Phiên họp thứ Hai mươi của Uỷ ban thường vụ Quốc hội

20/08/2013

Buổi sáng 19-8, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH đã cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Tiếp công dân

* Dự án Luật Tiếp công dân: Không nên thiết lập một quy trình tiếp công dân mang tính chất hành chính quá cứng, sẽ không có lợi cho người dân

 * Dự án Luật Thi đua, khen thưởng: Việc giảm bớt các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước cần được tiếp tục nghiên cứu, xem xét khi sửa đổi toàn diện Luật

 * Dự án Luật Việc làm: Cần quy định cụ thể đối tượng và điều kiện được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ tạo việc làm

 

 

Sáng 19.8, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH đã cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Tiếp công dân.

 

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tiếp công dân, do Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày, cho biết, tại Kỳ họp thứ Năm, QH Khóa XIII đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật Tiếp công dân, trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH, dự án Luật lần này được chỉnh lý theo hướng khẳng định trách nhiệm tiếp công dân của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị,      tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập là các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Trong đó, tập trung quy định về trách nhiệm và cách thức tổ chức tiếp công dân của cơ quan nhà nước, việc tiếp công dân của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, của đơn vị sự nghiệp công lập sẽ do các tổ chức, đơn vị này tự quy định phù hợp với yêu cầu, tính chất hoạt động của từng tổ chức, đơn vị. Về trụ sở tiếp công dân, dự thảo Luật xác định rõ 3 loại Trụ sở tiếp công dân gồm Trụ sở tiếp công dân ở Trung ương, Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh và Trụ sở tiếp công dân cấp huyện. Đối với việc tổ chức tiếp công dân của các cơ quan của QH, Đoàn ĐBQH, ĐBQH, HĐND, đại biểu HĐND các cấp, có ý kiến cho rằng quy định của dự án Luật còn chung chung, chưa cụ thể, có điểm còn mâu thuẫn, chưa làm rõ cách thức tổ chức tiếp công dân, trách nhiệm của đại biểu đối với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kiến nghị, phản ánh của nhân dân, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, để nâng cao trách nhiệm, phát huy tính chủ động của ĐBQH, các cơ quan của QH trong việc tiếp công dân, đồng thời tạo thuận lợi cho người dân khi muốn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tới các cơ quan này, trong dự thảo Luật Tiếp công dân cần quy định trách nhiệm của các cơ quan, của đại biểu trong việc tiếp công dân.

 

Đa số Ủy viên UBTVQH cơ bản tán thành với nội dung của Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tiếp công dân. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, dự án Luật Tiếp công dân lần này đã kết nối chặt chẽ hơn với Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Trương Thị Mai cũng đề nghị, Ban soạn thảo nên cân nhắc mục tiêu của việc tiếp công dân theo hướng bảo đảm người dân có thể đưa ra các vấn đề của mình và các cơ quan tiếp cận vấn đề một cách có lợi cho người dân hơn. Đồng thời, dự án Luật phải phù hợp với thực tiễn cuộc sống, không nên thiết lập một quy trình tiếp công dân mang tính chất hành chính quá cứng, sẽ không có lợi cho người dân. Ví dụ, nếu đưa các cuộc tiếp xúc cử tri ra khỏi việc tiếp công dân, thì phải cân nhắc lại, bởi trong các cuộc tiếp xúc cử tri, một mặt người dân phản ánh kiến nghị những vấn đề liên quan đến chính sách, pháp luật, mặt khác, người dân đưa đơn, thư kiến nghị, thậm chí có đơn tố cáo về những vấn đề liên quan đến cuộc sống người dân - như vậy quy trình này có được xem là một quy trình trong quá trình chúng ta giải quyết khiếu nại, tố cáo hay không? Phải suy nghĩ từ thực tiễn cuộc sống để cân nhắc thêm quy định về tiếp công dân. Bên cạnh đó, không riêng ĐBQH, nhiều cơ quan khác, nhiều người có thẩm quyền khác trong cơ quan nhà nước có thể tiếp công dân theo một cách thức sinh động, mềm mại, uyển chuyển hơn mà người dân cảm thấy gần gũi và giải quyết được những vấn đề của người dân đặt ra. Chủ nhiệm Trương Thị Mai nhấn mạnh, quy trình chỉ là kỹ thuật, là phương tiện, quan trọng nhất là vấn đề người dân đưa ra được giải quyết như thế nào.

