Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Hội thảo góp ý cho sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992

26/12/2011

Ngày 24.12, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tổ chức Hội thảo góp ý cho dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 của Ủy ban và góp ý cho quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng chủ trì Hội thảo.

Theo dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) đã xác định rõ vai trò của QH là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, với ba nhiệm vụ quan trọng là lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Căn cứ vào quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức QH đã quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của QH và các cơ quan của QH. Đây là những căn cứ quan trọng để Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường ban hành quy chế hoạt động, cũng như thực hiện đổi mới trong tổ chức bộ máy, các hoạt động lập pháp, giám sát, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng. Đối với các nội dung về khoa học, công nghệ và môi trường, Hiến pháp 1992 đã quy định rõ quan điểm, chính sách của Nhà nước với những lĩnh vực này tại các Điều 37, 38 và 39. Trong đó, khẳng định được vai trò trung tâm của Nhà nước trong việc xây dựng và thực hiện chính sách phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, với những tư tưởng định hướng khá rõ, nêu rõ quan điểm chủ yếu trong chính sách khoa học và công nghệ, quyền của công dân trong hoạt động này. Nhưng vấn đề môi trường được đề cập còn mờ nhạt, chưa cập nhật xu thế phát triển bền vững hiện nay; quy định quá cụ thể, tương tự như một văn bản luật, chưa đủ tầm của một bản Hiến pháp.

 

Các đại biểu cơ bản tán thành với dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Và đề nghị, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 cần tiếp tục khẳng định QH là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp, thực hiện quyền giám sát tối cao, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Và xác định rõ hơn nội dung những vấn đề quan trọng của đất nước thuộc thẩm quyền quyết định của QH. Trên cơ sở này, có ý kiến cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 chưa nên quy định về bỏ HĐND cấp huyện, quận, phường để bảo đảm người dân có đại diện cho mình ở các cấp. Hơn nữa, HĐND cấp tỉnh, thành phố khó có thể bao quát, sát sao đối với hoạt động của cơ quan dân cử cấp xã, phường. Đối với các quy định liên quan đến khoa học, công nghệ, nhiều đại biểu đề nghị, cần bổ sung quy định về việc bảo hộ quyền tự do sáng tạo và quyền sở hữu trí tuệ của công dân. Bởi công dân được khẳng định, cũng như bảo vệ quyền sáng tạo của mình trong Hiến pháp, thì sẽ tạo động lực cho toàn xã hội đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, có nhiều đóng góp cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với quy định về môi trường cần khẳng định: lồng ghép quan điểm phát triển bền vững đất nước, bảo đảm tăng trưởng kinh tế gắn với bảo đảm công bằng xã hội, và bảo vệ môi trường trong mọi quyết sách của Nhà nước, hoạt động của mọi tổ chức, cá nhân.

P.Thủy

(http://daibieunhandan.vn)

Các bài viết khác