Hội thảo khoa học Một số vấn đề cơ bản của hiến pháp các nước trên thế giới

18/06/2012

Nằm trong Dự án tăng cường năng lực cho các cơ quan đại diện của Việt Nam do Chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) tài trợ, ngày 16/6, tại Hải Phòng diễn ra Hội thảo khoa học Một số vấn đề cơ bản của Hiến pháp các nước trên thế giới do Ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tổ chức.

Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý chủ trì hội thảo. 

Các chuyên gia tham dự hội thảo đã thảo luận và cho ý kiến về các nội dung chính trong bộ tài liệu tham khảo Một số vấn đề cơ bản của Hiến pháp các nước trên thế giới do Ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 biên soạn. Trong đó, các đại biểu tập trung phân tích các vấn đề chính đang đặt ra trong quá trình tổng kết, nghiên cứu dự thảo sửa đổi Hiến pháp của nước ta như: chủ quyền nhân dân và các hình thức nhân dân trực tiếp thực hiện quyền lực nhà nước; các quyền tự do trong Hiến pháp; các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học, công nghệ, môi trường, quốc phòng an ninh, đối ngoại. Ngoài ra, các đại biểu cũng đã cùng bàn thảo về vấn đề tổ chức bộ máy nhà nước trung ương, chính quyền địa phương và quy trình sửa đổi, bổ sung hiến pháp qua kinh nghiệm của các nước trên thế giới.

 

 Thảo luận vấn đề chủ quyền nhân dân và các hình thức nhân dân trực tiếp thực hiện quyền lực nhà nước, chuyên gia cao cấp của QH GS, TS Trần Ngọc Đường cho rằng, cần phải làm thêm một số nội dung mà Hiến pháp phải quy định về chủ quyền nhân dân và các hình thức nhân dân thực hiện chủ quyền của mình và cách thức quy định trong hiến pháp. Trong quy định về nhân dân biểu quyết phê chuẩn cần phải làm rõ có bao nhiêu nước nhân dân biểu quyết phê chuẩn Hiến pháp và các hình thức phê chuẩn khác nhau giữa các nước, vì đây là một trong những thông tin cần có để tham khảo trong nội dung này. Ngoài ra, tài liệu tham khảo cũng cần phải làm rõ Hiến pháp các nước quy định nội dung các nguyên tắc chủ quyền thuộc về nhân dân và nguyên tắc nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước; làm rõ hơn vấn đề trưng cầu dân ý và cách thức quy định trong Hiến pháp các nước về quy định này.

 

 Bàn luận về nội dung chính của một bản hiến pháp, bên cạnh các nội dung được trình bày trong bộ tài liệu tham khảo, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng, cần phải bổ sung và khẳng định chủ quyền nhân dân là một trong những nội dung quan trọng của mỗi bản hiến pháp thay vì chỉ được nhóm nghiên cứu xem là một trong những nguyên tắc cơ bản tổ chức quyền lực nhà nước. Theo TS Nguyễn Văn Thuận, tùy thuộc vào chế độ chính trị của mỗi quốc gia, vấn đề chủ quyền nhân dân được xử lý trong hiến pháp một cách chính thống nhằm bảo đảm quyền lực nhân dân trên ba phương diện: quyền bầu cử; quyền phán quyết hiến pháp; quyền tham gia biểu quyết khi trưng cầu ý dân.

 

 Về các quyền và tự do trong hiến pháp, TS Tường Duy Kiên (Viện nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, nhóm nghiên cứu đã khái quát được một số vấn đề cơ bản về quyền và các quyền tự do cơ bản của con người; bước đầu phân tích mối quan hệ giữa hiến pháp và quyền con người trên hai đặc điểm được đưa ra là quyền con người là cảm hứng cho sự phát triển của hiến pháp và hiến pháp là xúc tác của luật nhân quyền quốc tế. TS Tường Duy Kiên đề nghị bộ tài liệu cần tập trung phân tích sâu hơn về cách thức xây dựng chế định quyền con người, quyền công dân trong hiến pháp của một nước. Ngoài ra, TS Tường Duy Kiên cũng kiến nghị nhóm nghiên cứu nên làm rõ thêm một số nhận định, ví như khi tìm hiểu về khái niệm quyền và tự do hay quyền con người và quyền công dân.

 

 Đề cập đến sự tham gia của nhân dân vào hoạt động lập hiến, ông Nicholas Booth, cố vấn chính sách của UNDP Việt Nam cho biết, Liên Hiệp Quốc vừa xuất bản cuốn sách tổng quan về lập hiến của các nước thế giới, trong đó có vấn đề về sự tham gia rộng rãi của người dân vào quá trình lập hiến. Việc tham gia vào quá trình lập hiến của người dân đã được coi là nguyên tắc chuẩn mực của nhiều quốc gia. Ông Nicholas Booth lấy ví dụ, năm 1994, Nam Phi tiến hành sửa hiến pháp, theo kế hoạch là trong 3 năm. Ban soạn thảo đã dành 1 năm đầu tiên để tham khảo ý kiến người dân, chuyên gia về các nội dung của hiến pháp trên cơ sở công khai minh bạch mọi thông tin liên quan. Các thành viên của Hội đồng soạn thảo hiến pháp đã đi đến các điểm tiếp xúc, tuyên truyền giáo dục cho cử tri về hiến pháp, tập trung vào nhóm người yếm thế trong xã hội. Các hội thảo, hoạt động tiếp xúc này có 2 mục đích là giáo dục cho người dân và tham khảo ý kiến của người dân. Trong đó, làm cho người dân hiểu tầm quan trọng của hiến pháp. Khi người dân hiểu được hiến pháp thì họ sẽ đưa ra ý kiến bình luận. Kết quả, rất nhiều người dân Nam Phi đã gửi bản kiến nghị về sửa đổi hiến pháp và Hội đồng soạn thảo đã tham khảo các góp ý này, xây dựng một hiến pháp được sự đồng thuận cao trong xã hội. Chuyên gia Booth cho rằng, ở Việt Nam hoàn toàn có khả năng tăng cường sự tham gia của người dân vào việc sửa đổi hiến pháp; đồng thời, Liên Hiệp Quốc cam kết hỗ trợ Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trong đó có việc tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình này.

 

 Tại hội thảo, nhiều ý kiến đại biểu đánh giá cao giá trị khoa học và giá trị tham khảo của tài liệu Một số vấn đề cơ bản của Hiến pháp các nước trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh nước ta đang tiến hành sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Bộ tài liệu này sẽ tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, để làm tài liệu tham khảo chính thức, phục vụ cho công tác nghiên cứu, dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; đồng thời, cung cấp cho các ĐBQH, các chuyên gia, các cơ quan, tổ chức hữu quan tham khảo.

 

 

 

Tự Cường

(http://daibieunhandan.vn)

Các bài viết khác