NGHIÊN CỨU ĐỀ XUẤT TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH MỖI XÃ NÔNG THÔN MỚI MỘT MÔ HÌNH KINH TẾ TUẦN HOÀN

29/11/2023

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội đã đưa ra các giải pháp để khôi phục và đảm bảo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Quan tâm đến vấn đề này, các chuyên gia cho rằng cần nhận thức rõ vai trò của kinh tế tuần hoàn trong chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG QUỐC HỘI BÙI VĂN CƯỜNG: QUỐC HỘI ĐÃ, ĐANG VÀ SẼ LUÔN NỖ LỰC HẾT SỨC MÌNH VÌ LỢI ÍCH CỦA NHÂN DÂN VÀ VÌ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA ĐẤT NƯỚC

KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHÓA XV: NÊU CAO TINH THẦN TRÁCH NHIỆM, PHÁT HUY DÂN CHỦ, TRÍ TUỆ

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng, Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã bổ sung và có nhiều nội dung mới so với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050, một trong những nội dung đó là “kinh tế tuần hoàn”, nhằm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 từ Đại hội XIII của Đảng.

Đối với phát triển bền vững, hiện nay chúng ta đang thực hiện theo quan điểm của Đảng đã đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đó là “phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” nhằm triển khai đối với các ngành, lĩnh vực, các vùng và địa phương. Chuyên gia cho rằng, nói về vấn đề này, Tây Nguyên là vùng có đặc trưng riêng về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và đặc điểm kinh tế - xã hội, việc xác định rõ nội dung kinh tế tuần hoàn (KTTH) trong chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững vùng Tây Nguyên có một vai trò hết sức quan trọng không chỉ cho vùng này, mà còn trong môi quan hệ với các vùng khác, như: ven biển Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ.

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng, Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường

Chuyên gia phân tích, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1658/ QĐ-TTg, ngày 01/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, nội dung KTTH đã được thể hiện trong Chiến lược này ở mục tiêu cụ thể, nội dung “ Xanh hóa các ngành kinh tế” là “chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình KTTH thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường”.

Từ mục tiêu cụ thể này, nhìn nhận vào vùng Tây Nguyên để định hình rõ những ngành nào cần triển khai ngay mô hình KTTH đến năm 2030, cụ thể cho 3 nhóm ngành lớn như sau: Ngành công nghiệp và xây dựng: Công nghiệp và xây dựng ở Tây Nguyên so với các vùng khác, nhất là Đông Nam Bộ và Duyên hải miền Trung chưa phát triển, tuy nhiên, một số ngành nổi lên đứng đầu cả nước, như: khai thác và chế biến Bô xít ở Lâm Đồng và Đắk Nông. Ngành này nếu thực hiện mô hình KTTH sẽ có nhiều ưu thế, mang lại hiệu quả kinh tế cao và điều kiện kỹ thuật cho phép. Ngành công nghiệp khai thác vật liệu xây dựng cũng có nhiều điều kiện để chuyển sang mô hình KTTH. Ngành công nghiệp chế biến nông sản ở Tây Nguyên cũng có nhiều cơ hội để chuyển sang mô hình KTTH.

Với thời gian từ nay đến năm 2030 chỉ còn 7 năm, nếu thực hiện được 3 nhóm ngành trên trong thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh ở vùng Tây Nguyên đối với công nghiệp và xây dựng là sự nỗ lực lớn. Ngành nông nghiệp: Nông nghiệp ở Tây Nguyên cũng có những đặc trưng và khác biệt so với các ngành khác. Đối với trồng trọt, có thế mạnh về các loại cây công nghiệp dài ngày, như: cà phê, cao su, hạt điều, hạt tiêu; cây ăn quả, như: sầu riêng, cây bơ và một số loại cây khác.

Các mô hình kinh tế tuần hoàn được áp dụng trong lĩnh vực nông nghiệp

Đối với chăn nuôi, có thế mạnh chăn nuôi đại gia súc, như: bò sữa. Việc thu hoạch chế biến nông sản, nếu áp dụng mô hình KTTH sẽ có nhiều ưu thế, đạt hiệu quả cao về kinh tế, xã hội và môi trường. Hiện nay, chăn nuôi bò sữa của công ty Vinamilk ở Lâm Đồng đã áp dụng mô hình KTTH, từ mô hình này có thể nhân rộng ra các mô hình chăn nuôi khác, kể cả chăn nuôi gia súc và gia cầm. Như vậy, áp dụng mô hình KTTH trong nông nghiệp đối với chiến lược tăng trưởng xanh của vùng Tây Nguyên đến năm 2030 cho trồng trọt và chế biến sản phẩm cây công nghiệp dài ngày, như: cao su, hạt điều, cà phê hoàn toàn có tính khả thi. Trong chăn nuôi, từ mô hình chăn nuôi bò sữa ở Lâm Đồng, có thể rút ra các bài học kinh nghiệm và nhân rộng ra cho các ngành chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, nhất là các khu vực chăn nuôi tập trung quy mô lớn.

