Tiếp tục kiểm soát nhập siêu, bình ổn giá cả

23/11/2010

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng khẳng định như vậy và cho rằng, muốn ổn định kinh tế vĩ mô thì phải thúc đẩy phát triển sản xuất ở trong nước và kêu gọi người tiêu dùng sử dụng sản phẩm nội địa.

Sáng 22/11, dưới sự điều khiển của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn. Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn.

Nhập siêu vẫn trong tầm kiểm soát

Trả lời các câu hỏi của đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) đâu là nguyên nhân khiến nhập siêu tháng 7 là vọt lên 1,07 tỉ USD? Điều này có ảnh hưởng đến việc kềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô hay không? Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết năm 2010 là năm đầu tiên chúng ta có tốc độ xuất khẩu (23%) nhanh hơn nhập khẩu (19-20%). Tuy tình hình năm 2010 có cải thiện nhưng chúng ta vẫn nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu về con số tuyệt đối.

Tình hình nhập siêu đang là thách thức của nền kinh tế, doanh nghiệp nước ta đang quá trình đẩy mạnh sản xuất kinh doanh nên phải nhập khẩu các loại máy móc, nguyên liệu phục vụ sản xuất, hiện chiếm đến 93% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, giá cả một số mặt hàng nhập khẩu tăng. Ví dụ như ngành Dệt may, da giày, chúng ta phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên phụ liệu để sản xuất. Theo thống kê, hiện nay, ngành Dệt may chỉ lo được 43% số nguyên phụ liệu, còn gần 60% nguyên phụ liệu phải nhập khẩu ở nước ngoài.

Mặt khác, một bộ phận nhỏ người tiêu dùng vẫn thích mua hàng ngoại nhập cũng đã tác động tới việc nhập khẩu.

Nếu tiếp tục như vậy sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá đồng Việt Nam, chỉ số giá tiêu dùng trong nước, cán cân thanh toán, ổn định kinh tế vĩ mô.

Nhận thức được vấn đề này, thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo hết sức quyết liệt kiểm soát chặt chẽ giảm nhập siêu. Bước đầu có một số việc có kết quả. Năm 2008 nhập siêu 18 tỉ USD, tỷ lệ trên kim ngạch xuất khẩu là 30%, 2009 là 12,9 tỉ USD, (tỷ lệ 22,5%); năm nay khả năng chỉ là 11,9 hoặc 12 tỉ USD, bằng 17% so với kim ngạch xuất khẩu.

Bộ Công thương đã báo cáo Chính phủ và đề ra những phương pháp khắc phục tình trạng này trong thời gian tới.

Dự kiến của Bộ Công thương là kế hoạch 5 năm đến 2015 thì giảm nhập siêu trên kim ngạch xuất khẩu còn 14%. Song song với đó là cân bằng cán cân thương mại, qua đó giúp cải thiện cán cân thanh toán và ổn định kinh tế vĩ mô.

Trả lời vấn đề cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc khá chênh lệch và tại sao chúng ta xuất siêu sang Mỹ, EU, nhưng lại nhập siêu với Trung Quốc? của đại biểu Phạm Thị Loan (đoàn Hà Nội), đại biểu Trần Du Lịch (TP HCM), Bộ trưởng Vũ Huy Hoàn cho biết, Bộ Công thương đang có kế hoạch, giải pháp để tăng cường xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc và sẽ giảm dần nhập khẩu. Hai nước chuẩn bị ký kết quy hoạch thương mại 5 năm giữa Việt Nam – Trung Quốc. Theo đó, thúc đẩy thương mại theo hướng cải thiện nhập siêu của Việt Nam, đề nghị Trung Quốc tăng cường nhập khẩu hàng hóa Việt Nam có nhu cầu, tạo điều kiện cho Việt Nam tham gia vào các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu hàng hóa của Việt Nam tại nước bạn.

Còn vấn đề là chúng ta đã xuất siêu sang thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU nhưng lại nhập siêu trong một số đối tác chủ yếu là trong khu vực. Một số biện pháp tăng xuất khẩu sang đối tác khu vực là cần phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, không nên quá tập trung vào một thị trường để tránh rủi ro. Những thị trường cũ của ta như Nga, Đông Âu, một thời gian chúng ta làm ngơ nhưng nay phải quan tâm trở lại. Những thị trường tiềm năng như châu Phi, Nam Mỹ phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng cường xuất khẩu vào khu vực này.

Đảm bảo bình ổn giá cả hàng hoá

Chất vấn Bộ Công thương về vấn đề tăng nội lực kinh tế, tập trung chống lạm phát, bình ổn giá, các đại biểu Trần Ngọc Vinh, Trần Du lịch đặt câu hỏi: Giá cả trên thị trường đang tăng, Bộ có giải pháp nào? Công tác chuẩn bị hàng hóa, kiểm tra việc thực hành giá cả như thế nào? Nền kinh tế chúng ta là kinh tế gia công. Bộ hứa sẽ cố gắng từng bước giảm gia công, tăng giá trị gia tăng, làm cơ sở giảm nhập siêu. Sau 3 năm, Bộ đã làm chính sách gì để thực hiện?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời: Chúng ta đang cố gắng bình ổn giá, đảm bảo cung cầu hàng hóa cho sản xuất, cho đời sống nhân dân. Đặc biệt ưu tiên đảm bảo cân đối cung cầu 11 nhóm mặt hàng, trong đó có gạo, muối, phân bón, thép, xăng dầu... Mọi nỗ lực của cả nước, có sự tham gia của doanh nghiệp và chỉ đạo của Chính phủ đều tập trung vào nhóm hàng hóa này. Dù có khó khăn trong năm 2008, 2009, nhưng chúng ta vẫn cơ bản đảm bảo được nhu cầu cung cấp hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu cho sản xuất, cho đời sống nhân dân, đặc biệt là lương thực, xăng dầu.

