Ủy ban Kinh tế họp phiên toàn thể lần thứ 14 Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên tới dự

28/06/2011

Ngày 24.6, tại TP Hồ Chí Minh, Ủy ban Kinh tế đã tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 14 dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Hà Văn Hiền.

Cùng dự có đại diện Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Tài chính và Ngân sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Công thương, Bộ Giao thông - Vận tải...

Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bước vào năm 2011, tình hình trong nước và quốc tế đã xuất hiện những khó khăn, thách thức mới. Trong bối cảnh đó, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 02 chỉ đạo nhiệm vụ trọng tâm của năm 2011 và một số năm tiếp theo; QH đã ban hành Nghị quyết xác định nhiệm vụ trọng tâm năm 2011; Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11 xác định 6 nhóm giải pháp để tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Nhờ nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong triển khai thực hiện mục tiêu đã đề ra, tình hình kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm đạt được những kết quả tích cực ban đầu: thu ngân sách tăng, bội chi ngân sách giảm; rà soát và cắt giảm đầu tư công; tỷ giá, thị trường ngoại hối từng bước ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng; xuất khẩu tăng mạnh, tăng trưởng GDP đạt khá, các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ đều tiếp tục đà tăng trưởng; an sinh xã hội được quan tâm và có chuyển biến tốët... Những kết quả tích cực này đã củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, sự điều hành của Chính phủ. Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, với những khó khăn do tác động của những hạn chế nội tại của nền kinh tế và diễn biến khó lường từ bên ngoài.

Từ tình hình thực tiễn và xu hướng biến động kinh tế trong nước, cũng như trên thế giới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị thay đổi một số chỉ tiêu cơ bản gồm: nỗ lực kiềm chế lạm phát ở mức 15%; tăng trưởng đạt 6%; kiểm soát tăng trưởng tín dụng dưới 20%; nhập siêu không quá 16%. Đặc biệt, tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước phấn đấu ở mức 4,8% GDP nhằm từng bước lành mạnh hóa tài chính quốc gia, tạo nền tảng cần thiết cho kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tiếp tục tập trung kiềm chế lạm phát để ổn định kinh tế vĩ mô, hướng đến tăng trưởng bền vững vẫn là mục tiêu số một. Đồng thời, duy trì sản xuất, tăng trưởng ở mức hợp lý để bảo đảm thu nhập, giải quyết việc làm và tạo tiền đề góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Trong trung và dài hạn cần xác định mục tiêu chính của Ngân hàng Nhà nước là kiềm chế lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền để tạo nền tảng cho việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Phát biểu tại Phiên họp, Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh, những thành tích đã đạt được trong 6 tháng đầu năm trong quản lý, điều hành của Chính phủ cần được ghi nhận. Nghị quyết số 11 đã đưa ra các biện pháp phù hợp với thực tiễn kinh tế. Việc kiên trì thực hiện các giải pháp đưa ra, cùng với sự khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ giữa các ngành, các địa phương đã tạo những chuyển biến tích cực: thị trường ngoại hối từng bước ổn định; lạm phát bước đầu được kiềm chế; tăng trưởng GDP đạt khá; các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ đều tăng trưởng... Tuy nhiên, Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên cho rằng, Báo cáo về thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội sẽ được công bố rộng rãi nên cần phản ánh đầy đủ về thành tích và hạn chế để người dân cảm thấy được chia sẻ, từ đó củng cố niềm tin của người dân và doanh nghiệp – là yếu tố quan trọng để giúp ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định xã hội. Báo cáo cần bám sát Nghị quyết của QH để đánh giá chính xác tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Phó chủ tịch Nguyễn Đức Kiên nêu rõ: trong thời gian tới, tăng trưởng kinh tế phải bám sát yêu cầu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, cũng như tăng hiệu quả đầu tư và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Mục tiêu quan trọng nhất là tăng trưởng kinh tế phải giúp nâng cao chất lượng đời sống của người dân, không chỉ tăng về số.

 

P.Thu

(http://daibieunhandan.vn/)

Các bài viết khác