Thông qua sửa đổi pháp lệnh về ưu đãi người có công

17/07/2012

Chiều 16/7, tiếp tục phiên họp lần thứ chín, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9/2012.

Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội là để đảm bảo tính khả thi của các chế độ, chính sách mới, Điều 3 dự thảo Pháp lệnh chỉnh lý theo hướng quy định rõ thời điểm có hiệu lực thi hành đối với chế độ trợ cấp hàng tháng đối với người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị bắt tù đầy, trợ cấp phục vụ đối với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên được thực hiện từ ngày 1/9/2012; các chế độ, chính sách còn lại sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2013.

Về điều khoản chuyển tiếp để thực hiện chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được công nhận trước ngày 1/9/2012, đa số thành viên Ủy ban Thương vụ Quốc hội nhất trí quy định rõ việc chuyển đổi mức trợ cấp trong Pháp lệnh.

Theo đó, người hoạt động kháng chiến, bị nhiễm chất độc hóa học được công nhận trước ngày 1/9/2012, hưởng trợ cấp hàng tháng theo mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên thì tiếp tục hưởng chế độ hiện hưởng.

Người đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo mức suy giảm khả năng lao động dưới 81% thì tiếp tục hưởng chế độ cho đến ngày 31/12/2012 và được chuyển sang hưởng trợ cấp của người suy giảm khả năng lao động từ 41% đến 60% kể từ ngày 1/1/2013.

Trường hợp người đã được chuyển sang hưởng trợ cấp của người suy giảm khả năng lao động từ 41% đến 60% mà có yêu cầu thì có thể được giám định lại và được hưởng trợ cấp tương ứng với mức độ suy giảm khả năng lao động theo kết quả giám định. Quy định này nhằm bảo đảm sự liên tục trong chính sách về cơ bản không phải thực hiện việc giám định lại tỷ lệ suy giảm khả năng lao động cho số người đang hưởng trợ cấp hàng tháng.

Cùng trong buổi chiều, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về việc xin chủ trương thành lập thành phố Bà Rịa thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trong thời gian thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường.

Đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với chủ trương thành lập thành phố Bà Rịa thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu theo Tờ trình của Chính phủ.

Theo Tờ trình, Thành phố Bà Rịa được đề nghị thành lập trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng diện tích tự nhiên, dân số và các đơn vị hành chính cấp xã của thị xã Bà Rịa (gồm 8 phường đang thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân và 3 xã có đầy đủ cả Hội đồng nhân dân vả Ủy ban nhân dân).

Nhiều ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng khi thị xã Bà Rịa được nâng cấp lên thành phố vẫn giữ nguyên 8 phường và 3 xã, vì vậy, không thuộc phạm vi yêu cầu không được điều chỉnh địa giới hành chính của Nghị quyết số 724/2009/NQ-UBTVQH12; đồng thời, không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ trương thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân ở các địa phương thuộc thị xã Bà Rịa sau khi có quyết định thành lập thành phố Bà Rịa.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đều nhất trí với báo cáo ý kiến của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, theo đó, theo quy định tại Điều 16 của Luật Tổ chức Chính phủ thì việc quyết định thành lập thành phố thuộc tỉnh là nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Việc Chính phủ có Tờ trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chủ trương thành lập thành phố Bà Rịa thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thể hiện thái độ thận trọng, nghiêm túc của Chính phủ trong việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, nhất là trong điều kiện tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang được Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường.../.

 

Phúc Hằng (TTXVN)

(http://www.vietnamplus.vn/)

Các bài viết khác