CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ NHẰM KỊP THỜI THỂ CHẾ HÓA CHỦ TRƯƠNG CỦA ĐẢNG

19/03/2022

Tại Phiên họp thẩm tra sơ bộ Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Nhóm Nghiên cứu- Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết ban hành Luật này nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".

Nhóm nghiên cứu- Thường trực Ủy ban Pháp luật đưa ra ý kiến thẩm tra sơ bô

Tại Phiên họp thẩm tra sơ bộ Tờ trình của Chính phủ, Nhóm nghiên cứu- Thường trực Ủy ban Pháp luật cho biết, ý kiến nghiên cứu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở với những lý do như đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Việc ban hành Luật này sẽ kịp thời thể chế hóa chủ trương phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giảm sát, dân thụ hưởng" đã được đặc biệt nhấn mạnh trong Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cụ thể hóa quyền làm chủ của Nhân dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013, trên cơ sở đó góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

Về hồ sơ của dự án Luật, ý kiến Nhóm nghiên cứu đánh giá hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị khá công phu, nghiêm túc. Đối chiếu với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hồ sơ dự án Luật cơ bản đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Mặc dù trong dự thảo Luật có một số nội dung giao Chính phủ hoặc các Bộ quy định chi tiết, nhưng trong hồ sơ chưa có dự thảo các văn ban quy định chi tiết kèm theo là chưa bảo đảm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, dự thảo Luật quy định về việc thực hiện dân chủ trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị với phạm vi rất rộng nhưng trong Báo cáo tổng kết mới chỉ đề cập đến việc thực hiện dân chủ trong nội bộ cơ quan hành chính nhà nước. Mặt khác, tại Tờ trình số 56/TTr-CP, Chính phủ đã nêu một số bất cập, hạn chế trong thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp nhưng chưa có biện pháp khắc phục; một số nội dung trong báo cáo đánh giá tác động còn chung chung. Do đó, đề nghị Chính phủ và Cơ quan soạn thảo tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các nội dung này trước khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Đưa ra quan điểm vào một số vấn đề về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, đối với những nội dung chính quyền địa phương cấp xã phải công khai, qua rà soát, ý kiến của Nhóm nghiên cứu nhận thấy, ngoài kế thừa các quy định tại Điều 5 của Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Đất đai, Luật Đầu tư công... và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đều có quy định việc công khai thông tin trên một số lĩnh vực cụ thể. Do đó, đề nghị cần ra soát kỹ lưỡng các luật và văn bản pháp luật có liên quan để chỉnh lý dự thảo Luật cho phù hợp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Toàn cảnh Phiên họp

Đối với nội dung về Thanh tra nhân dân, Nhóm nghiên cứu đề nghị cần đánh giá, tổng kết, kế thừa những quy định còn phù hợp của Luật Thanh tra, khắc phục những bất cập, hạn chế để sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật này. Đồng thời, cần chú trọng đổi mới phương thức hoạt động để nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập.

Đề nghị cơ quan trình dự án lý giải thêm về việc dự thảo Luật giao Chính phủ phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định cụ thể về tổ chức, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân. Việc giao Chính phủ phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định cụ thể về vấn đề này cũng là chưa hoàn toàn phù hợp với thực tiễn hiện nay. Đồng thời, đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung quy định về một số hình thức có tính chất tự quản tương tự nhằm phát huy quyền làm chủ của người dân ở cơ sở đã được các luật khác quy định hoặc đã thực hiện trên thực tế như việc thành lập các Ban giám sát cộng đồng, tổ hòa giải, các tổ, đội tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cộng đồng dân cư... để hỗ trợ cho chính quyền thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn.

Về trách nhiệm bảo đảm thực hiện và quản lý nhà nước về thực hiện dân chủ ở cơ sở, đối với trách nhiệm của Chính phủ, Nhóm nghiên cứu thấy rằng, thực hiện dân chủ ở cơ sở là phương thức hoạt động, không phải là một ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước. Do đó, để nghị dự thảo Luật chỉ quy định trách nhiệm của Chính phủ trong việc tổ chức thực hiện Luật, không phải “thống nhất quản lý nhà nước về thực hiện dân chủ ở cơ sở" như quy định của dự thảo Luật.

Đối với trách nhiệm của các Bộ, dự thảo Luật giao Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Quy chế mẫu thực hiện dân chủ. Nhóm nghiên cứu đề nghị quy định ngay trong dự thảo Luật 01 điều về những nội dung cơ bản của Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp" để làm cơ sở cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị ban hành Quy chế phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương, cơ quan, đơn vị mình, thay vì chờ các Bộ ban hành Quy chế mẫu.

Đối với trách nhiệm của cơ quan thuộc Chính phủ, Nhóm nghiên cứu thấy rằng, việc giao các cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện việc hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra và phối hợp với các cơ quan trong quản lý nhà nước về thực hiện dân chủ ở cơ sở là chưa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thuộc Chính phủ. Do đó, đề nghị tiếp tục rà soát để có quy định thích hợp hơn trong dự thảo Luật./.

Hồ Hương