Sẽ thông qua Luật biển Việt Nam ngay trong kỳ họp này

13/06/2012

Với 86% đại biểu nhất trí, sáng 12-6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.

Theo đó, dự án Luật biển Việt Nam được đưa vào Chương trình thông qua tại kỳ họp thứ 3. Chiều 15-6, Quốc hội sẽ họp riêng thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật biển Việt Nam. Và luật này sẽ được biểu quyết thông qua vào sáng 21-6.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, việc đưa dự án Luật biển Việt Nam thông qua tại kỳ họp thứ ba này được đại biểu Quốc hội nhất trí cao.

Ngoài ra, Nghị quyết còn điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 như sau:

Chuyển dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế từ Chương trình thông qua tại kỳ họp thứ 3 sang Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 và thông qua tại kỳ họp thứ 4.

Bổ sung dự án Luật việc làm, dự án Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi) vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4.

Bổ sung dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012.

Chuyển dự án Luật đất đai từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 sang Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5.

Rút dự án Luật đô thị, Luật quy hoạch, Luật thư viện ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012.

Bổ sung dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012.

Theo ông Phan Trung Lý, các dự án Luật thư viện, Luật quy hoạch và Luật đô thị đều thuộc Chương trình nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, cho đến thời điểm này chưa xác định rõ phạm vi và các chính sách của luật, do đó chưa đưa vào Chương trình năm 2012, năm 2013.

Nghị quyết cũng bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII các dự án: Luật doanh nghiệp (sửa đổi),Luật đầu tư (sửa đổi), Luật ban hành quyết định hành chính, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân.

Ngoài ra, Quốc hội cũng thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013 gồm 30 dự án luật, 4 dự án pháp lệnh. Theo đó, Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 5 và thông qua vào lỳ họp thứ 6 tới. Năm 2013, trong kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ thông qua 10 dự án luật và cho ý kiến 11 dự án luật khác. Còn trong kỳ họp thứ 6, dự kiến Quốc hội sẽ thông qua 12 dự án luật và cho ý kiến 8 dự án luật.

Trong hai lần góp ý ở tổ và hội trường, nhiều ý kiến đề nghị giảm bớt số lượng dự án trong Chương trình kỳ họp thứ 6, vì kỳ họp này phải dành thời gian cho việc xem xét, thông qua Hiến pháp năm 1992 sửa đổi.

Nhưng theo Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, trong tổng số 20 dự án trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 đã có đến 10/20 dự án sửa đổi, bổ sung một số điều, 5/20 dự án sửa đổi nên sẽ bảo đảm quỹ thời gian cho việc xem xét, thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và các dự án được đưa vào Chương trình. Do đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như dự kiến. Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm chuẩn bị tốt các dự án để bảo đảm chất lượng, tiến độ trình Quốc hội.

 

VÂN MINH

(http://www.nhandan.com.vn/)

Các bài viết khác