Ngành dịch vụ: Dịch vụ ở Tây Nguyên đang trong quá trình phát triển, nhất là dịch vụ du lịch khách sạn nhà hàng, dịch vụ thu gom và xử lý chất thải. Những ngành dịch vụ này có điều kiện để thực hiện mô hình KTTH trong chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030. Ngoài 3 nhóm ngành đã nêu, với những ngành, lĩnh vực có khả năng áp dụng mô hình KTTH trong quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ ở Tây Nguyên đến năm 2030, các mô hình KTTH khác cũng sẽ được xây dựng và phát triển ở Tây Nguyên có tính tổng hợp. Đối với khu vực nông thôn, miền núi cũng có khả năng áp dụng mô hình KTTH dựa trên cơ sở các mô hình đã và đang tồn tại, như: vườn - ao - chuồng (VAC), vườn - rừng - ao - chuồng (VRAC). Các khu công nghiệp chuyển dần sang mô hình khu công nghiệp tuần hoàn, đối với các khu công nghiệp bắt đầu hình thành, ngay từ khâu thiết kế cần thiết kế theo mô hình KTTH dựa trên cơ sở mục tiêu đề ra của Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia đến năm 2030.

Cũng quan tâm vấn đề này, ThS.Nguyễn Thế Thông, Ban Kinh tế Tài nguyên và Môi trường chỉ ra rằng, để thực hiện mô hình KTTH trong Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia và phát triển bền vững cho vùng Tây Nguyên, trên cơ sở nhiệm vụ cụ thể đã đề ra đối với “xanh hóa các ngành kinh tế”, những giải pháp đưa ra cần bám vào những nội dung KTTH đã được đề ra trong Quyết định số 1658/QĐ-TTg. Những nội dung liên quan cụ thể như sau: Những giải pháp liên quan đến các bộ, ngành Liên quan đến nội dung KTTH giao cho các bộ, ngành trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh bao gồm các bộ, ngành sau:

Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, “hoàn thiện thể chế chính sách về khu công nghiệp sinh thái, tăng cường áp dụng nguyên tắc KTTH trong xây dựng, quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế”. Như vậy có nghĩa là, trên cơ sở đã có quy định về khu công nghiệp sinh thái, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách đối với các khu công nghiệp, khu kinh tế dựa trên nguyên tắc KTTH và hướng đến các khu kinh tế, khu công nghiệp theo mô hình KTTH, khi đó, đối với khu công nghiệp, khu kinh tế ở Tây Nguyên sẽ thực hiện theo mô hình KTTH. Tuy nhiên, hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 687/QĐ-TTg, ngày 07/6/2022 phê duyệt Đề án Phát triển KTTH ở Việt Nam, các địa phương trên địa bàn Tây Nguyên có thể căn cứ vào Đề án này để triển khai các nội dung KTTH trên địa phương mình. Những khu công nghiệp, như: khai thác và chế biến Bô xít ở Lâm Đồng, Đắk Nông và các khu công nghiệp chế biến nông sản hoàn toàn có thể chuyển sang áp dụng các nguyên tắc KTTH ngay.

Đối với Bộ Công Thương, “áp dụng mô hình KTTH trong xây dựng, vận hành, quản lý các cụm công nghiệp”. Như vậy, đối với các cụm công nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên, sẽ phải áp dụng mô hình KTTH theo giám sát, quản lý của Bộ Công Thương.

Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, “xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững, ít phát thải theo hướng KTTH thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu”. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang thực hiện Quyết định số 150/QĐ-TTg, ngày 28/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong Chiến lược này, nội dung KTTH cũng đã được đề cập, do vậy, đối với vùng Tây Nguyên, cần phải triển khai tốt những nội dung KTTH đã được Thủ tướng phê duyệt.

Liên quan đến Quyết định số 687/QĐ-TTg, đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần thực hiện những nội dung sau: Hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc hình thành, phát triển nông thôn. Nghiên cứu, thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực tái chế, tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lao động nghiên cứu, triển khai công nghệ xử lý phụ, phế phẩm trong nông nghiệp, đầu tư nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật trong xử lý phế phẩm nông nghiệp. Xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án áp dụng KTTH trong phát triển các chuỗi giá trị nông sản chủ lực, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo giá trị gia tăng và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, nước, vật tư đầu vào nhằm giảm suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường.

Đồng thời, cần thúc đẩy sự tham gia của các khu vực tư nhân, các tổ chức, từng hộ nông dân vào chuỗi giá trị nông sản tuần hoàn; Các mô hình tăng cường sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên (đất, nước, thủy, hải sản). Tiếp tục xây dựng và triển khai Chương trình nông nghiệp xanh, phát triển bền vững, KTTH trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Nghiên cứu đề xuất triển khai chương trình mỗi xã nông thôn mới một mô hình KTTH.

Hồ Hương