Ủy ban Kinh tế công bố một số kết quả nghiên cứu kinh tế vĩ mô

20/12/2011

Sáng 19.12, Ủy ban Kinh tế đã tổ chức Hội thảo công bố một số kết quả nghiên cứu kinh tế vĩ mô.

Các kết quả nghiên cứu được công bố gồm: Tỷ giá hối đoái giai đoạn 2000-2011: các nhân tố quyết định, mức độ sai lệch và tác động đối với xuất khẩu; Lạm phát mục tiêu và hàm ý đối với khuôn khổ chính sách tiền tệ ở Việt Nam và Các chỉ tiêu giám sát tài chính. Các nghiên cứu này được thực hiện bởi các chuyên gia của Viện Kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế – ĐHQG Hà Nội và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

 

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, VNĐ đã bị định giá trên 20% vào thời điểm giữa năm 2010 và cũng trải qua một thời kỳ biến động theo hướng mất giá tới 20% trước khi xảy ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu; khẳng định, tỷ giá có ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu của nước ta và tác động này phụ thuộc vào cả hai yếu tố: sản phẩm xuất khẩu và thị trường xuất khẩu. Kết luận này tiếp tục khẳng định khả năng sử dụng công cụ tỷ giá trong việc thúc đẩy xuất khẩu. Thực tế, nhiều mặt hàng của nước ta có lợi thế xuất khẩu như dệt may, giày da, đồ gỗ, thiết bị điện tử đã có phản ứng tích cực khi VNĐ giảm giá. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, việc quyết định có sử dụng công cụ tỷ giá trong hoạt động xuất khẩu hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố và mục tiêu cụ thể của nền kinh tế; trong đó, những tác động bất lợi của việc giảm giá VNĐ đến lạm phát, khả năng trả nợ, tình hình tài chính của các doanh nghiệp liên quan đến nợ nước ngoài cần được tính toán kỹ lưỡng.

 

Về lạm phát mục tiêu, nhóm nghiên cứu cho rằng, thực hiện đầy đủ cơ chế điều hành chính sách tiền tệ lấy lạm phát làm mục tiêu có thể và nên trở thành tầm nhìn chiến lược của chính sách tiền tệ trong vòng 5 năm tới. Và để áp dụng được khuôn khổ điều hành chính sách tiền tệ lấy lạm phát làm mục tiêu thì cần phải xây dựng lộ trình cải cách thể chế và chuẩn bị các tiền đề cho việc áp dụng khuôn khổ điều hành này; Ngân hàng Nhà nước cần cải cách mạnh mẽ hơn nữa theo xu hướng trở thành Ngân hàng Trung ương hiện đại và phải tiếp tục cải tổ các thể chế tài chính, tài khóa, tiền tệ thật vững chắc.

 

Khẳng định việc củng cố và hoàn thiện hệ thống giám sát tài chính hợp nhất là một yêu cầu cấp thiết hiện nay, nhóm nghiên cứu cũng nêu rõ, nhiệm vụ đầu tiên của quá trình này là phải xây dựng được một bộ chỉ tiêu phục vụ cho việc giám sát hợp nhất thị trường tài chính dựa trên các tiêu chí giám sát tài chính hiện đại đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng; cần lấp kín các lỗ hổng pháp lý trong giám sát từng lĩnh vực tài chính và giữa các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm; phát hiện, ngăn chặn và xử lý hữu hiệu các hành vi đánh tráo quản lý, nhất là đối với hoạt động của các tập đoàn tài chính. Trong 5-10 năm tới, cần phân định rõ, tăng cường chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý, nhất là đối với Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cần có mức độ độc lập hơn trong xây dựng và thực thi chính sách tiền tệ – ngân hàng...

B. Long

(http://daibieunhandan.vn)

Các bài viết khác