Hội nghị tham vấn Chính sách cho vay vốn đối với hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số

14/12/2011

Ngày 12.12, tại Hà Nội, trong khuôn khổ hoạt động của Dự án Tăng cường năng lực cho các cơ quan đại diện ở Việt Nam do Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) tài trợ, Hội đồng Dân tộc tổ chức Hội nghị tham vấn Chính sách cho vay vốn đối với hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Mục đích của Hội nghị nhằm đánh giá kết quả thực hiện chính sách tín dụng đối với công tác xóa đói giảm nghèo đồng thời kiến nghị những giải pháp để tiếp tục thực hiện phối hợp giám sát việc cho vay vốn vùng dân tộc thiểu số.

Tham dự hội nghị, các đại biểu được nghe các báo cáo, tham luận của đại diện các bộ, ngành liên quan, của các chuyên gia, và trao đổi về các vấn đề như Tổng quan về các chính sách, chương trình cho vay vốn đối với hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay, thực trạng và giải pháp trong thời gian tới; Cân đối ngân sách nhà nước cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số cho vay vốn giai đoạn 2006 – 2011; Vấn đề huy động nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế để tham gia vào công cuộc cho vay xóa đói giảm nghèo; Chính sách cho vay vốn, tạo việc làm đối với đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay - thực trạng và giải pháp; Kết quả kiểm toán việc cho vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội đối với hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn; Những giải pháp cơ bản để hạn chế rủi ro, nâng cao hiệu quả vốn vay sử dụng trong sản xuất nông nghiệp nhằm thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo đối với miền núi và vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống...

Tính đến nay, đang thực hiện 18 chương trình tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách  khác. Chương trình cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số có ý nghĩa, tác dụng hết sức to lớn, góp phần làm nên những thành tựu về giảm nghèo của nước ta, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn, hòa nhập với sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa cho trên 6 triệu lượt hộ nghèo; chuyển dịch cơ cấu kinh theo hướng sản xuất hàng hóa, rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, miền các dân tộc trong cả nước, góp phần thực hiện công bằng xã hội.

Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu cũng cho rằng, bên cạnh những  thành tựu mà chính sách cho vay vốn đối với hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số mang lại thì hiện nay, việc thực hiện chính sách này vẫn còn một số bất cập: ở một số địa phương việc xác định đối tượng thụ hưởng còn chưa chính xác, chưa kịp thời; định mức vay vốn, quy trình thủ tục vay vốn, thời điểm cho vay vốn có nhiều điểm chưa thật phù hợp, nhất là đối với hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số; chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư... với hoạt động vay vốn để giúp đỡ người nghèo, nên đã hạn chế hiệu quả của việc sử dụng nguồn vốn vay. Một số bộ phận người nghèo còn trông chờ ỷ lại vào chính sách chế độ, mặt khác, một bộ phận người nghèo là hộ đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng vốn chưa thật sự hiệu quả; nguồn vốn được vay còn quá thấp để người dân có thể sử dụng đầu tư phát triển sản xuất để thoát nghèo… Các đại biểu cũng đề nghị, trong thời gian tới, cần phải nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số của các cơ quan dân cử và của các đoàn thể xã hội và nâng định mức vốn vay đối với mỗi hộ dân.

 

Hà An

(http://daibieunhandan.vn/)

Các bài viết khác