Xây dựng đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc hòa bình, hữu nghị, hợp tác và ổn định lâu dài

24/02/2009

Hôm nay, ngày 23-2, tại cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) - Hữu nghị quan (Quảng Tây, Trung Quốc), diễn ra Lễ chào mừng hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Nhân sự kiện này, Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Dũng, Trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ, đã trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam.

Giới thiệu tóm tắt quá trình phân giới, cắm mốc (PGCM) biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Dũng cho biết, Việt Nam và Trung Quốc ký Hiệp ước Biên giới trên đất liền năm 1999 và Hiệp ước được QH hai nước phê chuẩn. Từ năm 2000 đến 2002, hai bên đã thỏa thuận được 12 văn bản pháp lý kỹ thuật làm cơ sở cho công tác PGCM. Tháng 12-2001, hai bên cắm cột mốc đầu tiên tại cửa khẩu Móng Cái (Việt Nam) - Ðông Hưng (Trung Quốc). Từ tháng 10-2002, hai bên đồng loạt triển khai PGCM trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Trong hai năm 2002 và 2003, hai bên thỏa thuận tiến hành PGCM theo hình thức "cuốn chiếu" từ tây sang đông. Do hai bên còn có nhận thức khác nhau về cách thức triển khai, nên công tác PGCM tiến triển chậm, mỗi năm chỉ cắm được khoảng 50 cột mốc. Từ năm 2004 đến 2006, hai bên thỏa thuận triển khai PGCM theo phương châm "dễ làm trước, khó làm sau". Nhờ đó, công tác PGCM tiến triển nhanh hơn. Hết năm 2006, hai bên đã xác định được 70% vị trí mốc giới. Tuy nhiên, sang đầu năm 2007, tốc độ PGCM chậm lại do các khu vực tồn đọng đều là các khu vực nhạy cảm, có lịch sử tranh chấp lâu đời, đã qua nhiều vòng đàm phán nhưng chưa giải quyết được. Trước tình hình đó, hai bên thỏa thuận giải quyết các vấn đề tồn đọng theo phương thức "cả gói", trên cơ sở các nguyên tắc: Căn cứ pháp lý Hiệp ước năm 1999 và bản đồ đính kèm; Giải quyết tất cả các khu vực trong "gói" theo cùng một tiêu chí; Công bằng, hợp tình, hợp lý, cân bằng về lợi ích, hai bên đều chấp nhận được; Biên giới đi qua tất cả các mốc cũ và các dấu tích lịch sử; Giảm tối đa tác động đến đời sống dân cư. Phương pháp này đã giúp hai bên đẩy nhanh tiến độ PGCM trên đất liền. Sau hơn bảy năm triển khai, ngày 31-12-2008, hai bên đã kết thúc toàn bộ công tác PGCM biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc đúng thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.

Về ý nghĩa của việc hoàn thành công tác PGCM biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc, Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Dũng nhấn mạnh, việc hoàn thành công tác PGCM là sự kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Ðây là bước phát triển quan trọng, mở ra cơ hội mới trong giao lưu kinh tế, thương mại giữa hai nước, đặc biệt là góp phần tăng cường quan hệ giữa các địa phương giáp biên giới; góp phần cụ thể hóa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc. Sự kiện này cũng là cơ sở để mỗi bên quản lý và duy trì sự ổn định ở vùng biên giới, thực hiện chủ trương xây dựng biên giới Việt Nam - Trung Quốc hòa bình, hữu nghị, hợp tác và ổn định lâu dài cho nhân dân hai nước nói chung và đồng bào các dân tộc vùng biên giới nói riêng. Một điều quan trọng nữa là sự kiện đã chứng tỏ với nhân dân hai nước và thế giới rằng, đối với vấn đề tồn tại giữa Việt Nam và Trung Quốc, nếu hai nước có ý chí chính trị, có thiện chí, cùng tiến hành đàm phán, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng lẫn nhau, có lý có tình, thì nhất định tìm ra những giải pháp thỏa đáng, được nhân dân hai nước đồng tình, ủng hộ.

Theo Thứ trưởng Vũ Dũng, hơn bảy năm qua, hai bên đã tiến hành 13 vòng đàm phán chính thức cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ, 31 vòng đàm phán cấp Chủ tịch Ủy ban liên hợp PGCM. Riêng năm 2008, hai bên đã tiến hành sáu cuộc gặp giữa hai Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về biên giới lãnh thổ, 11 vòng đàm phán cấp Chủ tịch Ủy ban liên hợp PGCM, vòng ngắn nhất kéo dài chín ngày, vòng dài nhất kéo dài 23 ngày, phiên họp dài nhất kéo dài liên tục hơn 30 giờ. Hai bên đã phân giới xong trên thực địa toàn tuyến biên giới dài khoảng 1.400 km, cắm được gần 2.000 cột mốc trong đó có hơn 1.500 cột mốc chính và hơn 400 cột mốc phụ. Hệ thống mốc giới này đã được đánh dấu, ghi nhận và mô tả phù hợp địa hình thực tế một cách khách quan, khoa học, chi tiết. Nếu so sánh với đường biên giới của các nước trên thế giới, đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc được đánh giá là có mức độ cột mốc dày đặc và rõ ràng nhất, được xác định theo phương pháp hiện đại và quản lý bằng phương thức tiên tiến, bảo đảm tính trung thực và bền vững, lâu dài. Ðây là tiền đề vững chắc để xây dựng biên giới Việt Nam - Trung Quốc thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị và cùng phát triển.

Về những công việc hai bên cần làm trong thời gian tới, Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Dũng nêu rõ, trong năm 2009, Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục thảo luận nhằm hoàn chỉnh nội dung của Nghị định thư PGCM và các phụ lục kèm theo, bao gồm bản đồ, hồ sơ ghi nhận những kết quả PGCM mà hai bên đã đạt được trên thực địa trong những năm qua; thương lượng và ký kết Quy chế quản lý biên giới mới và Hiệp định quản lý hoạt động qua các cửa khẩu quốc tế; thảo luận và ký Hiệp định về việc hợp tác khai thác tiềm năng du lịch thác Bản Giốc; ký Quy định về việc đi lại ở khu vực cửa sông Bắc Luân...

 

Quang Thiều

(http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/)

Các bài viết khác