Bế mạc Phiên họp thứ Hai của Ủy ban thường vụ Quốc hội

03/10/2011

Ngày 1.10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, UBTVQH đã bế mạc Phiên họp thứ Hai.

Cho ý kiến về kế hoạch kinh tế - xã hội,ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ và danh mục các chương trình mục tiêu quốc gia

 

* Năm 2012 ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng

* Bội chi do cơ cấu, cần sửa đổi chính sách tài khóa để tạo chuyển biến căn bản trong sử dụng ngân sách nhà nước

 

Ngày 1.10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, UBTVQH đã bế mạc Phiên họp thứ Hai.

 

Trước đó, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, UBTVQH đã cho ý kiến đối với Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011; phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2012; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015; Tờ trình về báo cáo kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2006 – 2010 và đề xuất Danh mục các Chương trình mục tiêu quốc gia 5 năm 2011 - 2015; Báo cáo về dự kiến kế hoạch đầu tư phát triển năm 2012 và kế hoạch vốn trái phiếu chính phủ 5 năm 2011 – 2015.

 

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã trình bày Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011; phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012. Theo đó, trên cơ sở phân tích tình hình năm 2011, dự báo tình hình thế giới và trong nước, Chính phủ đã đưa ra hai kịch bản phát triển cho năm 2012. Phương án thứ nhất là tăng trưởng GDP đạt 6,5%, tổng thu ngân sách ước khoảng 740,5 nghìn tỷ đồng, bội chi khoảng 141,6 nghìn tỷ đồng (tương đương 4,8% GDP), chỉ số tăng giá tiêu dùng tăng dưới 10%. Phương án thứ hai tăng trưởng GDP đạt 6%, nhập siêu khoảng 13,6 tỷ USD, chỉ số tiêu dùng và bội chi ngân sách giữ như phương án đầu. Chính phủ đề nghị lựa chọn kịch bản tăng trưởng GDP là 6% để chủ động xử lý các tình huống có thể xảy ra.

 

Trong giai đoạn từ năm 2011 – 2015, Chính phủ xác định ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô bảo đảm cho nền kinh tế phát triển bền vững; tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại; bảo vệ tài nguyên môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và trật tự an toàn xã hội. Do tái cơ cấu nền kinh tế là nhiệm vụ lớn và rất phức tạp, nên Chính phủ đưa ra ba lĩnh vực sẽ được tập trung thực hiện gồm: tái cơ cấu đầu tư, với trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, đổi mới phân cấp đầu tư; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; tái cơ cấu hệ thống các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính khác.

 

Theo Báo cáo về dự kiến kế hoạch đầu tư phát triển năm 2012 và kế hoạch vốn trái phiếu chính phủ 5 năm 2011 – 2015, để hoàn thành các dự án đã có trong danh mục đã được Quốc hội phê duyệt giai đoạn 2003 – 2011, trong 5 năm 2011 – 2015 cần bố trí 405.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ. Trừ đi 45.000 tỷ đồng đã bố trí kế hoạch 2011, nhu cầu trong 4 năm còn lại là khoảng 360.000 tỷ đồng. Nếu tính yếu tố trượt giá trong 4 năm tới thì dự kiến nhu cầu từ nguồn vốn này lên tới 500.000 tỷ đồng. Do khả năng cân đối vốn khó khăn, Chính phủ kiến nghị kiên quyết không bổ sung thêm dự án mới ngoài danh mục đã được phê duyệåt; giãn, hoãn tiến độ thực hiện và thực hiện các hình thức xử lý khác đối với các dự án chưa thật sự cấp bách, có nhiều vướng mắc, tiến độ thực hiện chậm. Không bố trí vốn trái phiếu chính phủ cho phần vốn tăng thêm do điều chỉnh quy mô dự án.

 

Tại Tờ trình về báo cáo kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2006 – 2010 và đề xuất Danh mục các Chương trình mục tiêu quốc gia 5 năm 2011 - 2015, Chính phủ đề xuất, Danh mục Chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2012 – 2015 sẽ bổ sung thêm một chương trình so với Danh mục được lập trong năm 2011, nâng lên thành 16 Chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, số lượng dự án thành phần trong các chương trình này vẫn giảm 6 dự án. Tổng nguồn vốn thực hiện các chương trình này dự kiến là khoảng 275.980 tỷ đồng, trong đó, cân đối từ ngân sách Trung ương là 105.000 tỷ đồng, từ cân đối ngân sách địa phương khoảng 61.543 tỷ đồng.

