Chưa đưa ra được định nghĩa chính thức, thống nhất về bạo lực, xâm hại trẻ em

29/12/2011

Đây là nhận định của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tại Hội thảo đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2008 - 2010, ngày 27/12 tại TP Hồ Chí Minh.

Theo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, mặc dù trong thời gian qua, công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em đã đạt được những kết quả nhất định nhưng tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em vẫn còn diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng. Trong khi đó, pháp luật hiện chưa đưa ra được một định nghĩa chính thức, thống nhất về bạo lực, xâm hại trẻ em; chưa quy định cụ thể, chi tiết các hành vi bạo lực và xâm hại trẻ em. Sự phối hợp giữa các cơ quan từ Trung ương đến địa phương trong thực hiện phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em còn lỏng lẻo, chưa kiên quyết. Công tác phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em còn kém hiệu quả thể hiện qua việc quản lý, nắm bắt một cách mơ hồ số trẻ em di cư theo gia đình, trẻ em lao động sớm có nguy cơ cao bị bạo lực, xâm hại. Hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em đang thiếu, chưa chuyên nghiệp cũng như chưa thân thiện, nhất là trong gia đình và trường học. Ở nhiều thôn bản, địa phương không còn duy trì đội ngũ cộng tác viên làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em nên việc thu thập thông tin về tình hình trẻ em hiện đang gặp nhiều khó khăn và thiếu chính xác.

 

Theo báo cáo của Cục Cảnh sát Hình sự - Bộ Công an, giai đoạn 2008 - 2010, cả nước đã phát hiện 4.353 vụ xâm hại trẻ em với 5.370 đối tượng gây án và 4.688 trẻ bị xâm hại, nhiều nhất là ở Hà Nội gần 500 vụ, Lâm Đồng gần 400 vụ và TP Hồ Chí Minh gần 300 vụ... Trong đó nhiều nhất là các vụ xâm hại tình dục trẻ em với hơn 60% tổng số vụ xâm hại. Tuy vậy, số vụ bạo lực và xâm hại trẻ em được phát hiện, khởi tố, điều tra, xử lý còn thấp hơn nhiều so với thực tế.

 

Khung pháp luật hiện hành chỉ tập trung điều chỉnh một số hình thức xâm hại tình dục trẻ em nghiêm trọng như hiếp dâm, cưỡng dâm, buôn bán trẻ em để sử dụng vào mục đích tình dục... chứ chưa điều chỉnh hình thức xâm hại tình dục trẻ em ít nghiêm trọng hơn như quấy rối tình dục, dâm ô… Hệ thống tư pháp thiếu các quy định cụ thể liên quan đến trình tự, thủ tục tố tụng đặc biệt dành cho vụ việc liên quan đến trẻ em, trong đó có việc lấy lời khai đối với trẻ em, dẫn đến chất lượng giải quyết các vụ án về bạo lực và xâm hại trẻ em chưa cao.

 

Đồng quan điểm này, đại diện Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam cho rằng, các điều khoản pháp lý hiện hành và thực tế không đủ bảo vệ toàn diện và hỗ trợ trẻ em là nạn nhân và chứng cứ trong các vụ án hình sự, do đó cần xây dựng thủ tục tòa án thân thiện với trẻ em.

 

PV

(http://daibieunhandan.vn)

Các bài viết khác