Đối thoại “Phòng chống tham nhũng và cải cách hành chính”

05/06/2008

Hôm qua, 3-6, tại Hà Nội, buổi “Đối thoại về phòng chống tham nhũng lần thứ 3” đã được Văn phòng Ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ phối hợp với một số tổ chức quốc tế tổ chức.

 Đây là hoạt động thường lệ trước thềm Hội nghị nhóm các nhà tư vấn tài trợ cho Việt Nam (CG). Lần đối thoại này có chủ đề “PCTN và cải cách hành chính”, trong đó các đại biểu đi sâu vào phân tích vấn đề quan trọng là nâng cao tính chuyên nghiệp và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức.

Chia sẻ với những băn khoăn của các đại biểu quốc tế, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền khẳng định, 3 vấn đề trọng tâm mà Chính phủ Việt Nam luôn xác định trong quá trình phát triển, đó là: tăng trưởng kinh tế, cải hành hành chính và PCTN. Trong đó, PCTN luôn được coi là quốc sách, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn dân. Tới đây, chiến lược PCTN quốc gia sẽ được triển khai theo hướng: công khai, minh bạch; kiểm soát chặt chẽ vấn đề tài sản; thực hiện luân chuyển cán bộ…

 Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho biết, trong những năm qua đã phát hiện trên 400 vụ việc tham nhũng (TN), chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2008 đã phát hiện trên 100 vụ với trên 120 người có dính líu đến TN. Trung bình mỗi địa phương phát hiện từ 10 - 15 vụ TN/năm. Hầu hết các vụ TN đều được điều tra, xử lý nghiêm minh.

Gần đây nhất có vụ PMU18 nổi lên và được rất nhiều nhà tài trợ quan tâm. “Tôi xin khẳng định là Chính phủ Việt Nam luôn tôn trọng các quyết định của cơ quan tư pháp theo quan điểm: xử đúng người, đúng tội, đồng thời cũng không để oan sai”, ông Truyền nhấn mạnh.

Theo yêu cầu của các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ, tới đây, sau khi hoàn thiện việc xử lý xong vụ PMU 18, Chính phủ Việt Nam sẽ có một báo cáo đầy đủ về các vụ án liên quan đến TN trong thời gian vừa qua.

Tại buổi đối thoại, ông Matthieu Salomon, Cố vấn về chống TN của Đại sứ quán Thụy Điển cho rằng nếu PCTN không được xử lý tốt thì niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư của Việt Nam sẽ giảm sút, dẫn đến dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bị ảnh hưởng. Do đó cần thiết lập hệ thống quản lý quốc gia về thông tin, dữ liệu về PCTN để cung cấp trước hết là cho báo chí, nhà đầu tư và xã hội. Mục đích là có kênh thông tin chính xác trong đấu tranh PCTN, nhằm xóa bỏ e ngại về vấn đề TN cho các nhà đầu tư.

Liên quan đến vấn đề này, Đại sứ Nhật Bản cũng cho rằng, TN không chỉ là vấn đề vấn đề đạo đức mà còn là vấn đề kinh tế. Nhằm bảo đảm sử dụng vốn ODA và FDI hiệu quả, Quốc hội, Chính phủ cần phải xem tiền của người dân được sử dụng như thế nào. Đại sứ Anh cũng cho rằng, tại Việt Nam, TN trong đầu tư công và doanh nghiệp Nhà nước là rất lớn, thể hiện qua hiệu quả đầu tư trong đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước chỉ đạt 50%. Tỷ lệ này thấp hơn bất kỳ quốc gia nào ở cùng trình độ trên thế giới. Vì vậy, Đại sứ Anh kiến nghị, Việt Nam cần xử lý nghiêm những trường hợp TN trong đầu tư công để tăng lòng tin của nhà đầu tư đối với Việt Nam.

Hầu hết các đại biểu quốc tế, các nhà tài trợ đều cho rằng, Việt Nam cần thay đổi chính sách tuyển dụng cán bộ, công chức. Ông Ayumi Konishi, Giám đốc quốc gia, Ngân hàng ADB cũng cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, vai trò của Chính phủ cũng đã phải thay đổi, nâng tầm mới đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Vì thế, đội ngũ cán bộ công chức cũng phải thay đổi. “Cần phải làm lại cách tuyển dụng và thăng chức cho cán bộ công chức, thay vì tuyển dụng mang tính chính trị (chẳng hạn như bổ nhiệm người cao tuổi, đảng viên), cần áp dụng cơ chế dựa trên tài năng và công lao của họ”, ông Ayumi Konishi đặt vấn đề. Các đại biểu khác cũng nhận định: chính sách cán bộ hiện nay của Việt Nam không thúc đẩy họ dấn thân, sáng tạo mà chỉ để họ lo làm tròn trách nhiệm, sợ rủi ro. 3 giải pháp về cán bộ được đưa ra là: thăng chức dựa trên công lao; quản lý dựa trên năng lực và có chế độ lương, thưởng phù hợp.

Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam có thể hơn 7%

Tại cuộc họp báo trước thềm hội nghị giữa kỳ nhóm các nhà tài trợ cho Việt Nam sẽ diễn ra vào ngày 5 và 6-6 tới, ông Martin Rama - Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng: Việt Nam nên chấp nhận tăng trưởng kinh tế 2008 thấp, nhưng với chính sách điều hành tốt của chính phủ và đà phát triển của nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam vẫn ở mức tương đối cao, có thể vượt hơn 7%.

Ông Martin Rama cũng cho rằng, Việt Nam không có thành tố của khủng hoảng kinh tế. Lạm phát là khó có thể tránh khỏi khi giá gạo và giá dầu hiện nay rất khó dự đoán nhưng điều này sẽ được giải quyết trong tương lai gần. Trước mắt, Chính phủ Việt Nam phải tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng và ưu tiên bình ổn khu vực tài chính.

H.Trâm

 

Q.Phương

(http://www.sggp.org.vn/chinhtri/)

Các bài viết khác