 

Buổi chiều, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, UBTVQH đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thi đua, khen thưởng và dự án Luật Việc làm.

 

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thi đua, khen thưởng do Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai trình bày, tiếp thu ý kiến của ĐBQH về dự án Luật tại Kỳ họp thứ Năm, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng: quy định cụ thể các hình thức khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp; tăng tỷ lệ khen thưởng đối với kết quả lao động sáng tạo. Đối với đề nghị giảm bớt hình thức khen thưởng cấp Nhà nước, do các hình thức khen thưởng đang được thực hiện tương đối ổn định, có tác dụng động viên, khích lệ, biểu dương, tôn vinh công trạng các tập thể, cá nhân có thành tích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và với phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều, nên trước mắt, dự án Luật vẫn giữ nguyên các hình thức khen thưởng. Song, việc giảm bớt các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước cần được tiếp tục nghiên cứu, xem xét khi sửa đổi toàn diện Luật.

 

Các Ủy viên UBTVQH cơ bản tán thành với Báo cáo và cho rằng, dự thảo Luật lần này đã làm rõ hơn tiêu chuẩn các danh hiệu thi đua, việc phân cấp và thời hạn xét tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng. Về khen thưởng đối với ĐBQH và đại biểu HĐND, đa số Ủy viên UBTVQH cho rằng, hiện nay quy trình bình xét thi đua, khen thưởng được tiến hành từ thấp đến cao, cũng như việc xét tặng các danh hiệu thi đua và một số hình thức khen thưởng đối với ĐBQH chưa thật phù hợp. Việc khen thưởng ĐBQH nên quy định theo hướng không cộng dồn thành tích mà nên khen thưởng theo thành tích, công trạng và cống hiến thông qua các hình thức khen thưởng của Chủ tịch Nước. Đối với thành tích trong hoạt động khác không phải là hoạt động QH thì được khen thưởng dựa trên kết quả của thành tích đó theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng. Về quy trình, thủ tục về việc lập hồ sơ và đề nghị Chủ tịch nước khen thưởng đối với ĐBQH, đa số các thành viên UBTVQH tán thành phương án UBTVQH xem xét, đề nghị Thủ tướng để đề nghị Chủ tịch Nước quyết định tặng thưởng Huân chương, Huy chương, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, Danh hiệu vinh dự nhà nước cho ĐBQH; quy trình này được tiến hành theo Luật, Nghị định hướng dẫn.

 

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Việc làm, các chính sách hỗ trợ tạo việc làm tại Chương II, dự thảo Luật đã được cụ thể hóa về nội dung, mục tiêu, phạm vi, đối tượng và điều kiện áp dụng từng chính sách. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, các quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm trong dự thảo Luật liên quan tới nhiều quy định của Luật hiện hành và các quy định hiện hành của Nhà nước trong nhiều lĩnh vực... Ví dụ, đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ tín dụng tạo việc làm có thể chồng chéo, trùng lặp với đối tượng vay vốn ưu đãi của các chương trình tín dụng có mục đích cho vay mở rộng sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, cần quy định cụ thể đối tượng và điều kiện được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ tạo việc làm, bảo đảm phù hợp với quan điểm, đường lối của Đảng và một số luật có liên quan như Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Lao động, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Người khuyết tật...

 

Về trung tâm dịch vụ việc làm, dự thảo Luật đã sửa đổi cho phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động theo hướng Trung tâm dịch vụ việc làm là đơn vị sự nghiệp, bao gồm: Trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập nhằm cung cấp dịch vụ công về việc làm; trung tâm dịch vụ việc làm do các tổ chức chính trị - xã hội thành lập nhằm khuyến khích xã hội hóa lĩnh vực dịch vụ việc làm. Trung tâm dịch vụ việc làm được thành lập phải phù hợp với quy hoạch và có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực theo quy định của Chính phủ. Việc thành lập Trung tâm dịch vụ việc làm của các tổ chức chính trị - xã hội phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt trụ sở của Trung tâm (Điều 38). Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Phan Trung Lý cho rằng, việc tồn tại hai loại trung tâm dịch vụ việc làm như quy định trong dự thảo Luật có thể làm giảm hiệu quả hoạt động, phân tán nguồn lực cũng như gây khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước đối với các trung tâm này.

 

 

 

T.Chi - H.Ngọc

(http://daibieunhandan.vn)

Các bài viết khác