Hội thảo Những vấn đề lý luận và thực tiễn về hiến pháp ở Việt Nam và kinh nghiệm nước ngoài

07/09/2011

Ngày 5.9, dưới sự chủ trì của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, Ban chủ nhiệm Đề tài độc lập cấp nhà nước Cơ sở lý luận và thực tiễn sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 phù hợp với tình hình mới đã tổ chức Hội thảo Những vấn đề lý luận và thực tiễn về hiến pháp ở Việt Nam và kinh nghiệm nước ngoài.

Hội thảo đã nghe giới thiệu về tư tưởng lập hiến của một số nhà nho yêu nước ở Việt Nam đầu thế kỷ XX; tìm hiểu về tư tưởng lập hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tinh thần dân chủ của bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Hiến pháp năm 1946 và tìm hiểu lịch sử tư tưởng lập hiến Liên hiệp Vương quốc Anh. Các đại biểu đã thảo luận về các chức năng cơ bản của hiến pháp, hiến pháp với chủ quyền nhân dân; vai trò của hiến pháp trong thiết lập cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực ở nhà nước ta; hiến pháp với tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước; hiến pháp với quyền con người, quyền công dân... Các ý kiến tại Hội thảo nhấn mạnh, hiến pháp là đạo luật cơ bản của nhà nước, thể hiện bản chất dân chủ của nhà nước. Kể từ bản hiến pháp đầu tiên năm 1946 đến nay, nước ta đã ban hành mới 3 bản hiến pháp vào các năm 1959, 1980, 1992 và 4 lần sửa đổi, bổ sung các bản hiến pháp này vào các năm 1957, 1988, 1989, 2001. Tư tưởng xuyên suốt các bản hiến pháp chính là tinh thần dân chủ. Từ bản hiến pháp đầu tiên năm 1946 đã thể hiện rõ tư tưởng dân chủ. Hiến pháp là phương tiện để nhân dân được hưởng quyền tự do dân chủ – hiến pháp không chỉ dân chủ về nội dung mà cách thức xây dựng, kỹ thuật lập hiến cũng phải dân chủ. Sức mạnh của hiến pháp chính là sức mạnh của tính pháp quyền; nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước và cũng là chủ thể tối cao của quyền lập hiến. Thông qua quyền này, nhân dân giao quyền, ủy quyền quyền lực nhà nước của mình cho các cơ quan nhà nước. Bằng phương thức đó, tổ chức quyền lực nhà nước mang sức mạnh của nhân dân, làm cho quyền lực nhà nước được hình thành một cách chính thức, cầm quyền một cách chính đáng và buộc quyền lực nhà nước phải tuân theo hiến pháp trong tổ chức và hoạt động của mình. Việc sửa đổi Hiến pháp lần này cần tiếp tục khẳng định và thể hiện rõ các nội dung cơ bản của dân chủ sao cho phù hợp với tình hình mới; làm rõ phạm trù pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tính dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp... Một số ý kiến cho rằng, thực tế ban hành, sửa đổi hiến pháp đã cho thấy hoạt động lập hiến không chỉ dừng lại ở thẩm quyền hiến định của QH mà đã trở thành sự kiện trọng đại mang tính lịch sử của đất nước, một cơ hội sinh hoạt chính trị dân chủ sâu rộng của toàn dân. Mỗi sự thay đổi của Hiến pháp đều mang một ý nghĩa lịch sử sâu sắc, đánh dấu sự chuyển mình của cả dân tộc để bước sang một giai đoạn phát triển mới, ở một tầm cao mới. Vì thế, việc sửa đổi, bổ sung hiến pháp năm 1992 cần công bố rộng rãi để trưng cầu ý kiến của nhân dân, tạo sự đồng thuận và thống nhất trong toàn xã hội khi dự thảo sửa đổi Hiến pháp được trình QH...

P. Thúy

(http://daibieunhandan.vn)

Các bài viết khác