Hội thảo về dự án Luật Giám định tư pháp

21/02/2012

Ngày 20 - 21.2, dưới sự chủ trì của Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, Ủy ban Tư pháp đã tổ chức Hội thảo về dự án Luật Giám định tư pháp.

Sau 6 năm triển khai thi hành Pháp lệnh Giám định tư pháp, công tác giám định tư pháp đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Hoạt động giám định tư pháp đã góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; kết luận giám định đúng đắn, khách quan giúp cho việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án được nghiêm minh, đúng pháp luật, hạn chế oan sai góp phần quan trọng trong việc bảo đảm trật tự an toàn xã hội, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, kết quả tổng kết 6 năm thi hành Pháp lệnh Giám định tư pháp cho thấy, hệ thống văn bản pháp luật về giám định tư pháp còn nhiều vướng mắc, thiếu sót, chưa đáp ứng đầy đủ và kịp thời yêu cầu của hoạt động tố tụng. Do đó, yêu cầu đặt ra cho dự án Luật Giám định tư pháp là phải tháo gỡ được những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý bền vững cho hoạt động giám định tư pháp, góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động tố tụng mà trọng tâm là bảo đảm việc phán quyết của tòa án được kịp thời, khách quan, đúng pháp luật.

 

Các đại biểu tham dự Hội thảo cho rằng, để công tác giám định tư pháp trong thời gian tới có chuyển biến mạnh mẽ, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách tư pháp thì cần nghiên cứu, sửa đổi các quy định của pháp luật tố tụng và pháp luật giám định tư pháp theo hướng mở rộng quyền yêu cầu giám định tư pháp cho bị can, bị cáo và các bên đương sự trong các vụ án theo lộ trình phù hợp. Quy định rõ các điều kiện tham gia thực hiện giám định tư pháp của các tổ chức chuyên môn, cơ chế lựa chọn, lập và công bố các tổ chức chuyên môn ở các lĩnh vực không có tổ chức giám định tư pháp chuyên trách; quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu và người được phân công thực hiện giám định tư pháp của các tổ chức chuyên môn thực hiện giám định. Ngoài ra, cần nghiên cứu, quy định theo hướng nâng cao trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ quản lý lĩnh vực chuyên môn về giám định tư pháp và có cơ chế phối hợp, cộng đồng trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có liên quan đối với hoạt động giám định tư pháp. Theo đó, các bộ, ngành chủ quản, UBND chịu trách nhiệm trước Chính phủ có trách nhiệm bảo đảm cơ sở vật chất, bảo đảm số lượng, chất lượng đội ngũ người làm công tác giám định tư pháp.

Quang Khánh

(http://daibieunhandan.vn)

Các bài viết khác