Thường trực Hội đồng Dân tộc làm việc với các bộ, ngành về việc thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn vùng dân tộc thiểu số

01/08/2013

Sáng 30.7, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước, Thường trực Hội đồng Dân tộc đã họp phiên mở rộng làm việc với các bộ, ngành về việc thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn vùng dân tộc thiểu số.

Theo đại diện lãnh đạo Bộ NN và PTNT, sau 3 năm thực hiện Quyết định 1956 ngày 27.11.2009 của Thủ tướng về Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, Sở NN và PTNT các tỉnh, thành đã chủ động tham gia và chịu trách nhiệm trong việc đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Việc đào tạo nghề được thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo: khẩn trương nhưng chắc, bảo đảm chất lượng và hiệu quả đào tạo. Công tác xây dựng chương trình, giáo trình dạy nghề nông nghiệp trình độ sơ cấp nghề đã được thực hiện thống nhất và đồng bộ. Các chương trình đào tạo nghề cũng được xây dựng theo hướng đơn giản, dễ hiểu phù hợp với đối tượng là lao động nông thôn. Công tác thí điểm thẻ học nghề nông nghiệp tại Thanh Hóa, Bến Tre đã đạt được một số kết quả nhất định. Việc tổ chức học nghề được gắn với kế hoạch phát triển sản xuất của địa phương và từng hộ gia đình nên hiệu quả đào tạo cao hơn. Các cơ sở dạy nghề có chất lượng thu hút được nhiều người học, tạo ra được cơ chế bình đẳng trong dạy nghề. Tuy nhiên, tỷ lệ người được áp dụng kiến thức học vào công việc ngay trong thời gian học và sau khi tốt nghiệp còn hạn chế. Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan, đặc biệt giữa Sở Lao động LĐ, TB và XH, Sở NN và PTNT, Sở Tài chính ở một số địa phương còn chưa nhuần nhuyễn, kịp thời. Trong việc thí điểm thẻ nghề, thủ tục cấp thẻ học nghề còn phức tạp dẫn đến thời gian tổ chức các lớp dạy nghề kéo dài, học viên phải chờ đợi. Một bộ phận người lao động chưa thực sự được học đúng nghề, đúng cơ sở đào tạo theo nhu cầu do khó khăn trong công tác tổ chức lớp học.

Đánh giá cao cố gắng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc triển khai thực hiện chính sách đào tạo nghề khu vực nông thôn vùng dân tộc thiểu số, các đại biểu đề nghị, trong báo cáo của Bộ cần bổ sung đánh giá thêm việc thực hiện chính sách đào tạo nghề theo Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa IX) về công tác dân tộc. Phân tích và làm rõ việc triển khai Quyết định 1956 đã gắn với mục tiêu quy hoạch, kế hoạch sản xuất ở các địa phương hay chưa? Nếu đào tạo nghề không theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch ở địa phương, chỉ chạy theo số lượng sẽ không bảo đảm hiệu quả chương trình đào tạo nghề. Bộ cũng cần làm rõ tiêu chí cấp thẻ nghề; tính thống nhất của các chương trình đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn vùng dân tộc thiểu số; sự phối hợp giữa các bộ, ngành ở Trung ương, địa phương trong việc thực hiện chính sách đào tạo nghề; Chỉ rõ tính liên kết giữa 4 nhà: nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nước trong quá trình tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp do người lao động khu vực nông thôn, người dân tộc thiểu số sản xuất.

Cùng ngày, Hội đồng Dân tộc cũng nghe Ủy ban Dân tộc, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo về việc thực hiện chính sách dạy nghề cho lao động khu vực nông thôn vùng dân tộc thiểu số.

Hoàng Ngọc

(http://daibieunhandan.vn/)

Các bài viết khác