Cử tri với Quốc hội: Tái cơ cấu nền kinh tế là cần thiết

09/06/2012

Phiên thảo luận của đại biểu Quốc hội về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế ngày 8/6 được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi.

Đây là một nội dung quan trọng, nhằm cụ thể hóa tinh thần của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết về phát triển kinh tế- xã hội của Quốc hội. Phiên thảo luận được cử tri cả nước quan tâm theo dõi và thể hiện sự đồng tình với nhiều nội dung của Đề án.

Tiến hành tái cơ cấu chắc chắn, thận trọng

Nhận xét về Phiên thảo luận hội trường chiều 8/6, cử tri Trần Ngọc Lưu, Cán bộ Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương I cho rằng: Các đại biểu có những ý kiến, phân tích rất thẳng thắn, sâu sắc về Đề án tái cơ cấu kinh tế với trọng tâm là tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tái cơ cấu ngân hàng, đầu tư công.

Đây là đề án đòi hỏi những chi phí kinh tế-xã hội không nhỏ, đụng chạm đến quyền lợi của nhiều nhóm lợi ích khác nhau, do đó, đặt cả Chính phủ lẫn toàn bộ nền kinh tế trước những thử thách to lớn. Để thành công trong tái cơ cấu hệ thống ngân hàng - một công việc phức tạp và khả năng ảnh hưởng rộng lớn, theo cử tri Trần Ngọc Lưu nên tiến hành chắc chắn, thận trọng, nếu không sẽ có những biến cố khôn lường. Không được phép hiểu tái cơ cấu ngân hàng là "dẹp ngân hàng nhỏ" hoặc "sáp nhập ngân hàng yếu để tăng chất lượng hoạt động" mà phải được hiểu là xử lý nợ xấu; cải tổ tổ chức, hoạt động; nâng cao hiệu quả hệ thống giám sát.

Theo ý kiến của cử tri Lưu, hiện nay quá trình tái cơ cấu bản thân của hệ thống ngân hàng bước đầu có những kết quả tích cực, qua trường hợp sáp nhập Ngân hàng Nhà Hà Nội (Habubank) vào Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB), và mới đây là sự thay đổi căn bản trong cơ cấu Hội đồng Quản trị của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) sau Đại đội đồng cổ đông diễn ra vào 26/5 khi có 8 thành viên mới đến từ hai ngân hàng khác.

"Tương tự đó, nhiều ngân hàng thương mại khác cũng đã tự thân tái cơ cấu và cơ bản xong các bước quan trọng như trường hợp Ngân hàng Bản Việt (VietCapital Bank), Ngân hàng Tiên Phong (TienPhongBank)… với sự thay đổi lớn về cơ cấu cổ đông, quản trị và cả chiến lược hoạt động," cử tri Lưu bày tỏ.

Các đơn vị kinh tế phải chủ động tái cấu trúc

Phiên họp thảo luận về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế của Quốc hội khóa XII trong ngày 8/6 được đông đảo cử tri Quảng Ninh quan tâm theo dõi. Ông Bùi Văn Khích, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ninh, kiêm Bí thư Đảng ủy Than Quảng Ninh cho biết: tái cơ cấu lại nền kinh tế vĩ mô là cần thiết. Tuy nhiên, để hiện thức hóa đòi hỏi các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp phải chủ động tái cơ cấu lại vốn đầu tư, cơ cấu lại các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả đầu tư vốn.

Ông Phạm Văn Bình, Giám đốc Công ty thương mại và dịch vụ du lịch Cẩm Phả đồng tình với việc đề án tái cơ cấu nền kinh tế, bởi làm như vậy, sẽ tạo sự bình đẳng hơn giữa các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước. Các doanh nghiệp có cơ hội ngang nhau trong việc tiếp cận từ dịch vụ tài chính đến thị trường lao động, tiêu thụ… nên họ buộc phải chủ động hơn trong việc tổ chức sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Cần xác định quy hoạch then chốt

Đề cập đến nhóm giải pháp nâng cao chất lượng các quy hoạch, ông Lê Thanh Quang- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa bày tỏ lâu nay chúng ta “lạm phát” quy hoạch: trung ương quy hoạch, địa phương (tỉnh) đều quy hoạch, các ngành quy hoạch, tạo nên sự chồng chéo, không xác định được quy hoạch nào là then chốt.

Ông Lê Thanh Quang nhận xét: "chúng ta thiếu quy hoạch vùng, miền. Đơn cử 7 tỉnh duyên hải miền Trung có nhiều lợi thế tương đồng, đủ điều kiện để liên kết phát triển kinh tế vùng, tạo nên thế mạnh nhất định, như công nghiệp đóng tàu, lọc hóa dầu, cảng biển, du lịch... Nhưng khu vực này chưa liên kết được, vì chưa “gặp” nhau ở quy hoạch chung, mạnh tỉnh nào tỉnh đó làm, gây nên sự manh mún, nhỏ lẻ."

Theo ông Lê Thanh Quang, Đề án tái cơ cấu kinh tế cần thiết phải quy hoạch lại nhiều lĩnh vực mới nâng cao được chất lượng; trong đó lấy quy hoạch sử dụng các loại đất làm then chốt, đi kèm với kế hoạch sử dụng đất lâu dài, qua đó, xây dựng các quy hoạch khác. Các vùng, miền, các ngành, các địa phương phải tuân thủ theo quy hoạch tổng thể.

Ông Nguyễn Văn Ái- Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Khánh Hòa cho rằng đối với giải pháp “Đổi mới phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp” theo hướng tăng quy mô sản xuất, tập trung chuyên canh, áp dụng quy trình và kỹ thuật sản xuất hiện đại, việc tái cơ cấu nền kinh tế cần chú trọng đề ra những cơ chế, chính sách tiêu thụ nông sản.

Những vùng sản xuất tập trung chuyên canh, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, tạo năng suất cao đã được xây dựng... Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm bấp bênh, có sự độc quyền trong mua sản phẩm, nên người sản xuất chịu thiệt. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cụ thể, như trợ giá, bảo hiểm trong nông nghiệp; có sự định hướng và dự báo các sản phẩm cần sản xuất, tăng mức hỗ trợ vốn, có biện pháp chống độc quyền trong việc mua sản phẩm, ông Nguyễn Văn Ái đề xuất./.

 

(http://www.vietnamplus.vn/)

Các bài viết khác