có một số vấn đề trong nội dung của dự thảo Luật cần được  tiếp tục nghiên cứu, làm rõ, giải trình kỹ hơn, như: trách nhiệm quản lý nhà nước đối với Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam, quan hệ giữa Phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam và Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam, giữa cơ quan lưu trữ của Đảng và cơ quan lưu trữ của Nhà nước, tổ chức lưu trữ lịch sử, nội hàm khái niệm “lưu trữ”, “lưu giữ”. Về bố cục của dự thảo Luật, Thường trực UB Pháp luật đề nghị không quy định trong dự thảo Luật những nội dung đã được quy đinh trong các luật chuyên ngành khác, hạn chế tối đa các quy định có tính dẫn chiếu. Đồng thời, đối với những vấn đề có thể quy định cụ thể, chi tiết hơn thì đề nghị quy định ngay trong Luật, không nên để quá nhiều quy định khung và để văn bản dưới luật quy định như trong dự thảo Luật.

 

Tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc không quy định tiếp tục tổ chức Lưu trữ lịch sử ở cấp huyện để tập trung nguồn lực cho việc hiện đại hóa, phát triển sự nghiệp lưu trữ, nhằm đáp ứng yêu cầu tinh gọn bộ máy, giảm cấp trung gian, góp phần thực hiện cải cách hành chính, Thường trực UB Pháp luật đề nghị cơ quan soạn thảo báo cáo rõ hơn về thực trạng tổ chức lưu trữ lịch sử cấp huyện kể cả Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam cũng như Phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam để có hướng xử lý đối với lưu trữ lịch sử cấp huyện ở những nơi đã được thành lập.

L.Hiển - P.Thủy

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)

Các bài viết khác