 

Theo Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày, trong năm 2012, cần ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Để kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng ở mức một con số thì cần ổn định tỷ giá, vì giá hàng hóa, sản phẩm trên thị trường thế giới sẽ không có biến động lớn trong năm này. Bội chi ngân sách dưới 4,5% GDP, đảm bảo nợ công không quá 60% GDP. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2012 khoảng từ 6% - 6,5% là tiền đề để phấn đấu đạt kết quả cao hơn trong 3 năm cuối của Kế hoạch 5 năm, nhằm đạt mức cận dưới (tốc độ tăng trưởng kinh tế 7%) của chỉ tiêu Kế hoạch 5 năm theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI.

 

Trong giai đoạn 2011 – 2015, Ủy ban Kinh tế đề nghị, cần thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu. Và trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của nhà nước, bảo đảm vai trò quản lý vĩ mô của nhà nước đối với nền kinh tế. Hệ thống chỉ tiêu kinh tế, xã hội và môi trường 5 năm và hàng năm nên được phân thành hai nhóm, là nhóm chỉ tiêu bắt buộc và nhóm chỉ tiêu định hướng. Về lĩnh vực kinh tế, trong kế hoạch hàng năm chỉ nên tập trung vào các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô gồm: tốc độ tăng trưởng kinh tế; chỉ số giá tiêu dùng; kim ngạch xuất khẩu, nhập siêu, bội chi ngân sách, huy động vào ngân sách và trần nợ công. Đối với các chỉ tiêu xã hội và môi trường, đề nghị quyết định các chỉ tiêu: tạo việc làm mới, tỷ lệ thất nghiệp,  tuyển sinh mới chính quy đại học, cao đẳng; giảm tỷ lệ hộ nghèo; tỷ lệ lao động qua đào tạo và chỉ tiêu tỷ lệ che phủ rừng.

 

Theo Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện vốn trái phiếu chính phủ, chương trình mục tiêu quốc gia năm 2011, dự kiến kế hoạch năm 2012 và kế hoạch giai đoạn 2012 – 2015, do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển trình bày, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức, các cân đối vĩ mô còn rất căng thẳng, tình hình nợ công ngày một tăng cao gần sát với mức an toàn, việc huy động, phát hành trái phiếu chính phủ ngày càng khó khăn, thì cần bố trí nguồn vốn này cho cả giai đoạn 2011 - 2015 tối đa là 225.000 tỷ đồng, tương ứng với 45.000 tỷ đồng mỗi năm. Những dự án được tiếp tục ưu tiên bố trí nằm trong danh mục vốn đầu tư bằng nguồn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2011 - 2015 là dự án, công trình nằm trong danh mục thuộc lĩnh vực thủy lợi kể cả an toàn hồ chứa; dự án kè, đập biên giới; dự án, công trình trong lĩnh vực y tế, bệnh viện trên cơ sở rà soát tính cấp bách; dự án trong lĩnh vực giáo dục; công trình, chương trình đã hoàn thành 70% khối lượng công việc tính đến tháng 9.2011.

 

