Tọa đàm khoa học các vấn đề tài chính, ngân sách và tiền tệ trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

11/05/2013

Ngày 9.5, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã phối hợp với Thường trực ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tổ chức Tọa đàm khoa học các vấn đề tài chính, ngân sách và tiền tệ trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có những thay đổi khá căn bản so với Hiến pháp năm 1992 và các Hiến pháp trước đó trong các quy định về tài chính, về thẩm quyền của các cơ quan dân cử trong quyết định và giám sát tài chính Nhà nước, ngân sách Nhà nước. Trong đó, chế định khác biệt nhất so với Hiến pháp hiện hành là quy định QH quyết định nguyên tắc phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; quyết định mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ Chính phủ; quyết định dự toán và phân bổ ngân sách Trung ương; phê chuẩn quyết toán ngân sách Trung ương; xem xét báo cáo tổng hợp dự toán và quyết toán ngân sách Nhà nước... (khoản 4, Điều 75, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992). Dự thảo thu hẹp thẩm quyền quyết định ngân sách Nhà nước của QH, nhưng lại không quy định cụ thể cơ quan nào có thẩm quyền quyết định ngân sách địa phương – bộ phận cấu thành quan trọng của ngân sách Nhà nước.

Tại Tọa đàm, nhiều ý kiến tán thành với Điều 75 của Dự thảo về việc ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Bởi lẽ thu ngân sách và nhiệm vụ chi ngân sách của Trung ương và địa phương khác nhau, nếu sử dụng chung khái niệm ngân sách Nhà nước rồi phân cấp cho địa phương sẽ gây ra tình trạng lẫn lộn các dòng tiền. Ngoài ra, việc tách bạch ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương cũng đúng với thẩm quyền của QH và thẩm quyền của HĐND. Quy định như vậy sẽ giúp khắc phục được hạn chế trùng lặp, chồng chéo trong quyết định ngân sách Nhà nước hiện nay. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, quy định QH chỉ quyết định dự toán ngân sách Trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách Trung ương là thu hẹp phạm vi về thẩm quyền của QH trong lĩnh vực ngân sách Nhà nước, không phù hợp với vị thế, vai trò của QH - cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân. Trong điều kiện chất lượng công tác quy hoạch chưa tốt, quy mô ngân sách Nhà nước còn nhỏ, chi thường xuyên và chi trả nợ chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi ngân sách Nhà nước, chi đầu tư chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vay bù đắp bội chi ngân sách Nhà nước... thì việc phân cấp cho các địa phương tự quyết định ngân sách của mình có nguy cơ phân tán nguồn lực, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính công. Do đó, các ý kiến này cho rằng, cần giữ quy định QH quyết định dự toán ngân sách Nhà nước, phân bổ ngân sách Trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước.

P.Thủy

(http://daibieunhandan.vn/)

Các bài viết khác