Theo Bộ trưởng, chúng ta phải tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa việc này trong thời gian hiện nay và thời gian tới, không để giá tăng cao. Biện pháp là phải huy động năng lực sản xuất trong nước, trong đó có vai trò của các doanh nghiệp, có vai trò người dân trong vấn đề lương thực, đặc biệt là người dân tại khu vực ĐBSCL. Biện pháp tiếp theo là xây dựng hệ thống phân phối. Thời gian qua chúng ta đang củng cố hệ thống phân phối, đặc biệt là hệ thống bán lẻ.

Bộ trưởng thừa nhận, trước đây, chúng ta vẫn  chưa quan tâm thật sự thị trường bán lẻ trong nước, nên đây là một trong những trọng tâm thời gian hiện nay, chúng ta đang chỉ đạo thực hiện. Chúng ta phải phát triển hệ thống phân phối trong nước, nâng cao chất lượng của hệ thống này. Các quy hoạch phát triển hệ thống phân phối đã được phê duyệt. Căn cứ vào quy hoạch này, UBND cấp tỉnh trên cơ sở quy hoạch thương mại địa phương và trong cả nước, đều dành nội dung rất quan trọng cho quy hoạch thiết lập hệ thống phân phối bán lẻ.

Chúng ta đang từng bước tạo điều kiện cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia thị trường phân phối này. Và việc này được làm rất thận trọng, có lựa chọn, có tính toán nhà đầu tư. Vừa qua, các doanh nghiệp nước ngoài có vào thị trường bán lẻ của ta nhưng mức độ chưa nhiều. Nhưng chúng ta phải ưu tiên, dành nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước.

Ngoài ra, phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia bình ổn giá, sản xuất hàng hóa. Đặc biệt là hàng ngàn doanh nghiệp ở TP.HCM, Hà Nội đã cam kết tham gia bán hàng bình ổn giá... Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến với 21 địa phương yêu cầu địa phương tham gia triển khai mô hình hiệu quả này.

Giải pháp tăng cường quản lý thị trường thực hiện đúng pháp lệnh về giá, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… nhưng chưa đạt do mức độ tinh vi, sự phức tạp ngày càng nhiều, bất cập về khả năng chuyên môn. Nên đó là điểm yếu mà chúng ta phải hạn chế.

Từ năm 2015, sẽ không phải nhập phân bón

Đề cập việc giá cả phân bón năm nào cũng tăng dù được quản lý chặt, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) hỏi: Hiện nay, nhu cầu phân bón cho sản xuất trong nước chỉ đảm bảo được 60%, còn lại 40% là phải nhập khẩu. Chừng nào ngành phân bón có thể đáp ứng cho nhu cầu thị trường trong nước?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận, năm 2010, nhu cầu phân bón của cả nước cần khoảng 9 triệu tấn/năm. Trong đó, chúng ta chỉ sản xuất được khoảng 6 triệu tấn, còn lại 3 triệu tấn là phải nhập khẩu.

Tuy nhiên, theo đúng tiến độ, vào năm 2012, chúng ta sẽ xây dựng xong nhà máy sản xuất phân đạm Cà Mau, công suất 800.000 tấn/năm. Cũng vào năm 2012, sẽ xây dựng xong nhà máy sản xuất phân đạm ở Ninh Bình với công suất 500.000 tấn/năm; Cải tạo nhà máy, mở rộng nhà máy phân đạm ở Bắc Giang. Như vậy, đến năm 2015, chúng ta không phải nhập khẩu phân đạm.

Đối với phân DAP, chúng ta đang sử dụng và nhập khẩu 600.000 tấn/năm. Đến nay, chúng ta đã xây dựng xong nhà máy sản xuất phân DAP ở Hải Phòng với công suất 300.000 tấn/năm và đã đi vào vận hành. Theo dự kiến, chúng ta sẽ sản xuất phân DAP tại Lào Cai và sẽ hoàn thành xong vào năm 2015.

Trả lời câu hỏi về việc vì sao người dân đang thiếu phân bón nhưng nước ta lại cho xuất khẩu. Biện pháp của Bộ Công thương để đảm bảo phân bón phục vụ cho nông dân và khắc phục tình trạng sản xuất, mua bán phân bón giả?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàn khẳng định: Không phải chúng ta xuất khẩu tràn lan. Theo tính toán đến 2015, chúng ta không phải nhập phân đạm nữa vì vậy, vừa qua nhà máy phân bón Phú Mỹ muốn thử nghiệm tìm kiếm thị trường trong tương lai, xuất khẩu phân khoảng mười mấy ngàn tấn thôi, nhưng trước tình hình thiếu phân bón thì chúng tôi đã yêu cầu cho dừng xuất khẩu, giãn tiến độ ra.

Về vấn đề phân bón giả, theo Bộ trưởng, ngành khoa học công nghệ có nhiều cố gắng cũng kiểm tra kiểm soát tình hình sản xuất, kinh doanh phân bón để xử lý vấn nạn phân bón giả. Trừ dự án lớn của Tập đoàn hóa chất Việt Nam, các dự án nhỏ đều do địa phương cấp quyết định xây dựng, dựa theo quy định đã được ban hành. Tuy nhiên vấn đề kiểm tra xử lý phân bón lưu hành trên thị trường là vấn đề khó khăn, nó liên quan đến biện pháp chế tài chưa đủ mạnh. Vì vậy sắp tới chúng tôi sẽ có kiến nghị là cần có chế tài mạnh hơn nữa để xử lý các doanh nghiệp làm phân bón giả./.

 

Bích Lan-Mạnh Hùng

(http://vovnews.vn/)

Các bài viết khác