Các Ủy viên UBTVQH cơ bản tán thành với các đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính và Ngân sách. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, QH đã nhiều lần có ý kiến nhưng một hạn chế vẫn tồn tại là đánh giá về tình hình xã hội, trật tự - an toàn xã hội, quốc phòng an ninh còn sơ sài. Báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra cần bổ sung đánh giá về những vấn đề nổi cộm hiện nay để đầy đặn hơn. Thực tế, trong năm 2011 vấn đề quan trọng nhất là lạm phát tăng cao, khiến đời sống người dân khó khăn. Vì vậy, cần bổ sung thêm đánh giá về tác động của lạm phát cao với đời sống xã hội, để cử tri nói riêng, cũng như người dân cảm thấy được chia sẻ. Bên cạnh đó, nhiều Ủy viên UBTVQH cũng đề nghị, cơ quan trình và cơ quan thẩm tra cần giải trình kín kẽ cho những đề xuất của mình. Trong nền kinh tế thị trường thì mọi yếu tố đều thay đổi dựa trên nguyên lý vận động của thị trường, rất khó để áp đặt lý trí của chúng ta lên diễn biến của thực tế. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi, cần thận trọng với những chỉ tiêu xã hội mang tính chất định lượng. Các chỉ tiêu kinh tế đều dễ dàng quy ra giá trị, hay nói cách khác là thực hiện chỉ tiêu sẽ tạo thay đổi tốt. Nhưng với các chỉ tiêu xã hội thì số lượng không quyết định chất lượng. Ví như trong tuyển sinh giáo dục, số lượng học sinh, sinh viên được tuyển sinh càng cao thì sẽ càng tạo áp lực với cơ sở đào tạo, khiến chất lượng đi theo chiều ngược lại. Chủ nhiệm Đào Trọng Thi đề nghị, các chỉ tiêu xã hội cần quan tâm đưa thêm yếu tố chất lượng hoặc đưa điều kiện bảo đảm thực hiện.

 

Trong quá trình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, một hạn chế dễ thấy là hoạt động của các Ban chỉ đạo chưa có hiệu quả cao, chưa tạo sự gắn kết về chỉ đạo liên ngành trong việc phối hợp lồng ghép giữa các chương trình; việc lập kế hoạch, phân bổ vốn và giao kế hoạch không gắn liền với kết quả đầu ra. Chủ nhiệm ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhấn mạnh, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là điển hình của tình trạng thực hiện tản mạn, với 13 bộ ngành cùng tham gia, 68 chính sách, cơ chế được sử dụng. Vì vậy, cần thành lập Văn phòng điều phối các chương trình mục tiêu nhằm tăng cường lồng ghép phối hợp, tránh trùng lắp, chồng chéo. Đồng tình với quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng, do nguồn lực ít nên việc xây dựng Danh mục các chương trình mục tiêu, hoặc chương trình có mục tiêu đều cần tập trung, để có thể thực hiện dứt điểm, chấm dứt tình trạng dây dưa, kéo dài như hiện nay. Còn theo quan điểm của Chủ tịch Hội đồng dân tộc K’sor Phước, đối với các chương trình dành cho vùng dân tộc ít người, miền núi, vùng sâu vùng xa không thể áp dụng phương thức quản lý chung. Đối tượng này có điều kiện, đặc điểm khác biệt với các vùng miền khác, nên Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu liên quan đến miền núi, vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số nên để ở Ủy ban Dân tộc.

 

Các Ủy viên UBTVQH đồng ý với đề xuất của đề xuất của Ủy ban Tài chính và Ngân sách là đưa trái phiếu chính phủ vào ngân sách Nhà nước. Nhưng lượng vốn huy động qua phát hành trái phiếu chính phủ được đưa vào ngân sách Nhà nước có thể khiến khó thực hiện mục tiêu kiểm soát mức bội chi ở dưới mức 5%. Do vậy, đưa vào thời điểm nào, ở mức độ nào cần phải tính toán thêm – Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, đưa trái phiếu chính phủ vào ngân sách Nhà nước sẽ không gây sốc. Ngược lại đưa trái phiếu chính phủ vào sẽ giúp ngân sách nhà nước công khai, minh bạch, lành mạnh. Hơn nữa, bội chi hiện nay là do cơ cấu, không phải theo chu kỳ, nên cần sửa đổi chính sách tài khóa để tạo chuyển biến căn bản trong sử dụng ngân sách nhà nước. Đồng thời, trong điều kiện có nhiều khó khăn hiện nay, nếu khống chế chiếc bánh ngân sách theo từng mục tiêu chi, thì sẽ sử dụng càng khó hơn. Vì thế, cần tiếp tục ưu tiên dành mức ngân sách hợp lý cho y tế, giáo dục, khoa học, công nghệ, văn hóa, nhưng không nên khống chế theo một mức cố định, mà nên cho phép sử dụng linh hoạt.

P.Thủy

(http://daibieunhandan.vn)

Các bài viết khác